-
Giỏ hàng của bạn trống!
CHUYỆN THẰNG BỐ LÁO KIẾM TIỀN TỪ NƯỚC SÔNG THỪA LƯU
07/08/2021
Sáng sớm đi bắt ốc trên sông Thừa Lưu, người ta đã thấy nó nằm co ro trên tấm vải mỏng, đặt mép bờ sông, trên người nó có để tờ giấy ghi vỏn vẹn 6 chữ “cháu họ Bố, mong nuôi giùm”.
Đôi vợ chồng già hiếm muộn ven sông thương tình nhận nuôi nó, đặt thêm cho nó cái tên Láo. Vậy là người dân ven sông Thừa Lưu biết đến nó với cái tên Bố Láo.
Bố Láo gần mười tuổi, đôi vợ chồng già lần lượt mất đi. Sống một mình, Bố Láo bám trụ trong căn nhà tranh nhỏ nằm dưới chân cầu Thừa Lưu do đôi vợ chồng già để lại. Suốt ngày bơi lội trên dòng sông để bắt cá, bắt cua, bắt hến… Cuộc đời nó gắn liền với dòng sông Thừa Lưu. Chính xác hơn, sông Thừa Lưu đã nuôi dưỡng cuộc đời nó…
Nó nhanh nhẹn và rất khôn lanh, dù còn nhỏ tuổi nhưng có thể tự nuôi sống bản thân, thậm chí nó còn có của ăn của để so với bạn bè cùng lứa tuổi, bằng những việc làm rất bố láo, giống chính cái tên của nó.
Một ký ức kinh tởm nhất trong cuộc đời mà nó luôn muốn quên đi. Đó là múc nước sông Thừa Lưu lên lừa bán cho bọn nhỏ cùng lứa tuổi xung quanh xóm lấy tiền sinh hoạt.
Để thực hiện tham vọng kiếm tiền, Bố Láo đi dọc đường tàu hỏa, lượm lặt những vỏ chai nước suối do khách tàu vứt bỏ. Múc nước sông, dùng miếng bông gòn lọc sạch cặn bả. Đổ nước vào chai đóng kỹ nắp “Ôi chao ơi! Sao mà giống nước suối đến thế” - nó hớn hở với sản phẩm nước suối "tinh khiết" của mình.
Nó quyết định cung ứng sản phẩm ra thị trường, nó tìm gặp bọn nhỏ quanh xóm, nó giới thiệu:
- Đây là nước sạch tinh khiết, có giấy kiểm nghiệm đạt chuẩn rồi. Các anh trên tàu lòn ra ngoài bán cho tao, bọn bây mua tao bán rẻ lại cho. Mỗi chai 500đ.
Bọn trẻ nghi hoạt:
- Phải nước sạch thiệt không mi?
Dù chỉ được học vài chữ tọ tẹ, nhưng việc lừa người thì nó rất chuyên nghiệp. Nó chỉ vào cái nhãn mác có thành phần, chất lượng trên chai và đánh vần từng chữ đọc cho bọn trẻ nghe:
- Mày không thấy à, nước đạt chuẩn đã qua kiểm nghiệm có công bố rõ ràng.
- Uh, có bảng công bố chất lượng nè - bọn trẻ tấm tắc.
Vậy là từ ngày đó, thằng Bố Láo chuyên sản xuất “nước sạch” bán cho bọn trẻ trong xóm. Khách hàng ngày càng đông, nó nhận thêm hai đồ đệ trong xóm là thằng Cáo, thằng Hổ về làm việc cho nó. Thị trường ban đầu là mấy đứa xung quanh xóm, dần dần thị trường mở rộng ra tận xóm ngoài, xóm bên…
Ông bà ta nói “làm việc xấu trước sau cũng lộ” quả là không sai. Năm con Trâu trời bổng nổi nắng, khắp nơi khô cằn, sông Thừa Lưu cũng trở nên ít nước. Nhu cầu mua nước thì nhiều, nó lọc thô sơ không hết được cặn bả. Biết không đảm bảo chất lượng, nhưng nó vẫn tặc lưỡi “Kệ! Nước sông Thừa Lưu ông bán đấy, có ai làm gì được ông!?”.
Khi phát hiện ra nước cặn bẩn, người dân theo dõi phát hiện nó múc nước sông Thừa Lưu đổ vào chai. Họ kiện lên xã, từ xã lên huyện. Rồi thành lập đoàn về làm việc, họ cũng có mời… đại diện 5 hộ dân họp. Rồi cũng hứa. Rồi cũng xin lỗi… đúng, đủ các quy trình cả.
Khi tòa án pháp luật chưa thấy đâu, nhưng tòa án nhân dân đã giày vò nó. Mỗi người dân khi thấy nó đều chửi mỉa mai:
- Đồ chó bố láo bán nước bẩn…
- Đồ chó bố láo đầu độc nhân dân…”
Nó quyết định dứt áo ra đi, nó bỏ lại sau lưng tất cả. Bao nhiêu tiền nó gửi làm từ thiện, chỉ giữ lại một ít làm lộ phí và vài bộ quần áo. Nó dường như nhận ra câu nói thâm thúy của người đời “một ngày đi tu thì không thành chín quả, nhưng một ngày ngu thì nhận biết bao hậu quả”. Nhưng nó ngu không chỉ một ngày mà nó ngu tận hai năm, nên hậu quả nó gây ra rất nặng nề.
Bước chân lên xe nhưng trong đầu nó vẫn văng vẳng tiếng chửi rủa của người dân.
- Đồ chó bố láo bán nước bẩn… thật bố láo…
****************
Ba mươi năm trôi qua, nơi đất khách quê người, nó nhớ lắm những ngày thơ ấu lặn ngụp trên dòng sông Thừa Lưu đầy hoang sơ, bình dị và rất đổi ấm áp. Thời ấy, nước sông vẫn còn sạch lắm, chưa rác thải, không thuốc trừ sâu, rừng cũng còn nguyên sơ, chưa bị chặt phá như bây giờ.
Nó vẫn nhớ da diết hương vị quê nhà nơi nó sống, nhớ cái mùi nước đặc trưng của con sông nơi nó lớn lên. Hương vị không bao giờ quên được dù đã trãi qua một thời gian dài xa xứ.
Nó quyết định trở về thăm quê hương nó. Thăm dòng sông Thừa Lưu nuôi dưỡng nó thuở nào?
Vừa qua hầm Hải Vân, nó xuống xe ngay dưới chân cầu Lăng Cô. Nó muốn hít thở không khí quê hương Thừa Lưu từ xa, suy nghĩ về quá khứ, sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra với nó.
Nó đến bên một quán nhỏ ven đường, đặt cái túi xách xuống ghế. Nó xin phép bà chủ:
- Cô ơi! Cho con chai nước, với cho con rửa cái mặt.
- Cậu rửa mặt thì lui phía sau, có vòi nước sạch nhé.
- Dạ!
Nói rồi nó lui sau, mở vòi, nước chảy. Nó la lên ngạc nhiên:
- Cái gì thế này. Nước sông tui. Nước sông tui - nó la lên với một cảm xúc bất ngờ và rất đổi vui mừng.
Bà chủ thấy lạ chạy ra hỏi:
- Chi rứa cậu? Nước sông tui là răng?
- Dạ! Con vui quá cô a! ba mươi năm rồi con mới được rửa mặt bằng nước sông Thừa Lưu.
- Cậu noái tầm bậy, nước sông Thừa Lưu mô mà sông Thừa Lưu - bà chủ quán quả quyết.
- Mùi vị này hôi hơn, nồng nặc hơn ngày đó rất nhiều. Nhưng cái mùi vị đặc trưng con ngửi từ bé không thoát vào đâu được Cô ạ! Con chắc chắn - nó cải lại chủ quán.
- Công ty nước thông báo là nước thác Bồ Ghè và suối Voi.
- Không Cô ạ! Con chắc chắn là nước sông Thừa Lưu - nó khẳng định.
Nó chào bà chủ rồi lên xe, nó hồi hộp lắm. Nó thật sự bất ngờ và vui sướng sau 30 năm, vừa xuống xe nó đã được ngửi lại hương vị sông Thừa Lưu, nơi chứng kiến sự lớn lên của nó.
Nhưng hôm nay, nước sông ấy lại “vươn vòi” xa và mạnh mẽ đến vậy, đã trở thành "bầu sữa suối nguồn" của hàng vạn người dân. Nó thực sự không biết có nên vui và tự hào vì điều đó không? Bởi ký ức từng bán nước bẩn từ sông Thừa Lưu khó phai mờ và luôn cắn rứt lương tâm nó suốt bao năm qua.
Xe dừng. Nó đứng ngay trên cầu Thừa Lưu, nó nhìn ra xa. Nó thấy sông Thừa Lưu đã khác xa với trí tưởng tượng của nó. Nước ít hơn, rác thải nhiều hơn, nước đục, hôi hơn rất nhiều và nồng nặc mùi thuốc cỏ…
Nó nhớ lại vụ nước sạch ở quán nhỏ Lăng Cô, bất chợt nó thốt lên:
- Chắc dụ này do thằng Cáo, thằng Hổ, đồ đệ của mình năm xưa, nó học theo cách lừa đảo của mình rồi. Chứ ngoài chúng nó ai lại làm thế ???
Nó hồi tưởng lại quá khứ:
30 năm trước, sông Thừa Lưu sạch đẹp, dòng sông hoang sơ, chưa bẩn đục, mạch nước tinh khiết vậy mà mình vẫn mang tiếng “Đồ chó bố láo bán nước bẩn… đầu độc nhân dân…”.
Rồi nó nhìn về hiện tại:
Vậy mà hôm nay, đồ đệ của mình thằng Cáo, thằng Hổ. Với nguồn nước sông ô nhiễm kinh khủng như thế này mà nó cũng dám bán cho dân mình uống được thì đúng là cái giống xúc vật...!!!???
Đứng giữa dòng sông bất định, nó chợt hát vu vơ:
Nếu là Cáo xin đừng tập diễn làm Nai
Còn nếu đã cố gắng hợp vai...
Thì về sau đừng để lộ cái đuôi chồn giả tạo!?
...bởi nó biết hơn ai tất cả, với những người có lương tâm, lộ đuôi cáo sẽ trả giá rất đắt...
*** Hết ***
Truyện cùng tác giả: Tiến Vinh
- TRUYỆN NGẮN: Ả ĐIÊN VÀ PHÓ SỞ
- HÀI HƯỚC: CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG
- TRUYỆN NGỤ NGÔN: HỔ GẦY THÔNG THÁI
- CHUYỆN THẰNG BỐ LÁO KIẾM TIỀN TỪ NƯỚC SÔNG THỪA LƯU
- WACO XỨ HUỆ BIẾN “ƯỚC MƠ” CỦA DÂN THÀNH HIỆN THỰC
- THỐNG LÝ PÁ TRA "VUNG TAY TRÚNG MÁ"