Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

“Viếng mộ” Khai quốc công thần Nguyễn Cư Trinh

17/04/2016
“Viếng mộ” Khai quốc công thần Nguyễn Cư Trinh

Nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Nguyễn Cư Trinh (1716 - 2016). Ngày 10/3/AL, con cháu, họ tộc Nguyễn Đăng đời thứ 14 đã tổ chức kỷ niệm tại Lăng mộ Nguyễn Cư Trinh (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc).

Nguyễn Cư Trinh, tên thật là Nguyễn Ðăng Nghi, huý là Thịnh, tự là Cư Trinh và Nghi Biểu, hiệu là Ðạm Am và Hạo Nhiên, tước Nghi Biểu Hầu, sau đổi thành Tân Minh Hầu, sinh ngày 12 tháng giêng, năm Bính Thân (1716), tại làng An Hoà, xã Hương Sơ, huyện Hương Trà, xứ Thuận Hoá (nay là An Hoà, Phường Hương Sơ, thành phố Huế).

Cha Nguyễn Cư Trinh là ông Nguyễn Đăng Đệ thuộc đời thứ bảy, vốn nổi tiếng về tài văn chương, thi đỗ sinh đồ, làm Tri huyện Minh Linh phủ Quảng Bình xứ Thuận Hóa (nay thuộc Quảng Trị), được chúa Nguyễn Phúc Chu mến tài ban cho quốc tính (được mang họ Chúa).

Lúc còn nhỏ, Nguyễn Cư Trinh nổi tiếng là người hay chữ. Năm 18 tuổi, ông thi Hương trúng cách, được bổ Huấn đạo. Năm 1740, ông thi đỗ Cống sĩ, lãnh chức Tri phủ Triệu Phong.

Năm 1741, được đề bạt vào Viện Văn Chức, làm việc bên cạnh Chúa Nguyễn. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà kinh tế, quân sự tiêu biểu của xứ Ðàng Trong. Năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng Vương hiệu, Nguyễn Cư Trinh phụ trách việc soạn thảo văn thư, từ lệnh và được Chúa bổ nhiệm qua nhiều chức vụ khác.

lim_6252_26430972156_o

Năm Canh Ngọ (1750),  ông được bổ nhiệm chức Tuần vũ Quảng Ngãi, ông đánh dẹp cuộc nổi dậy chống triều đình ở Đá Vách (người dân tộc khởi loạn). Sau đó trải qua các chức như: Ký lục dinh Bố Chánh, Thượng thư Bộ lại kiêm Tào vận sứ, tước Nghi Biểu Hầu.

Năm Quý Dậu (1753), Nặc Nguyên (Chey Chettha VII) về làm vua Chân Lạp thường hay hà hiếp rợ Côn Man và lại thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn biết tình ý ấy, sai Nguyễn Cư Trinh sang Chân Lạp (tức Cao Miên) đánh Nặc Nguyên. Ông chủ trương dùng kế sách “dĩ man công man” (dùng người Man trị người Man), “tàm thực” (nghĩa là lấy dần dần như con tầm ăn lá dâu) và “tâm công” (lấy đức để trị) mà ông đã khéo léo thu cả miền đồng bằng sông Cửu Long về cho Đại Việt. Ông có công lớn trong việc mở nước, an dân. Ông giao thiệp tương đắc với Mặc Thiên Tích ở Hà Tiên, họa thơ với các danh sĩ trong nhóm Chiêu Anh Các, khiến họ Mạc trọng vọng, nể phục, đưa đến việc Mạc Thiên Tích thần phục chúa Nguyễn.

Bàn về “tâm công”, Đại Nam thực lục có viết lúc Nguyễn Cư Trinh lúc còn làm Tuần phủ Quảng Ngãi có dâng một bức thư nói về tình trạng khốn đốn của dân gian. Ông cho rằng: “Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước chẳng thể yên, cho nên nếu ngày thường không chăm dùng ân huệ để cốt kết lòng người, thì đến khi có việc xảy ra, còn mong chờ vào đâu? Trộm nghĩ, thói tệ bạc chất chứa trong dân gian đã nhiều, nếu cứ thủ thường như cũ, không biết tùy thời thêm bớt và thiết lập kỷ cương, thì một ấp cũng khó giữ được, huống chi một nước. Nay, có ba việc gây tệ hại cho dân là nuôi lính, nuôi voi và nộp tiền án kiện, chưa kể những sự nhũng nhiễu khác không sao kể xiết...”

Năm Ất Dậu (1765) Nguyễn Phúc Thuần lên nối ngôi chúa, quyền thần Trương Phúc Loan ỷ thế lộng quyền. Sách Đại Nam thực lục chép:

Nguyễn Cư Trinh nói: "Chốn triều đình bàn việc đã có định chế, Phúc Loan sao dám vô lễ như thế, sắp muốn chuyên quyền chăng? Trong nước sinh loạn tất là người ấy". Phúc Loan giận lắm nhưng e sợ, không dám làm gì.

Năm Đinh Hợi (1767) ông bị bệnh mất, hưởng dương 51 tuổi, chúa Nguyễn Phúc Thuần truy tặng Tá lý công thần đặc tấn trị quốc kim tử vinh lộc đại phu chính tự thượng khanh tham nghị, ban Thụy Vân Định. Đến đời Minh Mạng, truy tặng ông là Khai quốc công thần, Hiệp biện đại học sỹ, truy phong tước Tân Minh Hầu, cho tòng tự ở Thái Miếu.

Ở Thái Miếu, bên trái gọi là Tả tòng tự, nơi thờ các vị công thần thuộc dòng dõi Tôn thất, bên phải gọi là Hữu tòng tự, nơi thờ các vị công thần xuất thân từ hàng dân dã. Ở Hữu tòng tự có bảy bài vị, bài vị của Nguyễn Cư Trinh ở vị trí thứ sáu, sắp liền kề vị trí của tướng Nguyễn Hữu Dật. Như vậy, thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát chỉ có duy nhất Nguyễn Cư Trinh được thờ ở Thái Miếu.

Lăng mộ ông nằm giữa vùng đồi núi, cảnh trí đẹp, mộ nằm theo hướng Tây Nam, hình chữ nhật, lăng dài 14,60m; rộng 12,8m, cao 1,65m. Mộ Nguyễn Cư Trinh được chôn cùng hai bà vợ (mộ tam táng), mộ hình chữ nhật, dài 2,90m, rộng 2,30m.

Năm 1999, Khu mộ Nguyễn Cư Trinh đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia theo Quyết định số 05/1999/QĐ/BVHTT.

Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm Thơ, Truyện bằng chữ Hán và chữ Nôm có giá trị như: "Ðạm Am thi tập"; "Hạo nhiên đường văn tập"; Độn Am thi tập (Hán); đặc sắc nhất là Truyện Sãi Vãi (Nôm), ông viết và cho phổ biến rộng rãi nhằm để khuyên can quan quân và kích thích tướng sĩ, nhờ đó mà ông đã nhanh chóng bình định được Đá Vách, binh sĩ và nhân dân địa phương hăng hái lập đồn điền, tăng gia sản xuất và canh phòng cẩn mật các nơi xung yếu, thực hiện chính sách kinh tế và quốc phòng toàn diện.

Lang mo Nguyen Cu Trinh (1)

PGS.TS Đỗ Bang cùng các Nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương viếng mộ cụ

Đánh giá về công lao Nguyễn Cư Trinh, PGS.TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh cho biết: “nhân vật lịch sử Nguyễn Cư Trinh - một nhân vật lỗi lạc mà những tài liệu lịch sử hiện đại chưa nói hết tầm vóc của ông”. Đồng quan điểm, Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đề nghị “cần có một dự án phát huy di sản văn hóa Nguyễn Cư Trinh, xây dựng một cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông, trùng tu lại nhà thờ và lăng mộ để xứng đáng với công lao của bậc vĩ nhân này”.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: