-
Giỏ hàng của bạn trống!
Chuyện vị sứ giả đi cầu hôn cực kỳ thông minh
03/06/2021
Một ngày vào năm 640, tại phía đông kinh đô Tràng An nhà Đường có 300 mỹ nữ đang sắp xếp thành hàng, ở đây đang tổ chức một cuộc thi đặc biệt.
Số là, thủ lĩnh kiệt xuất của người Thổ Phồn là Tùng Tán Can Bố đã nắm quyền cao nhất, thống nhất được nhiều bộ lạc ở vùng cao nguyên Thanh - Tạng, xây dựng một nhà nước chiếm hữu nô lệ lớn mạnh, đóng đô ở La Ta (nay là La Sa, Tây Tạng). Lúc này Trung Quốc đang ở thời kỳ cực thịnh dưới vương triều Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Tùng Tán Can Bố hết sức hâm mộ văn hóa Trung Nguyên. Thế là vào năm 640, ông phái đại thần Lộc Đông Tán làm sứ giả, mang theo năm ngàn lạng vàng và hàng trăm hòm châu báu, vượt qua núi cao, vực thẳm đến Tràng An, ra mắt vua Đường để xin cầu hôn cho Tùng Cán Can Bố. Đường Thái Tông tán thành mối quan hệ hôn nhân Hán – Tạng, qua đó thắt chặt tình hữu hảo giữa hai dân tộc, nên đã nồng nhiệt đón tiếp sứ giả Thổ Phồn. Để thử thách tài năng, trí tuệ người Thổ Phồn, nhà vua lần lượt đề ra năm câu đố, nếu xứ giả giải đáp được đầy đủ, chính xác thì sẽ đưa công chúa Văn Thành, cô gái hoàng tộc tài mạo song toàn gả cho Tùng Cán Can Bố. Đó chính là chuyện “năm lần gây khó cho sứ giả cầu hôn” nổi tiếng của vua Đường Thái Tông. Năm câu đố đó là: sợi chỉ xuyên qua viên ngọc minh châu 9 lỗ; phân biệt được đúng từng cặp ngựa mẹ, ngựa con trong đám đông 100 ngựa mẹ và 100 ngựa con lẫn lộn; chỉ ra cây gậy gỗ đầu nào là ngọn, đầu nào là gốc; trong 100 cung nữ, có một người ăn trứng gà, phải tìm cho ra; có ba trăm mỹ nữ đứng thành hàng, công chúa Văn Thành cũng đứng trong đó, trang phục, kiểu đầu tóc, chiều cao của họ đều y hệt như nhau, sứ giả chỉ được nhìn mỗi cô gái đẹp một lần, từ đó tìm ra công chúa Văn Thành.
Công chúa Văn Thành cuối cùng được gả đến Thổ Phồn
Lộc Đông Tán thông minh tài trí, đã vận dụng linh hoạt kỳ diệu vốn tri thức phong phú của mình, lần lượt giải đáp năm câu đố hóc hiểm.
Do sợi chỉ đã nhỏ lại mềm, khó xuyên qua được 9 lớp viên ngọc, Lộc Đông Tán liền khéo léo buộc sợi chỉ vào thân con kiến, đặt vào trong viên ngọc, kiến bò chui qua viên ngọc kéo sợi chỉ xuyên qua. Thế là giải xong câu đố thứ nhất.
Lộc Đông Tán có hiểu biết về chăn nuôi, ông đem đàn ngựa mẹ và đàn ngựa con nhốt riêng thành hai khu, tạm thời không cho ngựa con cỏ và uống nước. Qua một ngày, ông đem đàn ngựa mẹ và ngựa con thả ra cùng một lúc. Ngựa con đói khát liền lao đi tìm mẹ đòi bú, bám chặt mẹ không rời. Thế là câu đố thứ hai đã được giải.
Lộc Đông Tán dựa vào cây gỗ gốc ngọn nặng nhẹ khác nhau, nên đem cây gậy thả xuống nước, đầu nặng nhìm xuống là gốc, còn đầu kia là ngọn.
Lộc Đông Tán cho đặt trước 100 cung nữ mỗi người một chén nước trong, bắt mỗi người uống một ngụm nước, rồi nhổ luôn vào chén. Chỉ có một cung nữ vì vừa ăn trứng gà xong trong miệng còn vệt trứng nên nước trong chén có màu vàng. Đó chính là người đã ăn trứng.
Lộc Đông Tán không biết công chúa Văn Thành, mà phải tìm ra công chúa giữa 300 người đẹp ăn mặc trang phục giống như nhau, quả là một việc hết sức khó khăn. Cung nữ cùng chung sống với công chúa lâu ngày ắt rất quen thuộc nhau, nghĩ vậy Lộc Đông Tán liền nói : “Công chúa rất không giống với người thường được, trên đầu nàng có áng mây lành che phủ kia kìa”. Câu nói đó khiến các cung nữ tò mò cùng quay lại nhìn về công chúa. Thế là tự nhiên tìm ra công chúa.
Đường Thái Tông rất vừa lòng với cách giải đố của Lộc Đông Tán, nên đem công chúa Văn Thành gả cho Tùng Tán Can Bố.
Công chúa Văn Thành vào đất Tạng đã có cống hiến lớn lao cho sự tăng cường mối quan hệ của hai dân tộc Hán - Tạng, cho sự phát triển kinh tế và văn hóa của dân tộc Tạng.