Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Cảm xúc trở lại chiến trường xưa

10/01/2016
Cảm xúc trở lại chiến trường xưa

Qua lời kể của các đồng đội, những người đã tìm thấy và cứu sống chị Trần Thị Hằng (TP. Huế), là người duy nhất may mắn còn sống sót trong suốt hơn 20 ngày đêm bị máy bay Mỹ càn quét, các chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và lần lượt ngã xuống trên vùng đất Khe Cạn (Lộc Bình, huyện Phú Lộc).

Quay lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ 27/7, UBND xã Lộc Bình tổ chức khánh thành bia chứng tích do các đồng chí, đồng đội phối hợp với UBND xã Lộc Bình, lãnh đạo huyện Phú Lộc vận động nhân dân, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn đóng góp xây dựng, nhằm ghi nhận sự hy sinh xương máu của các đồng chí, đồng đội của chị đã ngã xuống trên mãnh đất xã Lộc Bình, vùng đất nơi mà chị cùng các đồng đội của chị đã anh dũng chiến đấu, anh dũng hy sinh trong một trận đánh lịch sử.

Bia chung tich (1.)

Lãnh đạo huyện Phú Lộc, xã Lộc Bình cắt băng và thắp nến khánh thành bia chứng tích.

Bước xuống xe ô tô cùng hai người chị khác cũng từng kề vai, sát cánh thời chiến đấu cùng chị. Tôi mong chờ suốt buổi chiều để được gặp, được phỏng vấn chị, bởi hơn ai hết chị là người trong cuộc, là nhân chứng sống, lời kể của chị làm cho câu chuyện lịch sử chính xác và đúng thực tế hơn. Quan sát, chúng tôi nhìn thấy trong ánh mắt chị một nỗi niềm khó tả, một niềm vui, xen lẫn một nỗi buồn không thể nói ra; cảm thấy chưa đúng lúc, chúng tôi xin được chụp ảnh chị nhưng tạm gác lại việc phỏng vấn lúc này.

Trận đánh diễn ra vào mùa xuân, ngày 12/3/1968, quân Mỹ - Ngụy đưa quân càn quét ở Khu 3, Phú Lộc; để bảo toàn lực lượng, quân ta chia ra nhiều hướng rút lui, trong đó đội của chị Hằng gồm 9 chiến sỹ men theo hướng núi Rẫm về Khe Cạn, thuộc xã Lộc Bình để ẩn nấp. Tại đây, bọn Mỹ phát hiện được đã cho máy bay đến tập kích địa điểm quân ta đang đóng quân, chúng quần thảo, thả bom khắp những khu vực mà chúng nghi có bộ đội ta ẩn nấp. Địa điểm ẩn nấp bị phát hiện, các anh anh dũng chiến đấu bắn thẳng vào máy bay Mỹ, cuộc chiến không cân sức, sau gần một tuần quần nhau với địch, 8 đồng chí của chúng ta đã lần lượt hy sinh tại Khe Cạn - Núi Rẫm.

Bia Chung tich (4)

Chị Trần Thị Hằng (giữa) cùng các chị thắp hương các đồng đội đã hy sinh cùng trong một trận đánh

Sau khi nhận được tin, đồng đội đã nhiều lần tổ chức vào lấy xác các chiến sĩ hy sinh, nhưng do chúng bao vây quá chặt nên chúng ta không thể tiếp cận hiện trường, sau gần 20 ngày bao vây, thấy đã im ắng nên chúng rút đi, quân ta tiếp cận được thì tìm thấy xác các đồng chí mỗi người một nơi, thân thể họ không còn nguyên vẹn và đang thời kỳ phân hủy mạnh, nhìn quá đau sót nên các đồng đội chỉ còn cách đào hố, lập mộ ngay chính nơi các đồng chí đã ngã xuống. Mọi việc hoàn tất, nhưng khi kiểm tra tại thì thấy thiếu đồng chí Hằng, đồng đội triển khai tìm kiếm khu vực xung quanh nhưng đồng chí Hằng vẫn bặt vô âm tín, sau ba ngày cố gắng tìm kiếm, cuối cùng các đồng đội cũng tìm thấy đồng chí Hằng bất tỉnh trong một hang đá và trên cánh tay chị bị thương nặng, sau 23 ngày chống chọi với đói khát và mất nhiều máu, từng thớ thịt trên cánh tay chị cũng đã thối rửa. Chị may mắn được đồng đội cấp cứu và đưa thẳng ra miền Bắc điều trị.

Tôi rất mong có được vài dòng tâm sự, hay câu chuyện chị đã trãi qua, người duy nhất may mắn còn sống, từng sát cánh chiến đấu trong phút giây sinh tử cùng các đồng chí đã hy sinh. Nhưng có lẽ thẵm sâu trong lòng chị hiện có quá nhiều cảm xúc; vui vì được trở lại, nhìn thấy các anh được nhân dân hương khói, lãnh đạo địa phương quan tâm, chị cũng được ấm lòng; buồn vì có quá nhiều ký ức khi trở lại chiến trường xưa, nơi chị từng phải tận mắt nhìn thấy hình ảnh các chiến sĩ, đồng đội đã lần lượt ngã xuống trước mắt mà đến cơ thể các anh cũng không còn nguyên vẹn…tự đấy lòng mình, chị khẽ nói với tôi “chị rất hạnh phúc khi nhìn thấy các anh được nhân dân địa phương quan tâm, hương khói, được tổ quốc ghi công, nhưng chị không muốn kể lại giây phút nớ, buồn lắm em nờ”.

Bia Chung tich (3)

Các đồng đội cũ bên bia chứng tích

Cảm xúc lúc này của chị có lẽ chỉ có mình chị mới thấu hiểu; nhưng dẫu sao, có một điều tôi chắc chắn rằng chị sẽ rất ấm lòng khi được nhìn thấy các anh, những người đồng chí, đồng đội của mình được bà con nhân dân, lãnh đạo địa phương quan tâm xây dựng bia chứng tích nhằm hương khói, ghi nhận công lao đóng góp và sự hy sinh của họ.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: