Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Anh Hùng Nguyễn Văn Đạt

03/01/2016
Anh Hùng Nguyễn Văn Đạt

Dầu tràm Love Baby - Đối với gia đình thì thân thương, gần gũi; đối với đồng đội giản dị, hoà đồng; đối mặt với quân địch thì mưu trí, dũng cảm, quyết đoán. Đó là hình ảnh của người Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Văn Đạt

Đồng chí Nguyễn Văn Đạt (hay còn có tên gọi khác là Hà, Chí) sinh năm 1917, trong một gia đình nghèo, có truyền thống cách mạng ở làng Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc). Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1942. Năm 1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian 25 năm hoạt động (1942 - 1967), đồng chí từng giữ nhiều chức vụ như Đội trưởng đội diệt ác xã Lộc Vĩnh, Huyện uỷ viên, Bí thư xã Lộc Vĩnh, Đội trưởng Đội vũ trang huyện Phú Lộc, Bí thư Huyện uỷ Phú Lộc…

dat

Người thân chăm sóc mộ phần anh hùng Nguyễn Văn Đạt

Năm 1996, đồng chí Nguyễn Văn Đạt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 2011, tên đồng chí đã được chọn đặt cho một con đường ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc).

Trước khi tham gia hoạt động cách mạng, năm 1935 đồng chí đã lập gia đình với bà Nguyễn Thị Con, một người con gái hiền lành cùng quê, bốn người con lần lượt nối tiếp nhau ra đời. Bà một mình vượt qua khó khăn, nuôi các con tuổi ăn, tuổi lớn đã là vất vả, hằng ngày còn bị bọn Mỹ - nguỵ hằn học, tra tấn vì có chồng “to gan, lớn mật” dám hoạt động cách mạng. Các con của ông bà dù còn nhỏ, bọn chúng cũng không buông tha. Anh Nguyễn Mạnh Long, người con trai út mới mười tuổi, bị chúng tra tấn, đá thủng ruột phải may hàng chục mũi. Vì căm thù bọn giặc, năm 1961 bà cùng cả bốn người con nối bước chồng thoát ly tham gia hoạt động cách mạng.

Trở lại câu chuyện về đồng chí Đạt, cụ Trần Văn Lanh, tham gia hoạt động năm 1962, quê Lộc Vĩnh, từng là liên lạc của đồng chí Đạt kể lại rằng, đồng chí từng được đào tạo qua chiến sĩ đặc công nên rất mưu trí, gan dạ, đặc biệt là “thuật tàng hình”. Một buổi trưa, đồng chí về thăm nhà, đang ăn trưa thì bị địch phát hiện, chúng cho quân bao vây quanh nhà và kêu gọi đầu hàng. Đồng chí dõng dạc nói to: “Bây để tao ăn xong rồi ra cho bắt, chứ đừng bắn vào mà trúng vợ con tao”. Vừa nói, đồng chí lấy cái cối giã gạo gần đó ném ra cửa chính, cối đụng vào cửa gỗ nổ vang. Nghe tiếng nổ bất ngờ, địch tập trung bắn vào hướng có tiếng động, còn đồng chí Đạt nhảy qua cửa sổ, trốn thoát trước làn mưa đạn của địch. Chúng điên tiết lục tung cả xóm, nhằm tìm tên Việt cộng “liều mạng”, nhưng kết quả không như ý muốn.

Cụ Hoàng Anh Đề, 82 tuổi, cấp dưới của đồng chí Đạt, hiện đang sống ở TP.Huế nhớ lại một vài kỷ niệm về sự thông minh, mưu trí của đồng chí Đạt: “Một lần được đi chung với đồng chí Đạt để nắm tình hình, đi đến những nơi bụi rậm, đất mới, đồng chí Đạt ngăn tôi dừng lại, lượm cục đá ném vào những nơi ấy. Sau hỏi ra mới biết, đó là những nơi đồng chí Đạt nghi ngờ có khả năng bị quân địch cài mìn hoặc phục kích, ném đá vào nếu có mìn thì sẽ nổ, nếu có quân địch chúng phải phản xạ ngước cổ ra nhìn, như thế chúng ta dễ dàng phát hiện ra chúng để có kế hoạch chiến đấu hoặc rút lui”.

 

Cô Nguyễn Thị Lan, con gái của anh hùng Nguyễn Văn Đạt nhớ lại kỷ niệm trong những lần ít ỏi được gặp, với vợ con ông là một người cha hiền lành, nhân từ, nhưng trong chiến đấu ông lại rất “liều”. Mỗi lần ông về thăm nhà là mỗi lần chị em cô ôm ông khóc, bởi sợ sẽ không có cơ hội gặp lại ông. Ông động viên an ủi rất thân thương, gần gũi mà cũng đầy khí tiết của một người chiến sĩ cách mạng: “Con yên trí đừng khóc, khi mô nhớ ba thì đến bên ngọn cờ Tổ quốc nhìn vào đó thì thấy ba”.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Đạt được đồng đội đánh giá là một người dũng cảm, hoà đồng, có phong cách sinh hoạt giản dị, luôn sát cánh cùng đồng chí, đồng đội trong những lúc khó khăn nhất, luôn suy nghĩ cho người khác; mặc dù với vai trò là một Bí thư Huyện uỷ, được nhiều người bảo vệ và nhiệm vụ chủ yếu là công tác chỉ huy, nhưng đồng chí luôn sẵn sàng cầm súng xung phong đi đầu, dù chỉ là trong những trận đánh nhỏ cấp tiểu đội.

 

Tháng 11-1967, một lần trên đường công tác, bị bom Mỹ dội trúng, đồng chí bị đứt lìa chân, khi được đồng đội tiêm thuốc cầm máu, đồng chí đã ngăn: “Trước sau tôi cũng hy sinh, nên để thuốc lại tiêm cho các đồng chí khác còn nhiều cơ hội sống hơn tôi”. Hành động cao cả trước lúc hy sinh của đồng chí mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

 

Theo Tiến Vinh (Báo Thừa Thiên Huế)

http://baothuathienhue.vn/DichVu/ThongTin/CapNhat/prints.aspx?NewsID=1-0-46986

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: