Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Hài hước: Ngươi là Thần hay Dâm tặc? (Chương 2)

18/03/2022
Hài hước: Ngươi là Thần hay Dâm tặc? (Chương 2)

Chương 2:
Tác giả: Nguyễn Tiến Vinh

Trước đây khi chưa là Trưởng làng ông Chiến bị người dân đánh giá là hâm hâm, sáng say chiều xỉn. Nhưng ngay từ tuần đầu tiên nhận chức vụ mới, ông đã huy động con dân trong làng mỗi người một tay, vệ sinh sạch sẽ đường làng ngõ xóm, cả các khu vực tâm linh như đình làng, miếu thần hoàng, mồ mả của các cụ khai canh và những người vô danh đều được ông quan tâm.

Ông đang chỉ đạo mọi người dọn dẹp thì thằng Hiếu hối hả chạy đến la lớn:

- Báo cáo bác Chiến, anh em làng mình trong lúc phát quan thì phát hiện một ngôi mộ lạ, nhìn có vẻ lâu đời, mời Bác và các cụ đến xem ạ!

Nghe thấy thế, ông Chiến cùng các cụ chạy theo sau thằng Hiếu, đến bên ngọn đồi nhỏ. Trước đây nơi này là lùm cây um tùm, ngôi mộ nằm sâu trong lùm cây đó nên không ai để ý tới, giờ nhờ được dân làng phát quan, nên nó mới lộ ra. Ngôi mộ được đặt xung quanh rất nhiều đá cụi, phía trước ngôi mộ còn có tấm bia bằng đá, có khắc ba chữ một cách vội vàng, riêng chữ ở giữa bị mờ không còn nhận rõ mặt chữ.

Các cụ lần lượt người này rồi người kia đến nhìn tấm bia mà lắc đầu quầy quậy, không ai hiểu được chữ đó có nội dung gì, chỉ biết đó là chữ Hán. Thấy mọi người học cao, hiểu rộng hơn mình mà còn không đọc được, ông Chiến biết mình càng không thể hiểu, nên đến bên tấm bia, định bụng bảo thằng Hiếu chụp bức hình rồi nhờ người dịch hộ. Khi ông vừa nhìn xuống tấm bia thì ánh mắt ông lóe sáng, ông cười khà khà rồi nói:

- Là chữ “Thần” đó mọi người ơi! Vậy đây chắc chắn là mộ phần của thần rồi. Làng ta phải quyên góp mà sửa sang lại mồ mả của ngài cho nó đàng hoàng, để ngài còn phù hộ cho?

Các cụ trong làng nghe ông Chiến nói từ ngơ ngác chuyển sang nghi ngờ, bởi các ông người nào cũng học đến lớp tám, lớp chín mà còn chưa đọc được cái chữ trên phiến đá kia. Ông Chiến chỉ học lớp ba thì đọc quái thế nào được? Nghĩ là nghĩ thế nhưng chẳng ai cãi lại ông, bởi lúc này mà cãi với ông Chiến thì chính là cãi lại Trưởng làng, mà trái ý Trưởng làng là đi ngược ý của cả làng. Ai dại gì mà lên tiếng phản bác.

Tưởng cái chữ gì, chứ cái chữ “Thần” này ông Chiến còn lạ lẫm gì nữa, bởi hồi nhỏ ông thường đi chăn trâu, suốt ngày vào các đền thờ, miếu mạo, nơi nào mà chẳng có chữ này. Ban đầu ông nhìn cho vui, lúc rảnh rỗi ông lại lấy than, gạch, họa theo, dần dà quen mặt chữ, nên khi mới nhìn vào là ông biết ngay đây là chữ “Thần”. Nhưng ông biết, mọi người vẫn chưa phục nên ông vẫn bảo thằng Hiếu chụp ảnh lại, nhờ người biết chữ Hán dịch để cho mọi người tâm phục, khẩu phục.

Thằng Hiếu “dạ” làm theo, chưa đầy mười lăm phút gửi mail, người ta dịch nguyên văn là “ Thần … tặc”, như vậy là chữ ở giữa bị mờ không dịch được, còn lại dịch được hai chữ, rõ ràng là có chữ “Thần”. Đến lúc này thì mọi người mới công nhận là ông Chiến đúng, và ông cũng rất giỏi vì ngoài chữ quốc ngữ ông đọc được tọ tẹ thì còn đọc được cả…chữ Hán.

Cụ Nhiên, cựu Trưởng làng nhìn thấy thế, cũng vuốt chòm râu bạc mà cảm thán:

- Đấy, đấy, tôi đưa chú Chiến lên làm Trưởng làng là vì chú ấy giỏi thật sự, tuy chỉ học hết lớp ba, nhưng là người có trình độ thật chứ không đùa đâu?

Một số cụ trong làng lâu nay không vừa lòng với ông Chiến thì tức lắm. Vì cụ Nhiên nói thế thì chả khác gì bảo các cụ học đến lớp tám, lớp chín mà đến mỗi chữ “Thần” cũng không đọc được. Nhưng lúc này biết nói thế nào đây, thật sự lúc này họ đang thua ông Chiến, lên tiếng chả khác gì tự vả vào mồm mình. Nên thôi im lặng cho nó yên chuyện.

Sáng ngày hôm sau, ông Chiến tổ chức một cuộc họp nóng giữa các cụ bô lão trong làng, ông phân tích:

- Người đang nằm dưới mộ kia không đơn giản. Chữ “Thần” được khắc trên bia đá cho thấy vị này được các ông cha chúng ta ghi nhận, hoặc vua chúa đời trước công nhận công lao mà sắc phong. Chữ ở giữa vì lâu ngày nên bị hư hại, nên chúng ta không biết rõ được, mà bản thân tôi cũng không dám đoán bừa. Riêng chữ “Tặc” thì có thể nói đến đây là vị thần chuyên chế ngự các loại yêu tặc trong khu vực này, giúp dân làng chúng ta được yên bình thoát kiếp nạn hoành hành của các loại tặc sau này như hải tặc, sơn tặc, mã tặc, dâm tặc… rồi cát tặc, cẩu tặc… Nói tóm lại thì nhờ vị “Thần… tặc” này chuyên trị bọn giặc cướp, làm loạn, hại người, mà dân làng chúng ta lâu nay được yên ổn làm ăn. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta mỗi người đóng góp một ít, kẻ góp công, người góp của xây dựng am miếu cho ngài, để thờ tự hương khói cho đúng vai, phải vế.

Sau khi nghe ông Chiến phân tích, phần đông đều tán thưởng, thống nhất. 

- Phải, phải, phân tích đúng lắm, rất chính xác.

Bên cạnh đó cũng có những câu hỏi xì xào về trình độ, năng lực thực tế của ông:

- Mà này, có phải ông Chiến chỉ học lớp ba thôi à? Sao tôi thấy ông phân tích cặn kẽ mà giỏi thế?

- Ông Chiến giữ trâu mà sao phân tích cứ như thầy giáo giảng bài ấy nhỉ?

Nghe mọi người nhỏ to bàn tán, ông mỉm cười đắc chí. Khuôn mặt ông biểu hiện lên sự vui sướng lắm, vì chỉ mới đây thôi, mọi người còn khinh bỉ, không thèm quan tâm đến ông trong cuộc họp. Mà chỉ mới sau một tuần thôi, ông đã làm mọi người có cái nhìn hoàn toàn khác về ông.

Họ đâu biết rằng để phân tích được những câu chữ trên, cả đêm hôm qua ông phải điện thoại cho thằng Duy cháu ông nhờ nó tư vấn cho. Duy hiện đang làm việc ở Lao Bảo, gần biên giới của hai nước Việt - Lào. Cũng là người giúp ông lên ngồi được cái ghế Trưởng làng. Ông nghe xong, chép lại rồi thức cả đêm để học thuộc bài, đến sáng nay mới nói năng lưu loát như thế này khi đứng trước mọi người.

Vậy là được sự đồng thuận cao của các cụ trong làng, ông triển khai ngay việc quyên góp tiền của và xây dựng miếu thờ ngài “Thần … tặc”. Ông cho xây dựng lại nấm mồ bằng xi măng, bên trên còn có hẳn mái che để che mưa nắng, theo đúng kiểu dáng của đa phần các ngôi miếu hiện nay, nhìn khang trang và cũng rất sạch sẽ.

Điều kỳ lạ nơi miếu này là ở phía trước, nơi có tấm bia đá khắc chữ “Thần… tặc”, không hiểu từ đâu mọc lên tảng đá lớn nổi hẳn lên mặt đất, cao chừng nửa mét, ở giữa lõm xuống lượn sóng, hai đầu nổi lên, trông giống như tấm thân thiếu nữ đang ngả ngớn mời chào. Những thanh niên hài hước nhìn vào tảng đá mà tấm tắc khen lấy, khen để nuốt nước bọt vào trong.

 - Thích thật, nhìn cứ như cái ghế tình yêu hiện nay đang quảng cáo trên mạng!

Ông Chiến và các cụ trong làng nhìn thấy cái ghế này thì cảm giác nhức mắt. Ông huy động thanh niên trong làng đem theo gậy gộc, cuốc xẻng để dời tảng đá kia ra nơi khác. Người đông, ai cũng mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm cả áo, hì hục suốt buổi sáng mà không tài nào suy chuyển được tảng đá bé tí đó. Cuối cùng dân làng đành để yên vị trí cũ.

Như vậy, từ chỗ chỉ là nấm mồ vô chủ không ai đoái hoài tới, chỉ trong thời gian ngắn, ngôi mộ “Thần… tặc” đã được người dân làng Long Tong xây dựng miếu thờ, được dân làng chăm lo hương khói thường xuyên không thiếu thứ gì. Thật là “một bước lên mây”.

Nghe đâu từ ngày xây dựng miếu cho vị “Thần… tặc” xong, nhiều cặp gia đình trong làng xưa kia vốn bất hòa, lục đục. Các ông chồng trước kia vốn rượu chè bê tha, bị vợ coi thường, chửi thẳng mặt, nay trở nên thay tính đổi nết. Bỏ hẳn rượu chè, chí thú làm ăn. Các bà vợ từ chỗ hắt hủi, chuyển sang yêu thương chồng, bênh chồng, bảo vệ chồng ra mặt.

Câu chuyện này lan truyền bắt đầu từ thằng Lâm xỉn. Hôm đó hắn đi nhậu, rồi bài bạc bê tha suốt ngày. Vừa về đến cổng nhà, vợ hắn lấy cái cán chổi cùn ra đuổi đánh vào mông, vào lưng. Boa thêm miễn phí cho hắn câu chửi quen thuộc, mà làng xóm xung quanh đó ngày nào cũng thường xuyên nghe thấy:

- Cái loại đàn ông thối tha, suốt ngày chỉ biết bài bạc, nhậu nhẹt…chứ có làm được cái gì cho ai nhờ… cả đời này tôi lấy ông chưa từng được một đêm sung sướng… Cái đồ rác rưởi, cút cút đi cho khuất mắt bà, đừng để bà nhìn thấy cái loại đàn ông yếu đuối, bất lực như thế này ở cái nhà này nữa.

Mỗi lần như thế, thằng Lâm chỉ biết chân thấp chân cao vén áo, vén quần mà chạy. Hắn càng không dám quay đầu lại nhìn vợ hắn mà ú ớ thêm tiếng nào. Mỗi lần buồn, hắn lại tìm tới rượu để giải sầu. Chỉ có rượu lúc này mới là bạn thân nhất của hắn, giúp hắn xua tan đi nỗi uẩn uất chất chứa trong lòng. Đến lúc tỉnh rượu, hắn lại hát khúc hát vu vơ chỉ dành cho một kẻ thất phu như hắn, nghe mà buồn thối cả ruột “Rút dao chém nước, nước càng chảy mạnh. Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”. 

Trước đây khi chưa có miếu ngài “Thần… tặc” thì hắn ngủ bờ, ngủ bụi, nay ở miếu “Thần… tặc” có mái che, không khí mát mẻ nên hắn tìm tới đây để ngủ. Bởi những lúc vợ đuổi như thế này thì hắn đâu còn nơi nào để về. Ai lại dại gì đi chứa một thằng say, để nửa đêm biết đâu lại mang họa vào mình. Mà ở nơi miếu này cũng thoải mái, có sẵn cái ghế đá khá ngon, cứ thế, hắn ngã người gối đầu yên giấc cho đến sáng. Hôm sau tỉnh rượu, hắn không về nhà, lại tìm đến rượu, rồi lại say như đêm trước.

Những lúc uống đủ men, hắn ngủ ngon lành. Nhưng đêm hôm đó, cái đêm làm thay đổi cuộc đời hắn và gia đình hắn. Chỉ vì chủ quán rượu bị ốm, phải nghỉ nấu mấy hôm, không cung cấp đủ rượu cho hắn, vậy là hôm đó hắn không đủ đô nên không ngủ được, lại nằm thao thức, nghĩ thương cho thân phận kiếp đàn ông mà bất lực của hắn. Hắn là đàn ông mà cứ bị bà vợ chửi là “rác rưởi, yếu đuối, bất lực…”. Càng nghĩ hắn lại thấy càng nhục cho chính bản thân hắn.

Hắn lảo đảo tìm đến bên tấm bia đá, ở đó có sẵn đĩa xoài và chai rượu, cùng mấy cái ly nước do người dân cúng cho “Thần… tặc”. Hắn nhìn thấy chai rượu, món xúc miệng khoái khẩu của hắn, hắn cười khà khà:

- Được lắm “Thần… tặc”, ngài chuẩn bị sẵn rượu mồi chờ tôi đến à, đúng là bạn tốt, thật đúng là bạn tốt mà. Vậy chúng ta nâng ly chúc mừng cho tình bạn… nhậu.

Vừa nói hắn vừa rót rượu ra ly, chẳng cần quan tâm đến ông “Thần… tặc” có uống hay không, hắn cứ thế hết cốc này lại đến cốc khác mà nốc sạch bằng thôi. Khi đã choáng váng, hắn vỗ mạnh vào ngực, rồi tuôn ra những lời tâm sự tận sâu trong tâm can, và đó cũng là những lời van lơn đối với vị “Thần… tặc”:

- Ông thấy tôi không? Tôi to con, tôi mạnh mẽ, mỗi ngày tôi uống cả lít rượu mà vẫn không say. Như thế mới thấy là tôi mạnh mẽ đến dường nào? Vậy mà mụ vợ hằng ngày vẫn chửi, vẫn rủa tôi là cái thứ rác rưởi, cái thứ yếu đuối…là là…loại đàn ông bất lực… Không! Tao không phải là người yếu đuối!

Hắn nói một mình, hắn hỏi rồi cũng tự hắn trả lời. Không biết “Thần… tặc” có nghe thấy hắn nói không, mà không thấy hồi đáp? Xung quanh đó, lâu lâu lại nghe tiếng xào xạc của lá, tiếng muỗi vo ve, tiếng “tách tách” của con thằn lằn rít lên. Hắn tưởng là thần hiển linh, trả lời lại hắn, hắn lại ậm ừ mà thổ lộ hết tâm can:

- Ừ… Ừ… Ông là bạn tốt, thiệt là tốt mà, lại biết lắng nghe tôi nói, hơn bà vợ chằn tinh của tôi ở nhà rất nhiều. Ông là “Thần” mà? Hãy giúp tôi đi… Giúp tôi mạnh mẽ đi. Giúp tôi… không còn bất lực nữa. Giúp tôi… không yếu đuối nữa. Để cho bà vợ tôi nó sáng mắt ra, không còn coi thường tôi nữa. 

Nói rồi hắn ngủ thiếp đi. Nhưng vừa chập chờn trong giấc mộng, hắn nghe thấy tiếng “lộp bộp” của những giọt mưa nặng hạt, những cái lạnh tê tái đến thấu xương. Lúc này hắn cũng dần tỉnh rượu, biết không thể ở lại đêm nay ở đây, lạnh thế này, lại thêm có men trong người, không khéo ngày mai hắn chỉ còn lại cái xác không hồn? 

Vậy là hắn vén quần chạy một mạch về nhà, gõ cửa. Thấy trời mưa, sợ hắn có chuyện, chạy ra mở cửa, giúp hắn lau thân thể, pha hắn cốc nước chanh ấm để hắn uống lót dạ.

Hắn tỉnh rượu, nhìn bà vợ quan tâm đến hắn, tự nhiên hôm nay hắn thấy vợ hắn nết na, dịu dàng đến lạ lùng, khác hoàn toàn với mọi ngày. Hắn hứng tình chạy ra đóng cửa, tắt đèn… mặc cho ngoài kia, những cơn mưa vẫn đang nặng hạt, hắn vẫn hăng say làm việc mà hắn phải làm.

Không biết kết quả thế nào mà đến sáng hôm sau, người dân trong xóm thấy vợ của Lâm xỉn thức dậy rất sớm, một tay cầm chổi quét sân, miệng hát nghêu ngao “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”. Còn Lâm xỉn thì đang vệ sinh cơ thể, cạo râu sạch bóng, không còn kè kè chai rượu, “mắt chưa mở đã say” như mọi hôm nữa.

Bạn bè hắn, hội ba bốn thằng cũng là những kẻ sáng say chiều xỉn, cũng mắc chứng bệnh yếu đuối, bất lực như hắn, cả buổi sáng hóng cổ chờ hắn tới, nhưng cả bọn không thấy hắn đâu. Bọn chúng kéo nhau đến nhà tìm hiểu xem Lâm xỉn bị làm sao? Hay đau ốm thế nào mà cả ngày không thấy mặt. Vừa mới đến ngang cổng nhà đã thấy hắn ngồi mệt dưới đất, xắt chuối cho lợn với khuôn mặt hớn hở, hạnh phúc. Vợ hắn thì đang nấu ăn trong bếp, lâu lâu lại cất lên khúc hát đồng dao tình chàng ý thiếp. Bạn bè hắn người nào người nấy nhìn nhau ngơ ngác, không biết Lâm xỉn đã xảy ra chuyện gì mà làm hắn thay đổi nhanh như thế. Chỉ mới hôm qua thôi, hắn vẫn là Lâm xỉn, nhưng hôm nay Lâm đã không còn “xỉn”.

Để hiểu rõ đầu đuôi mọi chuyện, bạn bè hắn kéo hắn ra một góc, rồi chất vấn, tra khảo. Hắn chỉ cười cười, không nói thật. Như bế tắc bọn chúng lại chuyển sang lạy lục, van lơn.

Thấy cả bọn khẩn khoản thực lòng, hơn nữa bạn bè nhậu nhẹt sáng chiều có nhau. Lâm xỉn cũng kể lại đầu đuôi mọi chuyện đúng thực tế, vậy là cả bọn cứ y thế mà làm, quả nhiên linh nghiệm.

Mấy bà vợ ở nhà lâu nay thui thủi vào ra, người nào người nấy như quả chà và gặp nắng, nhăn nheo khó chịu. Bây giờ bà nào cũng má hồng ửng đỏ, sớm tối quấn quít bên chồng. Cũng từ đấy, làng Long Tong không còn nhìn thấy người xỉn, và không nghe ai chửi chồng là loại đàn ông yếu đuối, bất lực.

Rồi cái tin “Thần… tặc” hiển linh, ban đầu thì trong làng ùa nhau kéo đến. Dần dà tiếng lành đồn xa, người người khắp nơi đổ dồn về tới lui kính cẩn cúng bái tấp nập. Có cung ắt sẽ có cầu, để phục vụ bà con du khách thập phương, dân làng Long Tong dần dần chuyển sang kinh doanh buôn bán.

Từ ngày ông Chiến làm Trưởng làng, cuộc sống người dân cũng khấm khá hơn. Vì thế ông Chiến lại được các cụ cao niên trong làng khen không hết lời, hơn nữa từ ngày ông Chiến làm Trưởng làng, bao nhiêu cặp vợ chồng từ chỗ “cơm không lành, canh không ngọt” trở lại yêu thương, gắn kết. Bản thân ông Chiến cũng bỏ hẳn bia rượu, lâu lâu có đám tiệc, vui lắm ông mới uống vài chén xã giao.

Chuyện “Thần… tặc” ứng nghiệm là thế, trong ngoài làng ai cũng công nhận ngài hiển linh. Ấy vậy mà, trong làng lại có bà “Lý béo” đi quanh phao tin rằng “Thần… tặc” là loại sở khanh, là kẻ lừa đảo, mọi người không nên tin tưởng, sẽ có ngày hối hận.

Ông Chiến nghe tin ấy lập tức gọi thêm mấy cụ trong làng nữa tìm đến chất vấn bà “Lý béo” cho ra lẽ, vì cớ làm sao bà lại đi “vu oan giá họa” cho “Thần… tặc”. Trong khi sự linh nghiệm của Thần đã được hội thằng Lâm xỉn và bọn bạn nó chứng minh qua thực tế. Đến vợ chúng trước đây vẫn hằng ngày bôm bốp chửi chúng là lũ “bất lực, yếu đuối” cũng phải thẹn thùng gật đầu, công nhận là ngài linh ứng.

Ông Chiến thật lòng cũng không tin bà Lý béo lắm, bởi ở trong làng này bà nổi tiếng là loại đàn bà bốp chát, chua ngoa, cái miệng lúc nào cũng đi trước cái thân. Thân hình thì lồ lộ như cái lu đựng nước. Mỗi lần ra đường người chưa thấy đâu thì đã nghe tiếng bà ồm ồm đi trước. Vợ chồng bà cũng không mấy hạnh phúc. Thằng chồng thì không say xỉn, cũng chẳng bài bạc-đề đóm gì, mà chỉ mỗi cái tội… gái gú. Bà Lý béo suốt ngày nghĩ cách đánh ghen. Kéo áo, giật tóc với tình địch, lăm le hăm dọa. Nhưng được dăm bữa nửa tháng thì ông chồng vẫn chứng nào tật nấy.

Ông Chiến và các cụ đến nhà gặp bà Lý béo đang cặm cụi sau bếp, ông gọi lên rồi hỏi:

- Thế nhà mày làm sao mà lại đi từ làng trên xóm dưới phao tin là thần không linh nghiệm. Mày có biết là nhờ có Thần linh thiêng, phù hộ độ trì mà làng ta ăn nên làm ra hay không? Mày đi nói lung tung thế không sợ Thần vả cho sưng cái mồm mày ra à?

Các cụ đi theo ông Chiến cũng gật gù ra chiều đồng ý. Bà Lý bĩu môi một cái dài thườn thượt, kèm theo đó là cái nguýt mắt, giọng địu không thèm dấu diếm:

- Các cụ bảo “Thần… tặc” linh lắm? Nghe nói hội thằng Lâm xỉn với bạn nó được thần chữa cho cái bệnh yếu đuối, bất lực. Vậy sao tôi đến xin ngài chữa cho, đến giờ vẫn thế, vẫn khô khốc như ruộng đang mùa đại hạn.

Ui chao ôi! Hóa ra bà Lý béo như cái lu đựng nước, mà lại thiếu nước. Bà nói vậy là quá rõ ràng. Người ta bảo nói vậy là nói thẳng ruột ngựa. Cụ Chiến đang suy nghĩ còn chưa biết hỏi tiếp thế nào thì một cụ đi cùng nói lấp liếm, kèm tí chọc ghẹo:

- Mày xem thế nào chứ, đôi lúc mày đã lành bệnh, ruộng đã có nước rồi mà chưa được cày nên mày không biết?

Bà Lý nói mà như hét thật to, chảy cả nước miếng, nước mồm:

- Lành là lành thế nào chứ? Tôi mà lành thì thằng chồng tôi bây giờ còn đi ra đường đú đa đú đởn với gái gú ngoài kia à…à…? Ruộng tôi mà có nước để cày thì tôi đố thằng nào dám vác cày nhà mà đi cày ruộng thiên hạ. Có mà chết với bà đây.

Bà vừa nói vừa nghiến răng ken két, vừa săn quần vén áo một cách hùng hổ, tức tối. Các cụ thấy bà Lý đang trong trạng thái bực bội, lại nghe bà nói cũng có lý. Bởi cái chuyện tế nhị như thế này thì bà Lý béo dù có điêu ngoa cỡ nào cũng không thể đem ra bỡn cợt. Nếu bà thật sự lừa dối xúc phạm “Thần… tặc” thật thì cũng bị thần vả rồi chứ còn đâu nữa? Với lại thằng chồng nó ruộng nhà nhìn nở nang thế kia lại không cày, vác cày đi cày ruộng thiên hạ, ắt cũng có lý do? Hẳn là đúng như con Lý nói? Nên các cụ bàn đi tính lại một hồi, các cụ lục đục kéo nhau ra về, mà cũng không còn lý do gì để hạch họe bà Lý nữa.

* * * * *

Việc kinh doanh buôn bán của làng Long Tong diễn ra suôn sẻ được một thời gian thì bất ngờ dịch Covid-19 ụp đến. Để hạn chế dịch lan tỏa, ngày càng khó kiểm soát, khi mà thế giới vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu vắc xin. Chính phủ đã có văn bản yêu cầu người dân hạn chế đi lại. Với thông điệp “ai ở đâu, ở yên đó” và tinh thần “Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú” trừ phi phải có giấy tờ, văn bản được phép ra ngoài của chính quyền địa phương.

Vậy là miếu “Thần… tặc” ngày trước vốn tấp nập người đi, kẻ đến. Dân làng Long Tong sống khấm khá nhờ chuyển đổi buôn bán, phục vụ du khách thập phương. Nay bỗng trở nên im ắng, nhà nào biết nhà đó, chẳng ai còn dám ra đường khi không có lý do chính đáng.

Riêng ông Chiến vì là Trưởng làng nên được phép đi lại để tiện bề thông báo việc làng, việc xóm nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện 5K. Nhờ thế mà cứ hai ba hôm, ông lại đến đình làng, rồi miếu “Thần… tặc” để hương khói, quét dọn như một thói quen và trách nhiệm của bản thân. Đến trước miếu “Thần … tặc”, ông nhìn thấy cảnh đìu hiu, vắng vẻ mà cảm thán “Nhà nước chỉ mới hạn chế người dân ra đường có mấy hôm mà nhìn thấy miếu ngài vắng vẻ và buồn quá!”. Lúc trước tấp nập người ra kẻ vào, bây giờ chỉ ông mới được công khai ra đường, thường xuyên lui tới quét dọn, nhìn mà vắng lạnh.

Ông định cầm chổi quét đi những chiếc lá khô trên sàn do gió thổi vào. Ông vừa nhìn xuống đất, hai mắt trợn tròn, xung quanh chân ông là những “ba con sâu” (bao cao su), giấy vệ sinh, áo con… được ai đó vứt vương vãi xung quanh cái ghế cong cong lượn sóng. Cái ghế mà nhiều người ví von giống như “ghế tình yêu”, bởi vì độ quá giống của nó.

Ông bật công tắc hết các bóng điện có sẵn trong miếu, xung quanh là chi chít những dòng chữ được ghi đầy sự yêu thương, ngọt ngào: “Anh nhớ em, anh yêu em…”, “I Love You”, “... khuôn mặt em, nụ cười em, vòng ngực ấm, làm máu trong tim tan chảy…”. Ông tức giận thốt lên:

- Đúng là cái lũ mất nết, vô học mà. Ở đâu cũng viết, cũng vẽ lung tung thế này được?

Ông thật sự không biết tại sao ở chốn linh thiêng như miếu ngài “Thần… tặc” mà bọn chúng dám ngang nhiên đến ngả ngớn thoải mái thế này, và còn thể hiện hành động yêu đương trai gái? Phải chăng chúng không sợ thần trách phạt? Mà cũng kỳ lạ, vì sao trước đây không xảy ra trường hợp này, gần đây lại xảy ra? Có điều gì đó mà bản thân ông chưa hiểu hết?

Những lúc như thế này, ông thường nhấc điện thoại lên gọi cho Duy, thằng cháu ông vốn thông minh, nhanh nhẹn, việc gì khó khăn, Duy chỉ cần suy luận một lúc là giải đáp được ngay. Sau khi nghe ông kể đầu đuôi câu chuyện, Duy suy nghĩ rồi nói:

- Hiện tại đang bùng phát dịch Covid-19, chính quyền đang cấm người dân đi lại, các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, vũ trường, quán bar… đều bị cấm sạch. Nên có thể bọn trẻ không có nơi tâm sự, vì vậy đã tìm đến những nơi yên lặng vắng vẻ. Đặc biệt ở miếu ngài “Thần … tặc” lại có cái ghế tự nhiên, rất phù hợp để chúng “lăn lộn, tung hứng”.

Ông Chiến vừa nghe Duy nói xong, dường như ông đã hiểu ra vấn đề. Thì ra vì dịch covid đã làm mọi thứ đảo lộn. Tính cách bọn trẻ bây giờ lại có phần ngông nghênh, không tin vào sự tồn tại của ma quỷ với thần linh, nên chúng mặc sức mà tung hoành. Rồi ông hỏi Duy:

- Thế theo con chú phải làm thế nào?

- Chú nói anh em bê tảng đá có hình thù “lý tưởng” đó đi nơi khác, thì bọn chúng sẽ không còn điểm tựa, tự khắc sẽ không tìm đến nữa?

Ông Chiến nghe Duy nói, lòng ông nghẹn ngào:

- Khổ quá con ơi! Chú thấy cái tảng đá hình thù khêu gợi đó để nguyên trong miếu thần thì không hay cho lắm, nên chú đã huy động hết thanh niên, trai tráng trong làng ra bê đi, mà có nhấc lên nổi đâu?

 

 

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: