Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng vẽ chân dung bút lửa Đại tướng Lê Đức Anh

25/04/2022
Họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng vẽ chân dung bút lửa Đại tướng Lê Đức Anh

Sáng ngày 18/4, tại buổi lễ kỷ niệm 3 năm ngày mất của Đại tướng Lê Đức Anh (22/4/2019 - 22/4/2022). Họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng đã đến trao tận tay bức chân dung bút lửa vẽ Đại tướng Lê Đức Anh.

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 01/12/1920 tại làng Trường Hà, xã Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; quê quán làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại tướng Lê Đức Anh tham gia cách mạng từ năm 1937, vào quân đội từ năm 1945. Đồng chí giữ các chức vụ cấp trung đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân khu, tư lệnh chiến trường, thứ trưởng và lên đến Đại tướng, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng. Đồng chí là đại tướng đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch nước.

Năm 1987 - 1988, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Đức Anh ra mệnh lệnh mở rộng các điểm đóng giữ tại Trường Sa. Bộ đội Việt Nam đã đóng giữ thêm 12 đảo ở Trường Sa, xây dựng hệ thống nhà giàn DK1 trên thềm lục địa Biển Đông.

Đại tướng Lê Đức Anh là người mở đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Đồng chí có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995. Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người đề xuất và ký Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Trở lại Họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng, quê ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, là họa sĩ trẻ (1979) có công lớn trong việc khôi phục lại nghề vẽ tranh bút lửa, vốn là niềm tự hào của Đà Lạt một thời.

Bản thân anh là người đam mê hội họa, nhưng không học qua trường lớp hội họa, nên thời trẻ, anh phải trải qua khá nhiều nghề như may, phụ dọn hàng, vẽ tranh, vẽ móc khóa,… ở tận Đà Lạt.

Cái duyên đến với nghề vẽ tranh bút lửa cũng khá tình cờ. Năm… trong lúc đi thăm người bạn cũng là một người vẽ tranh, thấy bạn có chiếc bút lửa rất thú vị, anh Hoàng mượn về xem và nảy ra ý định bắt chước làm theo. “Tôi mất gần 4 tháng để học được cách làm và sử dụng cơ bản chiếc bút lửa” - anh kể.

Theo anh để sử dụng thành thạo chiếc bút lửa cần rất nhiều thời gian, ít nhất cũng phải mất từ 2 - 4 năm.

Tranh bú lửa là bằng cách dùng nhiệt để đốt cháy bề mặt của gỗ, tuỳ chỉnh nhiệt độ để có những nét đậm nhạt khác nhau, vẽ bằng một cây bút duy nhất, đầu bút bằng đồng và được mài tròn chéo tạo thành như hình của cánh sen để có thể nghiêng bút hoặc vẽ đằm bút khi vẽ, vẽ nghiêng bút sẽ cho ra nét nhỏ, vẽ đằm bút sẽ cho nét to.

Đi theo nghề vẽ tranh bút lửa cũng là một cái duyên rất lớn, anh Hoàng chia sẻ: “Giai đoạn năm 2013, tôi cũng đã khá lớn tuổi, áp lực cuộc sống, công việc, gia đình, một cảnh hai quê khiến tôi trở nên bế tắc, quyết định theo đuổi bút lửa cũng là một lựa chọn mạo hiểm mang tính đặt cược”.

Ban đầu lúc mới vào nghề, không ai hiểu về tranh bút lửa nên anh khá “thất nghiệp”. Dịp Tết năm 2013, vì không đủ tranh màu để bày bán, anh Hoàng lấy tranh bút lửa trưng bày với mục đích để “kín chỗ” và vẽ trực tiếp cho khách hàng có nhu cầu. Thật bất ngờ, các khách hàng khá thích thú với cách vẽ tranh đặc biệt này, anh Hoàng dần dần được nhiều người biết đến, tranh cũng bán ngày một nhiều hơn.

Nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của anh Hoàng chính là những tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao, chân dung những già làng, trưởng bản,...ở Đà Lạt - những người còn mang đậm cái “thần” của người Đà Lạt xưa. Đó cũng chính là lý do anh Hoàng được biết đến là 1 trong 4 người giữ hồn xưa cho Đà Lạt.

Chân dung Lão Hạc - Họa sĩ Nguyễn Khánh hoàng

Đà Lạt sương

Tác phẩm “già làng” và “Đà Lạt sương” của họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàngđã được đưa vào tài liệu giáo dục lớp 6 của tỉnh Lâm Đồng.

Riêng bức chân dung Đại tướng Lê Đức Anh, hiện anh đưa đến trao tặng cho gia đình, được anh kỳ công vẽ trong khoảng thời gian một tuần, trên chất liệu gỗ bạch tùng, kích thước 65cm x 65cm.

Để vẽ một bức chân dung bút lửa có hồn, đòi hỏi người họa sĩ phải hết sức tỉ mỉ, chính xác rất cao, vì khi đặt bút chỉ có thể vẽ tiếp chứ không thể sửa lại. “Nhiều người để bút nóng với nhiệt độ cao, đẩy bút đi nhanh để vẽ được một bức tranh trong thời gian ngắn, như thế tranh sẽ cháy không kĩ, dễ bị phai màu”.

Họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng tâm sự: “Tôi vẽ bức chân dung Đại tướng Lê Đức Anh trong sự ngưỡng mộ một nhà quân sự, chính trị tài ba của quê hương Thừa Thiên Huế. Bức chân dung cũng góp phần làm phong phú thêm những hình ảnh, tư liệu cho Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh”.

Tiến Vinh

 

 

 

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: