Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Chiến thắng Hói Mít, trận đánh phủ đầu quân Pháp (Phần 2)

28/01/2016
Chiến thắng Hói Mít, trận đánh phủ đầu quân Pháp (Phần 2)

Quả bom phát nổ đã làm cho đầu tàu trật bánh lao xuống vực, bọn lính còn đang ngơ ngác, quân ta áp sát tiêu diệt hàng trăm tên giặc, thu hàng chục tấn đạn dược. Đó tất cả là nhờ sự mưu trí, dũng cảm, đoàn kết một lòng giữa quân và dân.

Theo cuốn “Những trận đánh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ghi trên địa bàn Thừa Thiên Huế - NXB Chính trị Quốc gia” ghi rõ “Đoàn tàu có một đầu máy và 17 toa bọc thép. Chỉ huy địch ở toa số 2, toa số 1, 6, 13, 16, 17 chở đầy lính, một số lính nằm trên các nóc toa, súng chĩa ra 2 bên đường, các toa chở lính có các lỗ châu mai, số toa còn lại chở vũ khí, đạn dược được phủ kín bạt, trong đó toa số 8 chở khẩu đại bác 75 ly”.

Đúng 15giờ 43 phút, đoàn tàu nằm gọn trong trận địa của ta, khi đi qua đoạn đường cong nên tốc độ khoảng 20km/h. Đầu tàu khi gần tiến vào vị trí quả bộc phá nơi ta chôn dấu, lệnh tấn công của đồng chí Trung đoàn trưởng đã điểm, ngay lập tức tổ công binh cho nổ bộc phá phá đầu tàu, quả bom phát nổ đã làm cho đầu tàu và một phần toa số 1 đang chạy trật bánh lao xuống vực, còn thân tàu vẫn nằm trên đường ray (cách Khe Quánh khoảng 10m). Cùng lúc đó, hoả lực quân ta phục kích xung quanh sườn núi bắn vào các toa có lính áp tải. Lúc đầu bọn lính hốt hoảng không kịp phản ứng, sau dựa vào quân đông, hoả lực mạnh vào được bảo vệ trong các toa bọc thép kiên cố, chúng đã đánh lui được nhiều đợt tiến công của ta. Để dành thế chủ động, giữ địch bị động bên trong các toa, quân ta áp sát dùng lựu đạn đánh chiếm từng toa, đại đội 1 đánh tới tấp vào toa chỉ huy khiến chúng không kịp trở tay. Khoảng 16h45 phút, toàn bộ địch trên tàu bị tiêu diệt, một số tên chạy thoát được nhờ lao xuống đầm Lập An hoặc lên núi.

Quân ta tiến hành thu chiến lợi phẩm của quân địch trang bị cho bộ đội ta, một số được đưa lên núi; một số được phân tán, cất giấu; số còn lại được phá huỷ tại chỗ. Giải quyết xong chiến lợi phẩm thì trời đã tối, không kịp rút về chiến khu, Trung đoàn trưởng ra lệnh rút về núi Rẫm, gần cửa biển Tư Hiền tạm ẩn núp, chờ cơ hội để lên chiến khu.

Cau Khe Quanh (1) copy

 

Địa điểm chiến thắng Hói Mít

Nhận được tin đoàn tàu bị tấn công, địch lập tức điều quân từ Huế vào, Đà Nẵng ra để vây đánh quân ta. Được bọn gián điệp chỉ điểm, phát hiện Tiểu đoàn 319 còn kẹt lại trong khu vực tác chiến và một bộ phận ẩn nấu tại núi Rẫm. Chúng huy động lực lượng máy bay, tàu thuỷ cùng bộ binh chốt chặn đường rút lui nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 319. Địch ngồi trên máy bay dùng súng bắn vào những lùm cây, bờ đất nơi chúng nghi có quân ta ẩn nấu. Ca nô địch liên tục tuần tiễu trên đầm Cầu Hai, ở phía biển có 2 tàu Pháp thay nhau chốt chặn cửa biển Tư Hiền và dùng đại bác bắn liên tục vào khu vực núi Rẫm. Suốt 4 ngày đêm từ 13/01 đến 16/01/1949, bộ đội ta giấu mình trong các bụi cây, hốc đá, luồn lách đối phó với các cuộc tấn công của địch. 21 giờ ngày 16/01, lợi dụng đêm mưa to, gió lớn, bọn địch co cụm lại, chỉ canh gác bảo vệ xe pháo đề phòng quân ta tập kích. Lợi dụng lúc địch lơ là, được nhân dân địa phương dẫn đường, toàn bộ Tiểu đoàn vượt qua QL1A tiến vào rừng lên chiến khu an toàn.

Kết quả sau 16 ngày đánh chiếm đoàn tàu kể từ khi chuẩn bị cho đến lúc rút lui an toàn “ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch, thu 10 trung liên, 30 tiểu liên, 18 súng trường, phá hỏng 1 đại bác 75 ly, 1 đầu máy cùng 17 toa xe lửa. Phá huỷ, cất giấu và phân tán hơn 80 tấn đạn dược, vũ khí các loại…” “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, tập 1 (1930 - 1954)”.

Chiến thắng Hói Mít là đỉnh cao của sự quyết tâm, ý chí đồng lòng của bộ đội chủ lực và du kích địa phương. Chiến thắng đó đã đã làm suy giảm ý chí quân Pháp, phá tan kế hoạch mở rộng vùng đánh chiếm, tạo điều kiện cho chiến trường Bình - Trị - Thiên và vùng Trung Lào vững tin kháng chiến trong những năm tiếp theo.

Di tích chiến thắng Hói Mít đã được Uỷ ban nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận di tích Lịch sử và Cách mạng ra Quyết định số 2465/QĐ-UBND ngày 29/10/2008. Như vậy, điều kiện cần cho một điểm di tích khi đã được công nhận cần có bia ghi dấu chiến thắng, biển chỉ đường, nâng cấp khuôn viên, chỉnh trang mặt bằng nhằm phát huy có hiệu quả di tích và giáo dục truyền thống cách mạng cho địa phương. Nhưng trong quá trình đi thực tế, chúng tôi rất khó khăn để tìm đến đúng địa chỉ điểm di tích bởi không có biển chỉ dẫn và bia chiến tích,  người dân địa phương gần như quên lãng, một vài người chỉ nhớ mang máng mà cũng không rõ nó nằm ở điểm nào?

Thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn nên sớm có phương án để xây dựng bia chiến tích, biển chỉ đường, cắm lộ giới để khách tham quan và người dân địa phương không còn xa lạ với “Di tích Chiến thắng Hói Mít”, nơi lịch sử ghi dấu trận đánh oai hùngngay trên chính quê hương họ.

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: