Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Các bình gốm phát hiện tại Chùa Thanh Dương, xã Lộc Thủy thuộc dòng gốm Phước Tích.

22/01/2016
Các bình gốm phát hiện tại Chùa Thanh Dương, xã Lộc Thủy thuộc dòng gốm Phước Tích.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vừa qua Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc khảo sát thực địa tại Chùa Thanh Dương, xã Lộc Thủy.

Qua quá trình khảo sát thực địa, đồng thời tranh thủ ý kiến của các nhà nghiên cứu, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng đi đến kết luận “Những hiện vật hiện tìm thấy tại Chùa Thanh Dương, xã Lộc Thủy thuộc dòng gốm Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Một làng cổ nổi tiếng với nghề gốm thủ công truyền thống, ra đời cách ngày nay hơn 500 năm, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVIII, XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX. Sản phẩm gốm Phước Tích chủ yếu là đồ gia dụng như: bình vôi, hủ, chậu, chum, nồi, niêu…họa tiết trang trí đơn giản, màu sắc phong phú, từ màu xám đến nâu sẩm. Chính điều đó đã tạo nên sự mộc mạc, giản dị nhưng mang tính độc đáo và có mặt khắp nơi cả trong nước và ngoài nước. Gốm Phước Tích còn sử dụng cả trong cung đình của triều đại nhà Nguyễn”.

binh voi (2)

Địa điểm phát hiện được các hiện vật gốm

Các bình gốm được phát hiện tại Chùa Thanh Dương trong quá trình xây dựng, hoàn thiện khuôn viên chùa, các công nhân đào đất đã phát hiện 15 bình đựng vôi nhiều kích cỡ tương đối hoàn thiện và nhiều mảnh gốm sứ có màu sắc, kích thước khác nhau ở độ sâu khoảng 1,5m, diện tích khoảng 3m2.

binh voi (1)

Các hiện vật bình vôi được tìm thấy tại Chùa Thanh Dương

Việc tìm thấy các hiện vật bình vôi tại chùa Thanh Dương cho thấy các sản phẩm gốm Phước Tích hầu như đã có mặt trong mọi gia đình của người Việt, đặc biệt là vùng đất lân cận Huế, bình vôi gắn liền với tục ăn trầu của người Việt đã tồn tại hàng ngàn năm lịch sử và vẫn còn duy trì cho đến ngày nay.

Về cách thức xử lý các hiện vật được tìm thấy, phía Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng cho biết một phần sẽ đưa về bổ sung vào bộ sưu tập bình vôi của Bảo tàng đang xây dựng, nhằm giới thiệu cho du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Một phần sẽ đưa về Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc để sau này xây dựng phòng trưng bày truyền thống của huyện, nhằm giới thiệu cho nhân dân địa phương đến tham quan tìm hiểu. Số hiện vật còn lại giao cho chùa Thanh Dương lưu giữ để giới thiệu về lịch sử văn hóa địa phương.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: