-
Giỏ hàng của bạn trống!
Chiến thắng Hói Mít, trận đánh phủ đầu quân Pháp
27/01/2016
Đi hơn 100 km, luồn qua các vọng gác của địch, nghiên cứu, khảo sát từng đoạn đường sắt; cuối cùng thống nhất chọn làng Hói Mít, đoạn Khe Quánh ghi dấu sự thất bại của quân địch với chiến thắng oai hùng của quân và dân ta
Hói Mít hay là thôn An Cư Tây (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) nằm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Theo những người cao niên, làng Hói Mít ra đời khoảng 300 năm, sở dĩ có tên Hói Mít bởi ở đây mọc nhiều mít dọc các khe, sông, suối của làng. Tuyến đường sắt qua địa phận của làng có hình vòng cung, khúc khuỷu, phía tây sườn núi vách dựng đứng, phía đông có đầm Lập An rộng lớn. Do vậy các đoàn tàu chạy qua địa điểm này thường phải chạy chậm.
Do có vị trí địa lý thuận lợi như vậy nên trong kháng chiến chống Pháp, đây được coi là địa bàn trọng điểm, nơi giành giật qua lại giữa ta và địch. Ở vách núi cao, dốc thuận tiện cho việc dấu quân, quan sát đánh du kích của bộ đội ta. Trong những năm kháng chiến chống pháp, trên đoạn đường sắt này đã xảy ra hàng chục trận đánh du kích với những chiến công hiển hách khiến quân giặc phải khiếp sợ.
Khe Quánh - Hói Mít
Cuối năm 1948, sau khi đánh chiếm xong tỉnh Quảng Bình, thực dân Pháp có âm mưu đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh và Trung Lào. Do đó, chúng chở vũ khí đạn dược tiếp tế cho lực lượng ở Bình - Trị - Thiên. Các đợt vận chuyển này chủ yếu là đường sắt, xuất phát từ Đà Nẵng đi qua Thừa Thiên Huế. Những đoàn tàu chở vũ khí thường có 15 đến 20 toa, các toa đều được bọc thép; toa chở hàng hoá, vũ khí đều được phủ kín bạt, xen lẫn giữa các toa dùng để chở lính được trang bị hoả lực mạnh đi áp tải đoàn tàu; xung quanh các toa có các lỗ châu mai; theo quy luật một tuần khoảng hai đến ba chuyến.
Trước tình hình đó, cấp trên chỉ đạo Tiểu đoàn 319 (thuộc Trung đoàn 101 - Trần Cao Vân), đơn vị đã nhiều năm hoạt động trên địa bàn huyện Phú Lộc phối hợp cùng Liên báo Quân khu V và 2 đội du kích xã Lộc Hải, Lộc Thuỷ theo dõi nắm tình hình và quy luật hoạt động của các đoàn tàu địch, xây dựng phương án tác chiến để tổ chức đánh chặn tàu chở vũ khí trang thiết bị quân địch.
Ngày 1/1/1949, đồng chí Tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng, Tiểu đoàn phó Nguyễn Xuân Đài, Chính trị viên Lê Đình Lý, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trung đoàn trưởng Trần Sâm cùng các Đại đội trưởng và Trinh sát Tiểu đoàn đã nghiên cứu địa hình từ phía Bắc chân đèo Hải Vân ra đến ga Hải Lăng để chọn trận địa phục kích đoàn tàu. Đơn vị đã luồn qua các vọng gác của địch, nghiên cứu, khảo sát từng đoạn đường sắt; cuối cùng thống nhất chọn làng Hói Mít, đoạn Khe Quánh có địa hình hiểm trở để phục kích.
Ban Quân báo Liên khu V có nhiệm vụ thông báo ngày giờ xuất phát, dự đoán lực lượng địch hộ tống đoàn tàu. Tiểu đoàn 319 liên hệ, bàn bạc thống nhất với địa phương các xã Lộc Hải, Lộc Thuỷ và Mỹ Lợi trong nhiệm vụ vận động nhân dân giúp đỡ, ủng hộ đơn vị khi trận đánh xảy ra và giai đoạn rút lui của đơn vị.
Theo cụ Hồ Trọng Tuyến, hiện đang sống tại thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 319, người được phân công tham gia cài bộc phá trong trận đánh, để tổ chức trận đánh đoàn tàu được chặt chẽ, linh động, kịp thời, chắc thắng; Tiểu đoàn đã phân công cụ cùng 2 đồng đội khác có nhiệm vụ chờ khi lính tuần tiễu đi qua sẽ bí mật chôn quả bộc phát (12kg) dưới đường ray, nơi đơn vị xác định chọn địa điểm từ trước.
Đường ray là nơi dễ phát ra tiếng động dù rất nhỏ, nên để bí mật đào chôn bộc phá không thể dùng xuổng mà phải dùng lưỡi mác nhỏ, cát được dùng chăn si ta để bọc, mỗi viên đá phải để theo thứ tự cực kỳ chuẩn xác. Mỗi một thao tác nếu không cẩn thận để lại hiện trường cát vương vãi, đá khi sắp xếp nếu màu thiếu đồng nhất địch khi đi tuần tiễu sẽ phát hiện, dọc đường ray địch thường dùng cào sắt 2 răng kéo dọc 2 bên đường cắt đứt dây giật thì mọi công lao chuẩn bị sẽ mất cả. Vì thế dây giật bộc phá được luồn bên trong ống lồ ô, chôn xuống đất kéo về phía núi dài tầm 250m nhằm bảo đảm an toàn cho ta khi giật.
Chôn mìn xong quân ta bố trí 2 trung đội trợ chiến được trang bị đại liên, trung liên và cối 60 ly, bố trí mai phục khoá chặn đầu đuôi của đoàn tàu, đồng thời sẵn sàng chặn đánh bọn lính tiếp viện từ Đà Nẵng ra. Tiểu đoàn 319 được chia thành 3 đại đội, bố trí trên tiền dốc của núi Bạch Mã, phía Tây dọc đường tàu, có nhiệm vụ khi nổ bom phá đường tàu sẽ đánh tạt dồn địch xuống đầm Lập An; sau đó tiến hành thu vũ khí, chiến lợi phẩm rồi dùng bộc phá để phá đoàn tàu.
Mọi sự chuẩn bị của ta đã hoàn tất, ngày 10/01/1949 trinh sát Liên khu V thông báo ngày 12/1/1949 có một đoàn tàu Pháp chở vũ khí và lính sẽ xuất phát từ ga Đà Nẵng ra. Đến 15h20, tổ trinh sát Hói Mít bắn 3 phát súng trường, theo quy ước là tín hiệu báo đoàn tàu đã chui qua hầm số 3 bắc đèo Hải Vân, bộ đội vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, bộ phận công binh chuẩn bị đấu pin điện, bộ binh đợi lệnh xuất kích. (còn tiếp)