-
Giỏ hàng của bạn trống!
TRUYỆN NGẮN: Ả ĐIÊN VÀ PHÓ SỞ
2021-08-26 09:49:35
Ả chửi cha những đứa đi ngược ý ả. Ả chửi những người đã cấm ả đi ra đường trong những ngày vừa qua. Ả là người tự do, thích gì làm nấy, thích đi đâu thì đi. Không ai có quyền cấm ả. Cứ thế, ả “đào mồ, đào mả” những người can gián ngược ý ả.
Ả chết? Đúng. Nếu ả chết thì sao chứ? Chết cái bản thân ả, cùng lắm thì chết cả gia đình ả, chứ đâu liên quan gì đến ai?
- Nhìn đi, mọi người nhìn đi, làm gì có vi rút mà bảo có vi rút. Có ai nhìn thấy vi rút không? Ả la lối chứng minh cho cả khu phố thấy là ả đã đúng.
* * * * * *
Ở trong cái khu phố đông đúc như này, cuộc sống thị thành tất bật, dường như nhà nào chỉ biết đến nhà nấy, chẳng ai phải quan tâm đến ai. Nhưng riêng ả, có ai trong khu phố này không biết đến ả, từ người già cho đến đứa trẻ? Bởi ả nổi tiếng là người điêu ngoa. Ả thích làm những việc ngược đời, đi ngược lại số đông chuẩn mực.
Nghe kể rằng khi còn là con gái, ả cũng là công chức ở một cơ quan cấp Sở, cũng bình thường như bao người con gái khác. Thậm chí, ả cũng được tiếng là có chút nhan sắc, nên cũng được nhiều kẻ mến, lắm người thương.
Biến cố xảy ra trong cuộc đời ả, mà theo những người biết chuyện kể lại rằng: Trong một ngày đầu Thu năm đó, vì có chút nhan sắc, ả bị lão Phó Sở dê xồm để mắt đến. Một lần ngay tại phòng làm việc của gã lãnh đạo đốn mạt, ả bị "kéo vào phòng ngủ, chốt cửa", “ôm và vật” để lão luyện thứ võ công tà đạo "Húp tinh Đại pháp". Mục đích không gì khác ngoài việc giúp lão "xả bớt tinh lực" trong hạ bộ, nhằm làm giảm "tẩu hỏa nhập ma".
Trước tối hôm đó lão đi uống rượu “ngọc dương” cùng bạn bè, về nhà nhìn thấy vợ, lão hùng hổ như hổ đói vồ nai tơ. Nhận thấy sự khác lạ, vợ lão đạp lão xuống gầm giường, vì cái tội già mà mất nết.
Sáng hôm sau đến công sở, nhìn bên ngoài lão giống như nhân vật bước ra từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du "mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”. Nhưng bên trong con người lão, sức mạnh chén rượu ngọc dương đã khoáy đảo, đốc thúc tinh binh lên chi phối não bộ lão. Cả ngày cơ thể lão toàn thân nóng nực, đi ra rồi lại đi vào, chẳng làm được việc gì? Trong đầu lão bỗng dưng nhớ đến ả nhân viên có chút nhan sắc. Lão liếc vào chiếc giường lão nằm và gọi ả lên pha trà, phục vụ cho lão.
Nhìn thấy ả, lão không cưỡng lại được nhan sắc thiếu nữ đang ở vào cái tuổi đôi mươi, lão chốt cửa, rồi vồ đến chụp lấy ả như mèo lâu ngày thèm mỡ. Lão "kéo vào phòng ngủ, chốt cửa", “ôm và vật”. Nhờ sức trẻ, ả chống cự quyết liệt, ả lợi dụng sơ hở, đánh mạnh vào "cây súng" đang giương cao nòng của lão, lão đau đớn thả tay ôm súng, nên ả may mắn thoát được vòng tay của lão.
Ả chạy đến cơ quan điều tra tố cáo lão phạm tội hiếp dâm với ả. Nhưng lão cười tinh quái: "Hiểu nhầm hiếp dâm. Chỉ là hiểu nhầm hiếp dâm". Mà cũng đúng thật lão đã hiếp được ả đâu? Thậm chí lão còn là nạn nhân, bị ả đánh cho súng ống tơi tả. Sau bận này không biết hàng họ còn làm ăn gì được không nữa? Lão không đi kiện thì thôi, đằng này lão lại bị kiện?
Những ngày sau đó, lão lãnh đạo dê xồm liên tục trở thành đề tài trong các buổi trà dư tửu hậu của các phó thường dân. Mặc cho người ta xì xào bàn tán, lão vẫn ung dung yên vị chắc chắn trên cái ghế của lão!?
Còn ả? Kể từ ngày đó, ả sợ, sợ quyền lực vững chắc của lão, sợ lão chèn ép lấy việc công trả thù riêng, gây khó dễ trong công việc. Sợ lão tiếp tục bắt nạt, hãm hiếp, rồi biện minh bằng bốn chữ "hiểu nhầm hiếp dâm" như lão từng làm. Ngày đi làm trong lo âu, đêm về mơ ngủ, đầu óc thất thần, tinh thần điên đảo. Ả xin nghỉ việc và dần trở nên bất bình thường như hiện nay.
Ngẫm lại cũng thật đáng thương cho ả. Dù gì cũng tại ả đã từng là nạn nhân của yêu râu xanh, chứ nếu không đâu đến nổi điên loạn?
* * * * * *
Giữa lúc thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị Mười Sáu. Riêng ả vẫn ngang nhiên đi siêu thị, chơi công viên, chạy xe máy… không đeo khẩu trang, không mũ bảo hiểm. Khi chính quyền hỏi, ả trả lời như người mới từ thế giới khác đến:
- Tại sao ra khỏi nhà chị không đeo khẩu trang?
- Giờ tôi thích hít thở khí trời nên phải tháo khẩu trang.
- Chị không đeo khẩu trang chị bị dính dịch bệnh thì sao?
Ả trả lời tưng tửng:
- Tôi bệnh thì tôi đi chữa bệnh, đâu phải phiền tới các anh chữa bệnh cho tôi đâu mà nói. Mà tại sao tôi phải đeo khẩu trang? Tôi đi một mình mà? Tiếp xúc với ai mới đeo khẩu trang, không tiếp xúc với ai thì không cần đeo khẩu trang!?
- Chị nghĩ vậy là sai rồi. Người ta quy định là bước ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang và không được vào công viên. Người ta quy định rõ như vậy đó.
- Không có cái luật gì như vậy hết. Tôi là công dân tôi không biết gì hết thì làm sao tôi thực hiện? Các anh là những người đứng ở trên, các anh đưa ra nội quy, quy định thì các anh phải là người đi đến từng hộ gia đình, từng công dân phải nắm được nội quy đó thì người ta mới thực hiện!? - Ả lập luận theo cách nghĩ của riêng ả.
Ảnh minh họa
Một lần khác ả đi xe máy, chở thêm một em nhỏ không đội mũ bảo hiểm:
- Chị ra đường tại sao không đội mũ bảo hiểm?
- Ra đường đâu cần đội mũ bảo hiểm đâu, chạy xe đội mũ bảo hiểm làm gì anh, đường này không cần đội mũ bảo hiểm, đây là trong thành phố chứ không phải là ngoài thành...
- Tại sao chị không đeo khẩu trang?
- Khẩu trang treo ở đây nè, nhưng cảm thấy ngột quá, khó chịu.
- Chị đi ra đường không đeo khẩu trang lây vi rút cho chị, chị lây cho bé thì sao?
- Làm gì có vi rút đâu? Nếu có vi rút thì từ trước giờ đã có từ lâu rồi?
Ả là thế đấy, ả cải chày, cải cối như là đúng rồi. Khi mà thế giới đã có hơn hai trăm triệu ca nhiễm, gần 4,5 triệu ca tử vong. Thế mà ả vẫn bảo không nhìn thấy vi rút? Mà ả nói cũng đúng thật, bằng mắt thường có ai nhìn thấy con vi rút hình hài nó ra làm sao đâu? Nên ả có cái lý của riêng ả! Cái lý của người không bình thường?
Chính quyền mời ả về Phường, viết biên bản xử phạt, cam kết không tái phạm. Một lần, hai lần, rồi ba lần… Ả vẫn thế, vẫn trơ cái mõm mỗi lần xuất hiện trên phố.
Ả điên!? Phải… chắc chắn là ả điên thật. Bởi người bình thường chả ai làm thế? Chỉ có người điên mới không biết bảo vệ bản thân, không biết bảo vệ gia đình? Mới có những quan điểm đi ngược lại quy định mà đã được xã hội đồng thuận cao.
Người điên thực tế cũng có những “triết lý” của riêng mình. Mà chỉ người điên với nhau họ mới hiểu và đồng cảm cho nhau!?
* * * * * *
Ở ngoài kia, lão biết ả điên. Lão ngồi chễm chệ trên cái ghế Phó Sở quyền lực, hai chân lão gác lên bàn. Lão nhếch mép cười: “Nếu trước đây mày ngoan ngoãn, nằm im cho tao luyện “Húp tinh Đại pháp”, thì có phải bây giờ mày đã thăng quan, tiến chức như hót gơ Ba Sáu rồi không? Mày điên là đúng, bởi người bình thường người ta đã ngoan ngoãn...? lão dừng lại và liếc nhìn chiếc giường của lão.
Rồi lão hát thật to, như muốn để cấp dưới nghe thấy:
Công cha như núi Thái Sơn
Thủ trưởng "nâng đỡ" còn hơn cha nhiều!?
Ngẫm kỹ mới thấy câu nói của lão ở khía cạnh nào đó nó cũng đúng thật. Cha mẹ chỉ nuôi con khôn lớn, cho con tri thức, là nền tảng bước đầu hòa nhập xã hội. Nhưng để được thăng quan tiến chức trong cuộc sống lâu dài, thì cần lắm sự nâng đỡ của các thủ trưởng, thủ phó như lão!?
* * * Hết * * *
Truyện cùng tác giả: Tiến Vinh
- TRUYỆN NGẮN: Ả ĐIÊN VÀ PHÓ SỞ
- HÀI HƯỚC: CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG
- TRUYỆN NGỤ NGÔN: HỔ GẦY THÔNG THÁI
- CHUYỆN THẰNG BỐ LÁO KIẾM TIỀN TỪ NƯỚC SÔNG THỪA LƯU
- WACO XỨ HUỆ BIẾN “ƯỚC MƠ” CỦA DÂN THÀNH HIỆN THỰC
- THỐNG LÝ PÁ TRA "VUNG TAY TRÚNG MÁ"