Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Kỷ cương nghề giáo

05/05/2022
Kỷ cương nghề giáo

Tác giả: Nguyễn Tiến Vinh

Lương đặt ly cà phê vừa mới pha xong vẫn còn nóng lên bàn, bên cạnh là Hoàng chồng chị vẫn đang cặm cụi soạn giáo án. Hoàng rời mắt khỏi những trang sách ngổn ngang trước mặt, ngước lên nhìn vợ khẽ mỉm cười một cái rồi lại vội vùi đầu vào quyển vở còn đang viết dở. Cứ tưởng rằng Lương chỉ mang cà phê lên rồi sẽ rời đi sau đó như mọi lần để nhường không gian yên tĩnh lại cho Hoàng làm việc. Nhưng hôm nay Lương vẫn tần ngần đứng đó nhìn Hoàng chăm chú. Vài lần chị như tính nói gì đó nhưng rồi lại thôi, mà bước xuống nhà thì lại không nỡ. Biết tính của vợ, Hoàng dứt khoát đặt bút xuống rồi nhìn Lương hỏi:

- Em có chuyện chi khó nói hay răng mà chần chừ hoài rứa?

Lương thoáng ấp úng nhưng rồi cũng vào ngay câu chuyện:

- Tháng ni là đến thời điểm đóng góp tiền xây dựng nhà văn hóa thôn với nhà thờ họ rồi anh à! Mà chờ lương sợ là hơi lâu!

Hoàng thấy rõ sự bối rối trên khuôn mặt vợ lúc này. Hơn ai hết, anh hiểu Lương đã phải rất chật vật để tính toán, chi tiêu số tiền lương giáo viên ít ỏi của hai vợ chồng để cho đủ thứ sinh hoạt phí của cả gia đình mỗi tháng.

- Ừ, để anh báo các bác trong xóm với dòng tộc xin đóng chậm một thời gian.

- Rứa là tháng sau mình lại phải tiết kiệm chi tiêu rồi. Hay mình mở lớp dạy thêm đi anh? - Lương nói với cái giọng thở dài, ngắt quãng.

- Em lại rứa nữa rồi.

Biết tính vợ cứ cuối tháng hết tiền, thế nào cũng đề nghị mở lớp dạy thêm để kiếm thu nhập. Hoàng chỉ mới nghe tới liền gạt phăng cái ý tưởng đó mà không chút do dự. Hoàng có quan điểm rõ ràng đã làm nghề giáo thì phải thanh cao, phải có kỷ cương. Nghề giáo là nghề cao quý nên tuyệt đối không được để đồng tiền chi phối, ảnh hưởng tới công việc. Chỉ khi Hoàng toàn tâm toàn ý với nghề mới có thể giáo dục nên những thế hệ học sinh vừa có năng lực, lại có nhân cách, tâm hồn trong sáng.

Cả Hoàng và Lương hiện đang là giáo viên Toán của một trường cấp ba ở Huế. Ngay từ khi còn là sinh viên, Hoàng đã có ước mơ trở thành một nhà giáo mẫu mực, tất cả vì sự nghiệp giáo dục học sinh, quyết không để đồng tiền làm ảnh hưởng đến nghề khi đứng trên bục giảng.

Lương có quan điểm cũng tương tự như Hoàng, nên hai người thấu hiểu và đến được với nhau. Nhưng chị dễ bị lay động tư tưởng khi có quá nhiều khoản phí phải chi tiêu ngoài kế hoạch phát sinh thêm hằng tháng. Nói chính xác hơn, những lúc hết tiền, Lương thường bị dao động trước sự giữ gìn “kỷ cương, thanh cao” của nhà giáo mà chính Hoàng quyết tâm hướng tới.

Lấy nhau gần được mười năm, nhưng hàng xóm vẫn thấy Hoàng mặc nhiên đi chiếc xe Cub 50 của thời mới cưới, nhờ khoản tiền mừng của hai bên gia đình. Lương cũng không khá hơn là bao, chị đi chiếc xe Dream Tàu tích góp mua được lúc nhận bảo hiểm khi sinh đứa con đầu lòng.

Sau nhiều năm lấy nhau, lương vợ chồng Hoàng cộng lại cũng chỉ gần chục triệu, một khoản tiền không phải lớn, nhưng cũng không đến nỗi nào so với người dân địa phương.

Nội ngoại hai bên lại quá khó khăn, sống chỉ dựa vào vài sào ruộng, nuôi con gà, con cá quanh vườn cũng không giúp gì được cho đôi vợ chồng trẻ. Vì thế vợ chồng Hoàng không nhờ vả được gì. Ngược lại mỗi lần về thăm cha mẹ hai bên, phải gửi lại cho ông bà một ít tiền để chi tiêu vặt vãnh.

Mỗi lần nhìn thấy Hoàng đi trên chiếc Cub 50 cà tàng, làng xóm lại tụm vào nhau xì xào bàn tán "làm giáo viên Toán mà nhác nhớm kinh, không lo mở lớp dạy thêm", "đi dạy gần chục năm mà vẫn còn ở nhà thuê, đi cái xe cà tàng…?".

Nhìn vào cơ quan Hoàng, người nào người nấy cũng đi tay ga đắt tiền, có người còn đem cả ô tô đỗ xịch ngay trước cổng. Hoàng thì vẫn đi chiếc xe cùi bắp, vứt giữa đường bọn trộm không thèm đếm xỉa.

Nhiều đồng nghiệp thấu hiểu thì vỗ vai động viên Hoàng “cố kiếm cái xe máy ngon ngon để đi lại”. Có người thì nói với cái giọng đầy sự mỉa mai “cố mà mua cái xe ô tô đắt tiền như thằng Danh thì mới xứng với tài năng của mi".

Hoàng nghe được những lời lẽ đó ban đầu cũng có chút tự ái, nhưng nghe mãi rồi cũng thành quen. Hoàng không quan tâm đến những câu nói đại loại như thế nữa. Anh quyết tâm dạy học sinh thật tốt bằng sự tận tụy, tận tâm trong công việc, giáo dục ra những thế hệ học sinh ưu tú, rồi mọi người dần dần cũng sẽ hiểu suy nghĩ của anh là đúng.

Ngoài thời gian giảng dạy ở trường, Hoàng chủ động xin bồi dưỡng thêm miễn phí cho học sinh giỏi, học sinh yếu kém. Những lúc về tới nhà thì trời cũng đã nhá nhem tối, Hoàng lại vùi đầu vào sách vở, internet để nghiên cứu phương pháp giảng dạy mới, nhằm truyền tải đến học sinh một cách dễ hiểu nhất.

Hoàng may mắn lấy được Lương, một người vợ rất hiểu cho niềm đam mê tất cả vì công việc của chồng. Việc nhà cửa, con cái, cơm nước Lương chu toàn mọi thứ để anh toàn tâm toàn ý vào chuyên môn. Hoàng nhìn thấy được điều đó nên càng chuyên tâm hơn để giữ vững quan điểm kỷ cương và sự thanh cao nghề giáo của mình.

* * *

Lương thời gian gần đây có biểu hiện khác lạ, chị vui hơn, hay nói, hay cười. Khác với trước đây, khi chưa hết tháng vợ anh đã ưu phiền chuyện tiền bạc, chuyện dạy thêm. Hoàng nhận ra sự thay đổi đó. Mà cũng lâu rồi Hoàng không còn nghe vợ nhắc đến việc mở lớp dạy thêm. Hoàng thắc mắc đem chuyện này ra hỏi, thì anh nghe được câu gọn lỏn:

- Chiều nay mình lên Huế mua xe đi anh?

Hai đồng tử mở to, miệng chữ o, mồm chữ ô, sự ngạc nhiên hiện rõ trên khuôn mặt của Hoàng. Bởi cả chục năm qua, gia đình anh khi chưa hết tháng thì tiền lương đã cạn?

Anh trầm ngâm, nhẩm tính các khoản chi trong tháng như tiền nhà, tiền điện nước, sữa, học hành, áo quần, trang phục, cưới xin, ủng hộ ngày này ngày kia... rồi hàng tá thứ phải chi tiêu. Cố gắng tối đa để tiết kiệm thì cuộc sống không đến nỗi phải thiếu thốn, nhưng sợ nhất là các khoản phát sinh như sửa xe, con cái ốm đau, cưới xin quá nhiều... Những lúc ấy vợ chồng anh đều rơi vào trạng thái thiếu trước, hụt sau. Vậy mà bây giờ Lương lại nói đi mua xe, bảo làm sao anh lại không ngờ vực?

Thấy Hoàng hiện lên vẻ mặt kinh ngạc, chị tủm tỉm cười, rồi thủng thẳng giải thích số tiền có được. Thì ra từ lúc dịch Covid-19 xảy ra, gia đình anh chị cũng ít đi lại; cưới xin, đầy tháng, sinh nhật, họp lớp… cũng ít hẳn, nên khoản tiền đó anh chị tích góp được. Mỗi tháng tiết kiệm cũng gần hai triệu. Hai năm cũng dư được một số tiền kha khá.

Bữa cơm ăn vội vàng trong cái cơ thể đang phấn chấn vì vui sướng. Hai vợ chồng gửi con cho hàng xóm trông hộ, rồi lên xe tiến về thành phố, tìm đến các cửa hàng xe máy.

Ngồi trên chiếc xe tay ga Air Blade mới cóng chưa biển số mới mua về, Hoàng cảm thấy mãn nguyện. Nhiều lúc rãnh rỗi, anh ngồi ngắm nghía cái xe cả ngày với cảm giác hài lòng. Nhìn lại lần đầu tiên từ lúc cưới nhau đến lúc này đã được chục năm, vợ chồng Hoàng mới sắm được cho mình chút tài sản, gọi là đáng đồng tiền bát gạo, nhờ tích góp được từ đồng lương, mà cũng nhờ có... dịch Covid?

Dư giả nhờ dịch Covid? Nghe ra hơi ác khẩu, có phần nghịch lý với thực tế của đa số người dân hiện tại? Nhưng nó đang diễn ra, ít nhất là đúng với gia đình Hoàng!

Hoàng quyết định chở vợ con đi ăn uống một bữa cho thật thỏa thích. Để mừng cho “ngày vui trọng đại!”.

Để xe dọc hai bên hành lang đường liên xã, Hoàng chọn bộ bàn ghế nhựa gần nhất bên cạnh. Ngồi đối diện hướng trực tiếp ra chiếc xe, vừa để ngắm nhìn khối tài sản lớn sau bao năm tiết kiệm mới có được của gia đình và cũng đề phòng trộm cắp.

Nhìn vợ vui vẻ, các con nô đùa, Hoàng cũng có một cảm giác mãn nguyện, một chút tự hào về bản thân. Bởi từ nay Hoàng tin sẽ không còn ai nói vợ chồng Hoàng là giáo viên mà không mua nổi cái xe cho ra hồn.

Thấy các con hớn hở ăn ngon lành, Hoàng nhận thấy lâu nay anh quá say mê công việc, vợ lại quá tiết kiệm chi tiêu nên cũng không được mấy khi có cơ hội chở các con đến các điểm vui chơi, ăn uống như thế này. Anh tự nhủ, sau này lương cao hơn thì cuộc sống gia đình anh sẽ càng thoải mái, có thêm điều kiện để đưa các con đi chơi nhiều hơn?

Cả nhà đang lúc hưng phấn, thì Hoàng nghe giọng một người phụ nữ ở bàn bên cạnh xì xào “Vợ chồng giáo viên có lương nhà nước nuôi sướng thiệt! Dịch không đi dạy vẫn được hưởng lương, lại dư giả có tiền mua xe. Chẳng bù cho dân, không làm ăn chi được suốt hai năm dịch, tết này chỉ có mà đoái…!”. Rồi một giọng nữ khác thêm vào “Ừ! Giáo viên tao thấy là dễ kiếm tiền nhất, mở lớp dạy thêm, tiền vô ào ào, đứa mô không chịu đi học thêm thì trù dập, bị cho điểm thấp thì lo kéo nhau mà đi học…”.

Không rõ hai người phụ nữ bên cạnh vô tình hay cố ý, nhưng Hoàng ngồi gần nên đã nghe thấy tất cả. Anh chau mày, hai hàng lông mi nhíu chặt, mắt anh trở nên tối sầm, miệng không còn cảm giác ăn uống. Lương dù ngồi trước mặt quan sát hai con, nhưng chị vẫn nghe rõ ràng dù chỉ là câu được, câu mất. Chị hiểu vì sao anh từ chỗ vui vẻ đột ngột chuyển sang cảm giác buồn rầu. Từ chỗ khen thức ăn ngon, hợp khẩu vị lại thả đũa nửa chừng. Chờ hai con ăn xong, chị thanh toán tiền rồi cả nhà lên xe chở nhau về.

Ngoài đường lúc này trời cũng đã nhá nhem tối, xe cộ đi lại cũng ít hơn. Tiếng ve, tiếng cóc nhái hai bên bờ ruộng bắt đầu kêu lên inh ỏi, càng làm tăng thêm sự buồn chán, lòng đầy tâm sự của vợ chồng Hoàng. Hai đứa trẻ vốn hiếu động, nhưng thấy ba mẹ chúng im lặng, chúng cũng trở nên ngoan ngoãn.

Về đến nhà, cất xe máy vào sân, khóa cẩn thận, Hoàng vào ngồi ở góc nhỏ có chiếc bàn làm việc quen thuộc. Như mọi lúc, nhưng hôm nay không phải để anh soạn giáo án, chấm bài, hay nghiên cứu tài liệu… mà để ngồi yên và im lặng...

Trong cái không gian nhỏ hẹp của căn nhà thuê, giờ này như mọi ngày là tiếng lách cách của chén bát, tiếng rì rào của nước chảy vì đang vào thời điểm Lương nấu ăn trong bếp, nhưng nay yên ắng đến lạ thường. Tiếng “tách tách” của những con thằn lằn gọi nhau í ới, càng làm cho không gian nhỏ vốn ảm đạm càng thêm buồn rầu.

Tự sâu trong thâm tâm, Hoàng không dám mơ ước sẽ trở thành một nhà giáo lỗi lạc như thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến… Nhưng dù không làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, chí ít cũng thực hiện được mục tiêu cả đời hết mình vì giáo dục, không bị cám dỗ bởi đồng tiền và danh vọng. Nhưng đến nay đã được một phần ba tuổi nghề, Hoàng chưa thể làm được gì?

Nhìn vào thành tích hiện tại, Hoàng cũng chỉ được cái danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, rồi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, một vài học sinh vào Trường Quốc học chuyên toán. Chừng đó cũng không thể làm thay đổi hình ảnh nhà giáo mà anh đang hướng tới?

Nhìn vào hoàn cảnh gia đình Hoàng hiện nay. Sau mười năm lấy nhau, dù ở thôn quê nhưng vẫn đang ở nhà thuê, chưa có đất, chưa có nhà riêng, cũng không có tài sản gì đáng giá, ngoài cái máy tính với điện thoại để phục vụ công việc. Cũng may anh vừa mới mua được cái xe tay ga nhờ… dịch Covid! Anh nghĩ mà tự thấy thật chua chát.

Mười năm tận tâm, toàn tâm toàn ý với nghề giáo, đổi lại là những lời cay đắng mà Hoàng nghe được “Cái thằng này nhác nhớm kinh”, “cưới nhau gần chục năm mà vẫn còn ở nhà thuê”. Đau đớn hơn, khi người ta đánh đồng một người thầy tận tâm như Hoàng cũng giống như bao nhà giáo bình thường khác. Thậm chí cũng giống như một số ít nhà giáo không có lương tri, lợi dụng nghề giáo để kiếm tiền “mở lớp dạy thêm, tiền vô ào ào, đứa mô không chịu đi học thêm thì trù dập, bị cho điểm thấp thì lo kéo nhau mà đi học!”.

Khi vợ chồng Hoàng đi trên chiếc xe cà tàng, họ cũng nhìn vào đó và buôn những lời lẽ săm soi. Đến khi anh mua được cái xe tay ga, cứ ngỡ sẽ được nhiều người động viên chúc mừng, vì sau nhiều năm tích góp mới mua được cái xe cho bằng bạn bằng bè.

Nhưng không! Mọi thứ đã không giống như quỹ đạo người ta đã áp lên cái triết lý cao quý của nghề giáo.

Trong miên man suy nghĩ, Hoàng thiếp đi tự lúc nào. Sáng hôm sau tỉnh dậy Hoàng đã nằm trên giường, không biết anh tự vào giường nằm hay Lương đã dìu anh vào? Tối qua anh hoàn toàn không uống rượu, nhưng sao cảm giác như đang say, thật sự một vài chi tiết anh không nhớ cho lắm? Cũng có thể do anh suy nghĩ quá nhiều, nên cơ thể vận động mà não bộ lại bận làm việc khác, vì vậy trí nhớ và hành động không đồng nhất. Có lẽ là như thế?

Cảm giác bụng đã đói cồn cào vì chiều qua chẳng ăn được gì. Hoàng đi xuống bếp, thấy hai con đã ngồi sẵn ở đó, trên tay mỗi đứa cầm một ổ bánh mì chấm sữa đặc, chúng ăn ngấu nghiến một cách ngon lành, tự dưng trong khóe mắt Hoàng có một cảm giác cay cay. Đây không phải lần đầu tiên anh thấy hai đứa con ăn bánh mì, nhưng lần này một cảm xúc ứa lệ trong khóe mắt anh.

Anh đến mở cái tủ lạnh khá nhỏ được mua lại, sau nhiều năm cũng đã vàng ố theo thời gian, bên trong, ngoài một số thứ lặt vặt thì cũng còn hai bịch bánh mì sandwich. Thì ra đây là món ăn sáng thường ngày của hai con? Anh đến bên con, cầm cái bánh mì, chấm tí sữa nhằm giải cứu cái dạ dày đang co thắt vì đói, nhưng một cảm giác mằn mặn của nước mắt, khô khốc của cuống họng nó cứ làm anh nghèn nghẹn không tài nào nuốt nổi.

Đúng lúc này, từ bên ngoài Lương cũng đã đi chợ về, vừa vào tới Hoàng đã khẽ hỏi:

- Răng em không mua ít sữa tươi để các con uống thêm bồi bổ sức khỏe, với lại lỡ bỏ cặp đem theo cho các con đi học?

- Mình mới mua xe nên đợt ni hơi khó khăn anh à! Với lại bữa chừ học online nên cũng không cần bới sữa theo mô anh. Mà sữa tươi có chất bảo quản nên uống nhiều cũng không tốt lắm mô.

Nghe vợ nói có phần cứng nhắc, nhưng Hoàng chỉ biết im lặng, bởi chị tiết kiệm cũng bởi vì anh, vì gia đình. Trong một khoản lương hằng tháng có chừng mực cố định, phải tiết kiệm để đủ hàng trăm thứ cần chi tiêu là một câu hỏi khó. Chưa nói còn phải dè sẻn để mua đất, xây nhà, phải suy tính lâu dài.

Rồi anh nhìn xuống thấy các con lúc này vẫn đang vui vẻ nói cười. Anh lại có một cảm giác trong lòng day dứt. Nếu ở cái thời nhỏ của anh, có được ổ bánh mì để ăn cũng đã rối rít vui mừng chạy quanh sân. Nhưng đến lúc này mỗi buổi sáng các con anh vẫn phải ăn bánh mì đều đặn, đó là lỗi của người lớn, lỗi của một người cha vô tâm, chỉ biết nghĩ đến bản thân?

Hoàng tự vấn bản thân, tự đặt câu hỏi cho chính mình. Kiếm tiền từ dạy thêm có thật sự xấu? Đó cũng là những đồng tiền kiếm được từ giọt mồ hôi của người cô, người thầy. Nhiều đồng nghiệp của anh cũng nhờ tiền dạy thêm mới mua được nhà, mua được ô tô, lại còn được mọi người khen là biết làm kinh tế.

Lúc này Hoàng nhợt nhớ đến câu nói “Nếu bạn vẫn nghèo ở tuổi ba lăm, bạn đáng như thế!”. Câu nói mà trước đây Hoàng chẳng mấy quan tâm và chẳng biết nó là của ai. Nhưng bây giờ, anh lại thấy nó giá trị khi đang ở cái độ tuổi này, anh vẫn chưa có gì cả? Anh xứng đáng nhận kết cục như vậy. Nhưng con của anh không đáng phải nhận thay anh.

Hoàng trầm ngâm suy nghĩ. Mười năm nữa, lương của hai vợ chồng sẽ tăng, nhưng hai đứa con cũng sẽ vào đại học, liệu lương hai vợ chồng có đủ nuôi con ăn học và hàng trăm thứ khác phải lo? Rồi khi chúng lập gia đình, không lẽ anh chị vẫn còn ở nhà thuê? Nơi nào cho con cái ngủ nghỉ khi về thăm cha mẹ, đón tiếp thông gia?

“Không! Mình phải thay đổi, phải vì con để thay đổi. Không thể ích kỷ mãi được”. - Hoàng hạ quyết tâm, quyết tâm để các con có cuộc sống khấm khá hơn, đầy đủ hơn. Mười năm tận tâm với công việc, tự áp vào mình hai chữ thanh cao với anh là quá đủ. Vợ con anh không thể cứ phải vì hai chữ đó mà sống thiếu trước hụt sau.

Ánh mắt Hoàng như vừa lóe lên một tia sáng hy vọng. Anh nhìn sang Lương, lúc này đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho gia đình. Anh từ từ đến gần, từ đằng sau ôm vào eo chị thì thầm:

- Từ mai mình mở lớp dạy thêm em nhé?

Lương ngoái cổ lại nhìn chồng bằng ánh mắt âu yếm, rồi thỏ thẻ:

- Em chờ câu nói ni của anh lâu lắm rồi.

Và rồi kỷ cương, thanh cao nghề giáo cũng chỉ như một tờ giấy mỏng, nó không phải là vách ngăn đủ dày, để giữ sự đam mê của con người trước hiện thực cuộc sống!

* * *

Hoàng bắt tay vào việc mở lớp dạy thêm. Nhờ hàng chục năm kinh nghiệm giảng dạy, đã được chứng minh năng lực bản thân qua thực tiễn với nhiều em đậu vào Trường Quốc Học, một ngôi trường danh tiếng bậc nhất ở Huế, là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân một thời. Vì thế các em tìm đến Hoàng học ngày càng thêm đông. Không chỉ học sinh trong trường, mà cả học sinh ngoài trường cũng tìm tới.

Cả hai vợ chồng đều dạy toán nên hỗ trợ tốt cho nhau khi người kia đi vắng. Nhờ đó học sinh cứ tới giờ là lên lớp, không phải lo lắng thầy bận việc ở trường. Lớp nọ tiếp nối lớp kia, cả hai vợ chồng dường như không có thời gian nghỉ, ngay cả bữa cơm cũng chia nhau ăn một cách vội vàng.

Ban đầu Hoàng lấy giá bình dân so với mặt bằng chung, nhưng học sinh đến học càng lúc càng đông, càng kiếm được tiền, anh càng hăng máu nâng giá học thêm lên cao hơn, đến mức rất nhiều học sinh nghèo đã không thể theo học, Hoàng không quan tâm đến điều đó, bởi lúc này kỷ cương, thanh cao nghề giáo đã là quá khứ, không còn giá trị với anh!

Nhờ dạy thêm mà nguồn thu nhập của hai vợ chồng cũng đều đặn hơn. Ngoài số tiền lớn tích lũy được hàng tháng, Hoàng cũng thường xuyên đưa vợ con đi công viên, mua sắm, ăn uống. Một cuộc sống khá thoải mái về kinh tế mà hàng chục năm trước Hoàng đã bỏ qua.

Sau hai năm mở lớp dạy thêm, vợ chồng Hoàng cũng mua được miếng đất nhỏ nằm gần trung tâm xã. Tuy con đường vào không lớn nhưng được cái thoáng mát, thuận lợi cho việc dạy thêm sau này của hai vợ chồng.

Hôm nay, trước khi vào tiết dạy thêm, anh nhìn vào danh sách rồi nhắc nhở học sinh:

- Tuấn, Dũng, Thanh đã quá một tuần rồi răng chưa thấy đóng tiền cho thầy hè? Ui chào! còn có Hồng Loan nữa này, nợ tiền học thêm thầy ba tháng rồi đó?

- Dạ…! dạ…! thưa thầy, buổi học tới em sẽ gửi cho thầy ạ! - Hồng Loan đứng lên, như lảng tránh cái nhìn trực tiếp về phía Hoàng, miệng nói lí nhí.

Nhìn xuống bên dưới, Hoàng thấy Hồng Loan vẻ mặt đượm buồn, em cúi gầm mặt xuống bàn. Cả lớp cũng trở nên im phăng phắc. Hoàng cảm giác học sinh hôm nay khá ngoan, các em như đã biết lỗi của mình nên có vẻ đã áy náy trong lòng, anh cũng yên tâm tiếp tục công việc.

Đúng như lời hứa, ngày học kế tiếp, Hồng Loan đã đem tiền đến đóng đủ ba tháng và xin Hoàng cho nghỉ học vài hôm vì bận lên viện chăm sóc mẹ.

Một tuần sau đó, Hoàng vẫn tập trung vào công việc dạy thêm. Tuấn học sinh của anh hớt hơ hớt hải từ bên ngoài chạy vào, miệng thở hổn hển nói với giọng nói đứt quãng:

- Thầy…! thầy… ơi! Loan… Loan chết… chết rồi.

- Em… nói… Hồng Loan?

Hoàng như chợt nhớ ra học sinh mà anh vừa mới đòi tiền nợ mấy ngày trước. Hoàng chao đảo rồi ngồi bệt xuống ghế, anh thất thần lắng nghe học sinh kể đầu đuôi mọi chuyện.

Hồng Loan không có cha, nhà chỉ có hai mẹ con côi cút. Thời gian gần đây mẹ em phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối phải nằm viện, bao nhiêu tài sản vơ vét, rồi cũng cạn kiệt. Mẹ Hồng Loan phải nhờ đến sự giúp đỡ của các nhà từ thiện để tiếp tục chữa bệnh. Hồng Loan vì học giỏi nên cố gắng thêm một năm để tốt nghiệp cấp ba rồi kiếm việc làm để chăm lo cho mẹ.

Bản thân Hồng Loan không có tiền đi học thêm, nhưng vì sợ không đuổi kịp bạn bè nên cố sức gắng gượng để tiếp tục học. Cái hôm mà Hoàng đòi tiền, em đã có cảm giác mặc cảm, tự ti, cố tránh đi ánh mắt trực tiếp từ Hoàng. Tối hôm đó em đã đi vay tiền người thân, bạn bè đến đóng học phí cho Hoàng theo đúng lời hứa. Những ngày sau đó Hồng Loan xin nghỉ học thêm và cả học chính thức để ra sông đánh cá, kiếm tiền trả nợ. Vì thiếu kinh nghiệm và không rành sông nước nên em đã ngã xuống sông chết đuối.

Nghe vừa dứt câu chuyện, trong vô thức Hoàng chạy ra khỏi nhà. Anh chạy, chạy rất lâu! Nơi anh dừng lại là bến đò, địa điểm mà người dân chài ngày ngày đi đánh cá xuyên đêm. Cũng tại nơi này, Hồng Loan nghỉ học đi kiếm những đồng tiền đầu tiên trong cuộc đời… để trả tiền học thêm cho Hoàng! Và cũng tại nơi này, em đã ra đi mãi mãi…!

Những chiếc thuyền máy trước mặt Hoàng lúc này đây, chúng đang đua nhau kêu la những âm thanh ầm ầm chát chúa, và khạc ra những dòng khói cuồn cuộn đen ngòm biến bầu trời đang trong xanh trở nên xám xịt. Tạo cho anh một cảm giác vồn vã mà thê lương. Hình như chúng đang hờn trách? Chúng đang chỉ trích? Đang chửi rủa anh?

Trên bến sông ấy, Hoàng gần như ngã quỵ. Không ai khác? Phải, chính anh đã gián tiếp tạo nên cái chết của Hồng Loan? Một cảm giác tội lỗi thật sự đang dày vò tâm can anh.

Càng nghĩ, anh càng đau đớn, quằn quại. Như sợ mình gục ngã, anh bám vào thân cây gỗ mục mà người dân chài dùng để neo thuyền. Ánh mắt ân hận nhìn ra biển đông, anh gào lên những tiếng khóc thảm thiết "Lỗi tại thầy! Thầy đã hại em...!". Hòa trong tiếng gào thét là tiếng "bịch, bịch" của da thịt đập vào thân cây. Từng mảng gỗ mục rơi xuống, hòa tan trong nước, lấm tấm trong đó là màu đỏ của máu.

Giá như anh hiểu rõ hoàn cảnh của Hồng Loan thì sự việc đã khác? Giá như anh không tổ chức dạy thêm? Giá như hôm đó anh không đòi tiền học thêm? Giá như là những năm trước đây, anh sẽ không xử lý như thế này? Anh sẽ nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh để giúp đỡ, bồi dưỡng miễn phí, tất cả không vì tiền.

Rất nhiều chữ giá như được anh đặt ra trong cái cảm giác ăn năn, hối hận. Từ bao giờ, anh từ một giáo viên luôn đề cao sự kỷ cương, thanh cao nghề giáo lại biến thành một người làm giáo dục vì tiền? Từ bao giờ tiền đã biến thành con quỷ trong anh, nó tự do đi lại và chi phối anh, bắt anh lệ thuộc nó?

Anh tự hỏi, tự dằn vặt bản thân “Có phải mình đã sai? Đã thực sự sai?”.

Từ ngày hôm đó, mọi người không còn thấy Hoàng mở lớp dạy thêm. Thay vào đó, lâu lâu lại thấy anh đứng một mình bên bờ sông, lặng lẽ, trơ trọi giống như cây gỗ mục xơ xác đằng kia, với ánh mắt đượm buồn nhìn ra xa, như chờ đợi một điều gì đó, lâu lâu miệng lại lảm nhảm "Làm nhà giáo là phải kỷ cương, thanh cao...!"

 

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: