Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Liên Hiệp Quốc thành lập như thế nào?

17/05/2021
Liên Hiệp Quốc thành lập như thế nào?

Liên Hiệp Quốc là tổ chức có tính chất quốc tế được bắt đầu chuẩn bị thành lập từ trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Trong thời gian chiến tranh, các quốc gia dân chủ đã thành lập một liên minh mới chống phát xít, đã tạo dựng cơ sở cho sự hợp tác có hiệu quả để thành lập Liên Hiệp Quốc sau chiến tranh. Vì sao lại cần có tổ chức Liên Hiệp Quốc sau chiến tranh?

Chiến thế giới lần thứ hai là một cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người do các nước phát xít Đức - Italia - Nhật gây ra. Trong vòng 6 năm, đã có 80% nhân khẩu trên thế giới, khoảng 70 quốc gia và khu vực bị cuốn hút vào vòng chiến. Hơn 50 triệu người bỏ mạng trong chiến tranh, gấp 4 lần cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, còn những tổn thất lớn lao về vật chất do chiến tranh gây nên thì không có con số nào ghi ra được.

Ngay từ ngày 14/8/1941, trong phát biểu về “Hiến chương Đại Tây Dương”, các vị đứng đầu Chính phủ Anh - Mỹ đã nêu lên một mong muốn thành lập một tổ chức giữ gìn nền an ninh lâu dài và rộng khắp thế giới. Ngày 01/01/1942, đại biểu của 26 nước và khu vực đã ký “Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc gia” tại Washington, quyết tâm liên hiệp lại, đánh bại tập đoàn các nước phát xít. Trong tuyên ngôn, lần đầu tiên dùng tên gọi “Liên Hiệp Quốc gia”. Năm 1942, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã phát biểu quan điểm của mình về vấn đề hòa bình và trật tự thế giới sau chiến tranh. Ông cho rằng trong điều kiện chiến tranh hiện đại ngày nay, chỉ có một số nước lớn mới có thể duy trì được trật tự thế giới. Ông chủ trương sau khi các nước phát xít phải giải trừ quân bị thì do 4 nước lớn Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc đứng ra làm cảnh sát quốc tế, để duy trì hòa bình trật tự sau chiến tranh. Nước Anh thì chủ trương, sau chiến tranh sẽ do một tổ chức quốc tế duy trì hòa bình, Liên Xô thì chủ trương, sau chiến tranh, nhiệm vụ của các nước Đồng minh là phải đảm bảo một nền hòa bình, chính nghĩa lâu dài, chỉ có thông qua một tổ chức quan hệ quốc tế mới, trên cơ sở liên hiệp các quốc gia dân chủ trong một Đồng minh lâu dài thì nhiệm vụ này mới hoàn thành được. Ngày 30/10/1943, 4 nước Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc ký “Tuyên ngôn an toàn chung” tại Moskva, chính thức đề ra chủ trương thành lập một tổ chức quốc tế có tính chất rộng khắp. Tháng 12 cùng năm, tại hội nghị Téhéran, nguyên thủ ba nước Mỹ, Anh, Liên Xô một lần nữa khẳng định chủ trương này.

Từ tháng 8 - 10/1944, trong một trang viên cổ kính gần Washington, bốn nước Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc đã soạn bản dự thảo về tôn chỉ, nguyên tắc và cơ cấu tổ chức của Liên Hiệp Quốc.

Ngày 25/6/1945, tại San Francisco ở Mỹ, đại biểu của 50 quốc gia tham dự hội nghị bàn về Hiến chương của Liên Hiệp Quốc đã ký kết bản “Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Ngày 24/10/1945, Hiến chương của Liên Hiệp Quốc bắt đầu có hiệu lực, Liên Hiệp Quốc chính thức được thành lập. Năm 1947, lấy ngày 24/10 là “Ngày Liên Hiệp Quốc”.

Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc đặt tại New York, ở Châu Âu trụ sở đặt tại Genève. Cơ cấu chính của Liên Hiệp Quốc có các tổ chức: Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo An, Ủy ban Kinh tế và Xã hội, Tòa án quốc tế và Ban thư ký. Các cơ quan phụ thuộc phụ trách mấy chục lĩnh vực khác nhau. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp vào ngày thứ ba, tuần thứ ba tháng 9 hằng năm, mỗi kỳ họp kéo dài khoảng 3 tháng. Trong Đại hội, mỗi quốc gia thành viên không phân biệt lớn nhỏ mạnh yếu đều có quyền bỏ phiếu. Cơ quan trọng yếu nhất là Hội đồng Bảo an trong đó có 5 nước thường trực: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc là có quyền phủ quyết, chỉ cần một nước trong số đó bỏ phiếu chống (phủ quyết) thì các nghị quyết của Hội đồng Bảo an không thể ra đời.

Tổng thư ký Liên hợp quốc hiện nay, ông Antonio Guterres

Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định, tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc là: giữ vững hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn cấm hành động xâm lược, phát triển các mối quan hệ hữu hảo quốc tế trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và nguyên tắc tự quyết của các dân tộc, thúc đẩy hợp tác quốc tế…

Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc lúc thành lập tháng 10/1945 chỉ có 51 nước hội viên, đến ngày 13/5/1996 đã phát triển thành 185 nước, đến nay 17/5/2021 đã có 193 nước tham gia. Và Liên Hiệp Quốc đã trở thành một Tổ chức quốc tế quan trọng nhất trên thế giới.

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: