Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Cuộc vượt ngục huyền thoại ở Phú Quốc (Phần 2)

22/01/2016
Cuộc vượt ngục huyền thoại ở Phú Quốc (Phần 2)

Người chiến sĩ Cộng sản Hồ Quốc Phú (Lộc An, Phú Lộc), cùng các đồng đội đã thực hiện thành công cuộc vượt ngục “huyền thoại” bằng hầm đầu tiên ở Phú Quốc ngày 21-1-1969.

cu ho quoc phu -5--16011702331001

Cụ Phú (thứ 2 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ trong đợt trao trả tù binh năm 1973 tại Quảng Trị

Năm 1966, quân ta đánh nhau với địch ở Niêm Phò (Quảng Điền). Cụ Phú cùng hai đồng đội lên tiếp ứng, nhưng lên chưa tới nơi thì bị bắt. Trong trận đó, đồng chí Nam liên lạc hy sinh, đồng chí Dũng chính trị viên bị thương ở tay, cụ bị thương ở đầu gối. Địch dùng trực thăng chở ông cùng đồng đội lên giam đồn Mang Cá, mấy ngày sau chuyển vô Đà Nẵng.

Bất thành ở Đà Nẵng

Tại đây cụ tổ chức cho các anh em cách mạng cùng nhau vượt ngục. Để chọn những anh em tâm huyết, đáng tin cậy, cụ cùng một số anh em quyết định làm công tác “thanh lọc” và đào tạo họ. Nếu trong trường hợp cuộc vượt ngục thất bại, những đồng chí bị bắt đều nhận mình là chủ mưu, nếu cần thiết có thể hy sinh để bảo vệ các anh em khác. Công tác thanh lọc, tư tưởng đã xong, cụ Phú phân công cho các anh em chuẩn bị các dụng cụ cần thiết như muỗng, chén, cà mèn… nhằm chuẩn bị cho một cuộc vượt ngục bằng đào hầm.

11

Cụ Phú hiện nay

Để việc đào hầm thuận lợi, cụ bố trí thành ba nhóm, những người mạnh khoẻ thành một nhóm trực tiếp đào hầm, còn những người ốm yếu chia làm hai nhóm. Một nhóm phụ trách công tác “khẩu chiến”, tức chỉ mỗi việc gây sự ồn ào, tạo lộn xộn nhằm đánh lạc hướng quân nguỵ khi chúng đến gần hầm, tạo điều kiện thuận lợi để nhóm đang đào nghe thấy rút lui tắm rửa. Nhóm còn lại tập hợp những người ốm yếu và giả vờ mắc bệnh lao, buộc nguỵ phải cách ly các đồng chí đó vào một nơi, và đó cũng là nơi lý tưởng mà chúng ta dễ dàng ngụy trang miệng hầm mà không bị quân địch chú ý, bởi tên nào cũng sợ bệnh, sợ chết, chẳng dại gì đến những nơi biết là có bệnh?

Rất may điểm chúng tập trung những người “bệnh lao” chỉ cách hàng rào ngoài chừng 20m. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ, sau 2 tháng, đã đào xong đường hầm vừa đủ để một người bò ra ngoài, chỉ còn cách mặt đất chừng 20cm. Để lâu sợ lộ nên cụ quyết định tổ chức cho anh em tối hôm đó cùng nhau vượt ngục. Mọi người lần lượt tiến ra phía miệng hầm, cụ Phú đi đầu phá lớp đất còn lại để lên phía trên. Điều không may cho các đồng chí, miệng hầm được đào đúng ngay chòi canh gác của bọn lính nguỵ. Sự việc bại lộ, cụ Phú bị “giam đặc biệt” ba tháng, phòng không có ánh sáng, chỉ có mỗi lỗ nhỏ đủ bát cơm chui lọt. Chúng bắt ở trần, mặc quần đùi, mỗi ngày chỉ cho ăn một bát cơm nhỏ với hạt muối trắng to… bằng ngón tay. Phòng giam lại liên quan đến phòng tắm, khi chúng tắm giặt thì nước dâng cao, cụ bị ngập trong nước bẩn nên toàn thân ngứa ngáy, ghẻ lở khắp mình.

Thành công ở Phú Quốc

Sau ba tháng bị giam đặc biệt, chúng gom và bịt mắt những “tên tù lì lợm” lên thuyền, rồi lên tiếp máy bay. Đến nơi, mọi người mới biết đó là đảo Phú Quốc. Cụ cùng các đồng chí mới tới đều phải làm “thủ tục vô cổng trại” bằng một trận đòn phủ đầu thừa sống, thiếu chết. Dù chỉ mới vào trại, nhưng biết cụ là người từng được bọn nguỵ “chăm sóc đặc biệt”, nên cụ được tham gia vào sinh hoạt Đoàn Thanh niên của ta ở trại Phú Quốc (lúc này lấy Đoàn Thanh niên làm cơ sở để hoạt động công khai, do trong trại có tên phản bội nên Đảng bộ tạm thời hoạt động kín).

10

Hầm vượt ngục ở Phú Quốc được dựng để phục vụ khách tham quan

Trong tù, cụ cùng các anh em Đoàn Thanh niên quyết định hạ tên phản bội. Sau khi giết tên phản bội và tạo hiện trường như một vụ trượt chân té ngã, chúng tức tối nhưng không có bằng chứng, nên chia người của ta thành nhiều nhóm khác nhau nhằm dễ quản lý. Cụ Phú cùng 20 đồng chí khác được đưa vào nhóm “ngoan cố”, nhờ đó cụ và các anh em tâm huyết đỡ tốn thời gian “thanh lọc”. Tại đây đồng chí Võ Cường làm Bí thư, cụ làm Phó Bí thư, phụ trách chỉ đạo trực tiếp cuộc đào hầm vượt ngục lần thứ hai.

Để kiểm tra lượng đất thừa thiếu, tiện cho việc đào hầm, cụ xin bọn nguỵ đào một hố để đổ rác. Bọn chúng đồng ý nhưng không chỉ địa điểm. Chọn lúc chúng không để ý, ta đào ngay trước cửa phòng của chúng, chúng bắt dập lại thì thấy thiếu đất. Cuộc “thử nghiệm” đất thành công, cụ và 20 đồng chí chung phòng quyết định tổ chức đào. Cũng như đào hầm đợt một, cụ chia anh em thành ba nhóm: nhóm đào, nhóm cảnh giới, nhóm giả bệnh lao và chọn phòng nhóm này để bố trí che giấu miệng hầm.

Cũng như lần đầu, dụng cụ để đào chủ yếu là thìa (muỗng), cọng kẽm gai, cọng sắt… Đường hầm dài 120m nên phải đào cách mặt đất khoảng 1,5m, đường kính khoảng 0,6m, mỗi tối được phân công 1 tổ 3 người luân phiên đào. Người thứ nhất đào, người thứ hai cho đất vào túi, còn người thứ ba dùng những chiếc bao bố được xé nhỏ, kết nối làm dây để kéo đất ra bên ngoài, cứ đào 6m - 8m thì đào một lỗ nhỏ thông hơi... Phần đất thừa được giấu trong ống quần, lần lượt đổ xuống nhà cầu, hố rác. Lúc nhà cầu đầy, anh em vận động bọn nguỵ xin được đào ống nước, trồng rau để cải thiện cuộc sống, nhờ thế, đất mới được đổ ra ngoài mà bọn chúng không hề biết.

Hiện nay, tại Khu di tích Nhà tù Phú Quốc có một đường hầm được phục dựng, mô tả lại đường hầm đầu tiên do cụ Phú cùng 20 đồng đội đào. Tại nơi đây cũng trưng bày những chiếc thìa là dụng cụ được các chiến sĩ sử dụng để đào các đường hầm, tổ chức vượt ngục năm xưa.
Cái khó nhất là đường hầm ban đầu đi bị chệch, dốc. Và “trong cái khó, ló cái khôn”, một chiến sĩ đã nghĩ ra cách làm la bàn, bằng cách dùng lưỡi lam Mỹ thả vô chén nước, mũi tên ở hướng nào thì đó là hướng Bắc, nên cứ theo đó mà đào. Để cân mặt bằng đường hầm, anh em lấy hai ống thuốc tây (dạng ống có hai đầu nhọn), cho nằm trên một tấm ván phẳng để cân.

Đường hầm đi được chừng 90m thì gặp một khó khăn lớn, là đoạn hầm chạy ngang qua đường ô tô, mọi người nghĩ ra cách đào hầm zích zắc, để khi xe chạy ngang qua chỉ một bánh đè lên hầm, giảm mức tối thiểu nguy cơ sập hầm.

Sau 4 tháng nỗ lực, cuối cùng hầm cũng hoàn thành, cụ cùng các đồng chí khác đang tính thời điểm thuận lợi tổ chức anh em vượt ngục. Không may trong thời gian đó bọn công binh có kế hoạch tổ chức đi gài mìn. Để lâu dễ bị lộ, Ban Thường vụ Đảng uỷ nhà tù quyết định tổ chức cho anh em đi sớm hơn dự kiến. Đợi cho bọn lính ngủ say, đúng 3 giờ sáng ngày 21-1-1969, 21 chiến sĩ ở phòng giam số 13, phân khu B2 lần lượt thoát ra bên ngoài, liên lạc với tổ chức của ta và tiếp tục hoạt động ở Phú Quốc với chức vụ Tham mưu trưởng huyện đảo Phú Quốc. Năm 1974, cụ Phú chuyển về làm Huyện đội trưởng huyện Phú Lộc đến ngày nghỉ hưu.

Hiện cụ Phú vẫn còn nhớ hai đồng chí từng hoạt động ở Huế cùng thoát ra đêm đó như là Nguyễn Quang (Vinh) - Đại đội trưởng đặc công và Phan Thuần. Đó là những đồng đội, chiến sĩ kiên cường cùng cụ một thời làm nên huyền thoại cuộc vượt ngục thành công đầu tiên ở nhà tù Phú Quốc.

 

Hiện nay, tại Khu di tích Nhà tù Phú Quốc có một đường hầm được phục dựng, mô tả lại đường hầm đầu tiên do cụ Phú cùng 20 đồng đội đào. Tại nơi đây cũng trưng bày những chiếc thìa là dụng cụ được các chiến sĩ sử dụng để đào các đường hầm, tổ chức vượt ngục năm xưa.

Tiến Vinh

Người chiến sĩ cách mạng góp phần viết nên lịch sử nhà tù Phú Quốc (Phần 1)

 

 

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: