Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Chồng mù, vợ mờ, 5 con vào Đại học

2016-01-12 09:58:18
Chồng mù, vợ mờ, 5 con vào Đại học

Câu chuyện về ông Diệp Văn Hàng (55 tuổi), bị mù từ khi còn nhỏ và người vợ Trần Thị Xí (56 tuổi), bị mờ hai mắt bẩm sinh, vượt qua nhiều kỳ tích họ đã nuôi 5 người con vào đại học, giờ 4/5 người con đã có việc làm ổn định.

Người chồng với công việc chính là nhạc công đám tang. Người vợ hằng ngày với giỏ xách bánh kẹo bán dọc tuyến đường quốc lộ trên các chuyến xe khách đường dài. Hai vợ chồng đã làm nên những điều kỳ diệu là nuôi 5 người con lần lượt ăn học thành tài. Một việc làm mà đối với những người bình thường cũng đã là rất khó, huống gì họ là đôi vợ chồng khuyết tật. Thế nhưng, họ đã làm được.

Bén duyên với nhạc cụ cung đình

Nhiều người dân ở Thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) đã không còn xa lạ về người đàn ông mù, đứng tuổi thường có mặt trong đội “nhạc hiếu” (kèn đám tang) phục vụ trong các đám tang. Kể về lý do đến với nghề của mình, chú Hàng cho biết “Dân tộc mình có quan niệm “Sống dầu đèn, chết kèn trống”, đó là văn hóa chung của người Việt mình, nhận thấy công việc có thể nuôi sống bản thân được nên mình tham gia học nghề thổi kèn loa đám tang”.

Cuộc đời chú thiếu may mắn, lúc 5 năm tuổi chú mắc bệnh sởi bình thường như bao đứa trẻ khác từng trải qua, là con trai đầu nên nội ngoại cũng rất lo lắng, hai bên bán hết trâu bò để chạy chữa. Nhưng các cụ với suy nghĩ “có bệnh thì vái tứ phương”, nên gia đình cứ chạy chữa hết chùa, đến điện, rồi mời thầy về nhà cúng bái nhưng bệnh ngày càng nặng, đôi mắt càng lúc càng mờ dần. Năm lên 8 tuổi thì chuyển sang mù hẳn.

Ông trời lấy đi đôi mắt, nhưng bù cho chú sự đam mê với các nhạc cụ, chú đam mê và tự mày mò học chơi đàn ghi ta. Những thập niên 80 chú từng là “đội nhảy tàu” hát rong kiếm sống. Sau thập niên 90 đất nước phát triển mạnh, hát rong và đội nhảy tàu đã không còn đất diễn, tuổi lại ngày càng lớn nên chú quyết định tìm cho mình một nghề mới phù hợp. Về vùng đất quê nội Lộc An, chú tìm đến các cụ từng làm trong đội nhạc cung đình Huế để học nhạc Nghi lễ cung đình. Sau ba năm cố gắng, chú có thể chơi và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ cung đình như kèn, đàn nhị, sáo.

DSC09576 (2) copy

 

Bị mù từ lúc còn nhỏ nhưng ông vẫn sử được nhiều loại nhạc cụ

Bị mù ngay từ nhỏ nên so với các bạn cùng trang lứa chú phải chịu nhiều thiệt thòi, không được đi học như chúng bạn. Xác định việc không biết chữ là một thiệt thòi lớn, nên ngay khi Hội Người mù huyện Phú Lộc tổ chức dạy chữ braille dành cho người mù, chú đã tiên phong tham gia khóa học này. Hiện đã tốt nghiệp lớp M2 dành cho người khuyết tật (tương đương lớp 5), và hiện đã biết đọc biết viết chữ của người khiếm thính trơn tru.

Nỗi buồn và niềm vui cuộc sống

Kể về mối tình duyên kỳ lạ của hai vợ chồng, chú Hàng hóm hỉnh “Thời thanh niên tôi đi lang thang hát dạo thì gặp vợ tôi bán ghẹ luộc ở ga tàu, bà “kết” chất giọng “trời phú” của tôi và cảm thông hoàn cảnh của tôi. Rồi tôi tiến tới “tán”, hai người thấy tâm đầu ý hợp nên quyết định đến với nhau”.

Người vợ đã gần 30 mươi năm chung sống, gắn bó cuộc đời. Cô dù không bị mù hẳn nhưng bị cận thị nặng bẩm sinh, ban ngày có thể nhìn thấy mờ mờ, nhưng ban đêm thì gần như không nhìn thấy gì. Và cũng trong chừng ấy năm, hai vợ chồng mù sống trong căn nhà biết bao nhiêu lần đã gặp phải những cảnh tượng cười ra nước mắt như đụng đầu, bể chén, hất đổ cả mâm cơm…chỉ vì vợ đi vấp phải chồng hay ngược lại.

Nỗi buồn duy nhất của cuộc đời chú là dù đã có vợ và 5 mặt con, sống với nhau một thời gian dài, nhưng có lẽ chẳng bao giờ chú nhìn thấy được mặt vợ và các con, cũng không biết được những niềm vui, nỗi buồn nếu như họ không lên tiếng, tâm sự. Chỉ có thể biết các con qua lời kể của vợ, qua những cái xoa đầu, nắm tay…nhưng dù sao như thế với chú vẫn là rất vui.

Trong nỗi buồn vẫn có một niềm hạnh phúc rất lớn là sau 30 năm chung sống, hai vợ chồng đã sinh được 5 người con ngoan, học giỏi, đều thi đỗ vào đại học làm cho hai vợ chồng cảm thấy rất vui và hãnh diện. Hiện hai người con học theo học ngành Sư phạm, một người học Ngoại ngữ, một người học du lịch và người con còn lại đang theo học ngành cơ khí.

Đó tất cả điều là tài sản quý giá nhất mà hai vợ chồng sau nhiều năm “tích lũy” có được.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: