Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Hài hước: Ngươi là Thần hay Dâm tặc? (Chương 1)

17/03/2022
Hài hước: Ngươi là Thần hay Dâm tặc? (Chương 1)

Chương 1

Tác giả: Nguyễn Tiến Vinh

Ông Chiến mấy ngày qua được người dân làng Long Tong bầu lên làm Trưởng làng, cái chức vị mà hàng chục năm qua ông ao ước, ông đấu tranh dữ dội, mãnh liệt lắm giờ mới được “công thành danh toại”.

Tại kỳ họp toàn thể bà con trong làng Long Tong vừa qua, không có ai chịu đứng ra ứng cử, nhiều người được đề cử lại không chịu nhận, mà cứ từ chối giãy nảy như gà mắc tóc. 

Cụ Nhiên thì bảo nhiệm kỳ này là đến phiên cụ Húng, cụ Húng thì bảo năm nay là đến lượt cụ Hàng. Cứ thế hết người này đá qua, đến người kia đá lại. Người này nhìn người nọ bằng ánh mắt lườm lườm cứ như mèo lườm chuột. Rồi những người quá khích hết la hét, xô đẩy. Họp làng cứ thế lại ồn ào, hỗn độn chẳng khác gì họp chợ, chẳng ai chịu nhường ai. 

Ông Chiến tham gia buổi họp mà trong lòng ông tức tối lắm, lòng dạ ông đang như thiêu như đốt, ông như sắp nổ tung ra cùng với những câu cãi vã qua lại, đùn đẩy trách nhiệm của những người kia. Bởi ông ngồi chình ình ở đây mà chẳng ai chịu đề cử, giới thiệu ông, trong khi người ta lại đùn đẩy cho nhau. Đã thế ông cũng phải đẩy cái giá ông lên cao một tí cho hả lòng, hả dạ. Dẫu lúc này ông thèm cực điểm cái chức Trưởng làng Long Tong ấy lắm, mà ông dại gì ứng cử cho mất đi phẩm giá bản thân. Ông quay mặt ra bên ngoài sân đình, cố hết sức bình sinh để huýt sáo thật to.

Cái chuyện huýt sáo này thì với ông quá mức đơn giản. Cả cuộc đời ông Chiến quanh năm, suốt tháng đi chăn trâu ngoài đồng. Bạn bè ở xa cả cây số toàn gọi nhau, ra dấu bằng tiếng huýt sáo, nên tiếng huýt sáo của ông to đến mức những người ngồi gần trong phạm vi chục mét cũng phải điếc tai, nhức óc.

Đang lúc cãi nhau hưng phấn, bổng mọi người giật nảy mình khựng người lại vì tiếng huýt sáo bất ngờ như tiếng sét đánh bên tai. Từ chỗ ngơ ngác, giờ người ta lại chăm chăm chĩa ánh mắt nhìn vào ông Chiến vẫn đang còn hăng say “biểu diễn”.

Thằng Duy, cháu gọi ông Chiến bằng chú đang ngồi bên cạnh, thấy cả làng chĩa ánh mắt “đắm đuối” như muốn nói “tội phạm” gây ra tiếng ồn đó đang ngồi kia. Nó lấy tay khẩy khẩy vào chân ông chú. Ông giật mình quay lại, hứng trọn những cái nhìn săm soi. Ông nhếch mép cười khà khà mà nghĩ thầm “Vậy là giờ bọn bây cũng để ý đến ông đây rồi nhé!”.

Thằng Duy nhân cơ hội này cũng định bụng sẽ “tát nước theo mưa”, từ lâu nó cũng muốn để ông chú lên được cái chức Trưởng làng. Gọi là chức Trưởng làng cho oai thế chứ cũng chỉ là “miệng làm cai, vai đầy tớ”, mà có chấm mút được gì đâu? Nên ai cũng tìm cách đùn đẩy không muốn nhận.

Nó biết ông chú nó tính cách cũng có phần hâm hâm. Mới đây thôi, còn suốt ngày say xỉn, ai nói tiếng to còn lớn giọng gây sự. Bao nhiêu lần làm con cái phải phiền lòng. Bản thân ông lại là dân ngụ cư nên chẳng ai muốn bầu cho ông, bởi đó cũng là luật lệ được các cụ xưa trong làng quy định, đã trải qua hàng trăm năm qua. 

Nó cũng biết nhiều cụ muốn đề cử cho chú nó, không phải là họ tín nhiệm ông, nể phục ông, mà để giúp họ gánh vác cái cục nợ kia. Đặc biệt là cụ Nhiên, người hiện đang làm cái chức này được bốn năm. Cái họ ngại là lỡ chú nó làm tốt thì không sao, nếu mà làm không tốt thì người ta lại mang tiếng là đề cử mà không có mắt nhìn. Ai lại đi đề cử một thằng say, thằng hâm vào cái chức quan trọng ấy của làng.

Duy nghĩ thầm “Vậy thì để nó đề cử, để nó gánh tiếng xấu. Trước cũng là để giúp làng, sau cũng là giúp chú nó một chút”. Nó tặc lưỡi đứng dậy, vòng hai tay ra trước ngực mà dõng dạc lên tiếng thưa:

- Kính thưa các cụ trong làng, đứng trước tình hình căng thẳng như thế này, nếu được các cụ đồng ý thì cho con xin có vài lời đóng góp cùng các cụ. Mong là các cụ thương tình mà cho phép.

Cụ Nhiên hiện đang là Trưởng làng, đang chủ trì cuộc họp, thấy có người đứng dậy xin được ý kiến, cũng giúp làm giảm bớt cái không khí đang lúc căng thẳng, cụ vui mừng đồng ý ngay:

- Các ông, các chú yên lặng một tí, ngồi xuống ghế để nghe cậu Duy nói, xem ý kiến cậu ta thế nào rồi chúng ta bàn tiếp.

Các cụ nghe thấy cụ Nhiên lên tiếng thì người nào, người nấy không nói gì nữa, quay lại ghế ngồi của mình mà dỏng tai lên nghe. Duy lúc này mới chậm rãi nói:

- Con biết các cụ lâu nay cũng luân phiên nhau gánh vác việc xóm, việc làng cũng khá là vứt vả. Công việc nặng nề, áp lực lại lớn, việc ma chay, cúng kiếng, việc trên, việc dưới, việc trong, việc ngoài gì cũng phải một thân, một mình gồng gánh. Mà sức khỏe các cụ lại ngày một yếu, nên việc lựa chọn chức Trưởng làng nhiệm kỳ tới đây mới khó khăn như thế. Dù thâm tâm các cụ rất muốn làm tiếp thêm vài nhiệm kỳ nửa nhưng mà “thân bất do kỷ” nên các cụ mới nhường nhau, dẫn đến ồn ào như thế này.

Thấy Duy nêu ra được cái ý sâu xa và có chút đồng cảm, thấu hiểu cho nỗi khổ của các cụ như là việc xóm, việc làng vất vả, đôi lúc không đủ sức gánh vác, “thân bất do kỷ” nên các cụ mới nhường nhau. Xem ra nó cũng khéo dùng lời lẽ, tuy có bóc mẽ các cụ nhưng cũng dễ nghe, nên một vài cụ trong đám đông bên dưới lên tiếng lẩm bẩm:

- Phải, phải.

Duy nhìn thấy các bên dưới không có ý kiến gì. Cụ Nhiên thì đang ngồi giữa để chủ trì cuộc họp cũng im lặng, mà ngớt lên nhìn thấy cái cổ cụ lâu lâu cứ gật gù. Biết các cụ đều đồng tình bước đầu, nên Duy mới nói tiếp.

- Nước một ngày không thể không có vua, việc làng là việc tâm linh, nên cũng không thể một ngày thiếu người Trưởng làng. Cụ Nhiên đến nay cũng đã làm được hai nhiệm kỳ là bốn năm, tuổi cũng ngày càng cao, bệnh ngày một nặng, đi lại ngày càng khó khăn nên mọi người cũng phải để cho cụ thôi cái chức ấy.

Lúc này, cuộc họp bắt đầu chộn rộn, người lắc đầu không đồng tình, vì sợ cụ Nhiên mà nghỉ chức Trưởng làng, biết đâu người ta lại bầu mình lên gánh vác; những kẻ đồng tình thì đều là con cháu cụ Nhiên, họ mong cụ vứt bỏ nhanh cái trách nhiệm ấy càng sớm càng khỏe. Ngồi phía chính diện điều hành cuộc họp, cụ Nhiên lớn giọng mà cười lên sảng khoái, đồng ý với ý kiến của Duy đưa ra:

- Khà… khà… Cậu nói phải, rất phải, chí lý.

Duy nhìn lên thấy cụ Nhiên vui vẻ, thuận tình thì kính cẩn mà nói tiếp:

- Con thấy chú Chiến đây tuy là dân ngụ cư, mới gia nhập làng ta cũng chỉ được ba mươi năm; tuy không phải là dân gốc nơi này, nhưng lại rất có tâm với làng; việc làng, việc xóm lúc nào cũng có mặt đầy đủ; tuy rằng trước đây thường say xỉn nhưng giờ đã bỏ đi nhiều, điều đó cho thấy bản thân chú đã rất phấn đấu; tuy ít chữ nghĩa nhưng cái này con nghĩ cũng chỉ là thứ yếu, con dân trong làng ta có thể hỗ trợ giúp đỡ khi cần soạn thảo các loại văn bản, giấy tờ. Nên con mạnh dạn tiến cử chú Chiến đây vào chức Trưởng làng nhiệm kỳ tới.

Đến lúc này thì cuộc họp mới bắt đầu nhốn nháo lên, nhiều người bên dưới lên tiếng phản đối:

- Không được! Tuyệt đối không được!

- Ai lại để cái người mà cả đời ở đợ làm Trưởng làng?

- Một kẻ ngụ cư, một kẻ chỉ biết đến chăn trâu, huýt sáo thì làm sao mà làm Trưởng làng?

Cụ Nhiên khá bất ngờ khi nghe Duy giới thiệu ông Chiến làm Trưởng làng, bản thân cụ cũng không đồng tình cho lắm. Nhưng cụ cũng đã làm cái chức này được bốn năm, hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nếu hôm nay mà không bầu được Trưởng làng mới, thì theo quy định cụ phải tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nửa cho đến lúc bầu được mới thôi. Suy nghĩ thiệt hơn, trong thâm tâm cụ muốn tạo điều kiện để Duy trình bày tiếp, biết đâu nhân cơ hội này mà đá đi được cái chức Trưởng làng thì hóa ra lại là may mắn, nghĩ thế nên cụ mới lên tiếng.

- Thôi! thôi! Mọi người đừng cãi nhau nữa, im lặng xem cháu Duy đây nói thế nào, cho cháu nó nói xong thì chúng ta bàn luận tiếp.

Chờ mọi người im lặng, Duy mới lên tiếng:

- Các cụ nói phải lắm, chú Chiến đây đích thực là dân ngụ cư. Mà không phải ba trăm năm trước chúng ta cũng từng là dân ngụ cư cả hay sao? Cha ông chúng ta cũng từ nhiều nơi khác nhau đến đây như Thanh Hóa, Nghệ An… vào cả. Nên bây giờ sao chúng ta phải lấy điều đó ra làm tôn chỉ khi bầu chọn Trưởng làng?

Thấy mọi người điều im lặng, không ai lên tiếng, Duy vẫn giữ dáng điệu kính cẩn, vòng hai tay trước ngực mà nói tiếp:

- Đúng là chú Chiến đây một đời ở đợ, một đời chỉ biết đi giữ trâu thuê cho nhà người ta. Nhưng ở đợ thì đã sao? Chăn trâu thì thế nào? Người dân làng chúng ta nói riêng và người Việt Nam ta nói chung đi lên từ nông nghiệp, bao nhiêu ruộng đồng đều rơi vào tay phú hộ. Người dân thấp cổ, bé họng không có ruộng thì phải đi ở đợ cho địa chủ. Còn chăn trâu, huýt sáo thì chứng tỏ chú Chiến là con người vô tư, không đua tranh với đời, một người lương thiện và có tính nghệ sĩ như thế chúng ta phải ghi nhận, chứ sao lại trở thành tội đồ? Con nhớ không lầm thì trước đây cụ Hiến, cụ Nghị cựu Trưởng làng cũng xuất thân từ chăn trâu và ở đợ cả hay sao?

Đến lúc này mọi người im thin thít, không ai nói với ai câu nào, mà trong lòng lại tức tối, khó chịu. Bởi không ngờ thằng Duy lại đem cả cụ Hiến, cụ Nghị cựu Trưởng làng ra chứng minh cho những lời nói của nó. Hai cụ này khi còn đương chức Trưởng làng, nhân lúc chồng các bà trong làng đi làm ăn xa, mà tranh thủ lợi dụng hí hoáy với vợ nhà người ta, bị các ông chồng phát hiện âm thầm sai người quay video, tung cả cái mặt chình ình lên mạng, từ đó trở thành vết nhơ cả làng. 

Đến lúc này ai cũng sợ Duy, trong lúc này mà bọn họ lên tiếng, không khéo Duy sẽ lôi cả ông cha họ trước đây cũng là những người chăn trâu, ở đợ, rồi đem cả những sai phạm gì đó ra chứng minh cho lời nói của nó, lúc ấy lại càng thêm xấu mặt. Mà ở đời, ai mà chẳng từng dính đến chuyện này, chuyện nọ? Nghĩ thế nên người nào người nấy cũng chỉ biết nhìn nhau tức tối, mà không ai dám lên tiếng.

Cụ Nhiên nghe nó nói cũng có phần tức lắm, mà thật tình cụ cũng mừng thầm. Cụ tức là vì Duy đã khơi lại nỗi nhục của làng Long Tong. Cụ mừng vì cụ biết cụ sắp đá được cái ghế này sang cho người khác. Không cần biết giao cái ghế này cho ai, miễn là cứ thoát được rồi hẳn hay. Nghĩ thế nên cụ lên tiếng, như là một thành phần ủng hộ trung thành của Duy, bởi cụ nghĩ lúc này mà lên tiếng giúp người ta, thì cũng chính là giúp chính ông vậy:

- Tôi thấy cậu Duy đây nói cũng phải lắm. Có những cái theo thời gian cảm thấy không còn phù hợp thì chúng ta cũng nên bỏ đi. Như việc quy định dân ngụ cư, hay người làm nghề chăn trâu, ở đợ… bởi bây giờ là thời đại …chấm… chấm…

- Dạ, là thời đại bốn chấm không cụ ơi!

Cụ Nhiên đang phân vân chưa biết nói thế nào về cái câu mà cụ vẫn thường nghe trên ti vi, báo đài hay nhắc đến. Đang ú ớ chưa biết xử lý thế nào, thì bên ngoài sân đình, thằng Móm đi chăn trâu, nó thấy mọi người tụ tập đông vui nên cũng vào xem, tiện thể nghe cụ cứ “chấm… chấm” mãi mà không hết câu nên nó nói với vào nhắc giúp.

- Đúng, đúng, chính là câu thời đại bốn chấm không. Chúng ta phải thay đổi, phải hòa nhập chung với thế giới, có những thứ thấy không còn phù hợp cần bỏ thì phải bỏ, cái gì cần thay đổi thì phải mạnh dạn thay đổi. Đấy… đấy… mọi người thấy thằng Móm kia kìa, nó cũng đi chăn trâu đấy thôi, nhưng nó giỏi, sớm tiếp cận khoa học công nghệ hơn chúng ta. Thế hệ ông lão như chúng ta đôi lúc phải thẳng thắng nhìn lại để đổi mới tư duy. 

Rồi cụ cười như người đắc thắng, bởi không biết sao hôm nay cụ lại nói năng lưu loát và hay đến thế? Trông cụ chuyên nghiệp không khác gì các ông lãnh đạo cao giọng thường thấy trên tivi. Càng nghĩ cụ càng thấy thích thú và khâm phục bản thân mình.

Những người ngồi bên dưới sau khi nghe sự lý luận sắc bén có phần đả kích của Duy, cùng với sự can thiệp ủng hộ của cụ Nhiên, tiếp đó họ thấy được sự “thông thái” của thằng Móm chăn trâu. Mọi người không còn ai lên tiếng nữa. Cụ Nhiên nhân đó mà nói:

- Vậy tôi đề nghị chức Trưởng làng trong hai năm tới sẽ do chú Chiến tiếp quản, không biết có ai đề cử, ứng cử, hay ý kiến gì khác không? Nếu có thì xin mời cho ý kiến?

Mọi người vẫn tiếp tục giữ nguyên cái không khí im ắng kiểu một nửa đồng tình, một nửa không đồng tình. Cụ Nhiên lần này lại quyết đoán với cái giọng dõng dạc, xen lẫn chút vui mừng:

- Vậy nếu không ai ý kiến gì nữa thì tôi Hoàng Văn Nhiên, nhân danh Trưởng làng cũ, chính thức trao quyền Trưởng làng cho chú Lê Văn Chiến, mời chú Chiến lên nhận nhiệm vụ, có đôi lời truyền đạt đến với bà con trong làng ta.

Ông Chiến đã chờ đợi giây phút này mười năm nay. Ông biết với trình độ lớp ba của mình, thì cái chức Trưởng làng này là mơ ước của cả đời ông. Nhưng rồi bổng ông khựng người lại, đứng dậy, từ tốn nói với lên phía trước:

- Đề nghị mọi người nên bầu người khác làm Trưởng làng, tôi thật sự là dân ngụ cư, một đời ở đợ cho người ta, rồi học hành cũng không được bao nhiêu chữ, nên cái chức này thật sự không phù hợp với tôi.

Nhìn xuống bên dưới, thấy cũng có một số người gật gù cái cổ, nhưng không ai chính thức phát biểu. Một lúc rồi cũng có cụ lên tiếng:

- Thôi, anh Chiến không phải từ chối, việc anh là dân ngụ cư và ở đợ thì chúng tôi không bàn đến nữa, mọi người đều thống nhất tiêu chí là dân ngụ cư không còn phù hợp nên bỏ đi. Còn trình độ thì có thể học được, nhiều người học chưa hết lớp chín mà vẫn có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ, rồi làm ông nọ bà kia, lâu lâu báo chí vẫn lôi ra ầm ầm đó thôi, nên sau khi nhận chức rồi anh học thêm cũng không muộn.

Đến lúc này như gạo đã nấu thành cơm, biết không làm gì được nữa nên mọi người đồng thanh tán thưởng:

- Phải, phải, mai mốt bác cứ bỏ tiền ra đăng ký lớp học tại chức, hay đại học từ xa nào đó, cố kiếm cái bằng đại học, rồi sẽ ai còn dám nói bác chỉ học lớp ba.

Mọi người lúc này mới đồng thanh cười ồ lên, làm cho không khí buổi họp cũng gần gũi hơn. Thấy mọi người đa số đều đồng tình bầu ông lên Trưởng làng, ông Chiến cũng không giả vờ từ chối nữa. Ông dõng dạc bước lên phía trước nói lớn:

- Kính thưa các cụ! Thưa bà con trong làng! Tôi biết trách nhiệm Trưởng làng là một nhiệm vụ nặng nề và khó khăn, người bình thường không thể nào gánh vác nổi, nên không ai dám nhận. Nay bà con đã đồng thuận bầu tôi lên làm Trưởng làng thì đề nghị phải nghe theo sự sắp xếp của tôi, nhằm xây dựng làng xóm ngày càng xanh - sạch - đẹp, hiện đại, khang trang hơn, để sánh vai cùng các xóm làng xung quanh…

Còn chưa dứt câu thì bên dưới cụ Nhiên với Duy đã đứng dậy vỗ tay ầm ầm, thấy thế mọi người cũng theo nhịp mà vỗ theo. Một số người khác thì lại tức anh ách, miệng lẩm bẩm “Mả cha nó chứ Trưởng làng là nhiệm vụ nặng nề, người bình thường không thể nào gánh vác nổi. Ngươi làm như ngươi là siêu nhân, còn bọn tao là hạng tôm tép?”. 

Vậy là ông Chiến được bầu lên làm Trưởng làng như thế đó, nhiều người hài hước thường trêu chọc ông “Mười năm phấn đấu không bằng một câu huýt sáo”. Đúng là thế thật, ông phấn đấu hàng chục năm không ai ngó ngàng để mắt tới, họ xem như ông không tồn tại trong cái làng này. Vậy mà chỉ một tiếng huýt sáo của ông vang lên đúng lúc, mọi người đều nhìn về phía ông. Sau vài câu cãi qua, đáp lại, họ đều đồng thuận bầu ông lên làm Trưởng làng. Ngẫm lại quả thật ông cha ta nói không sai “Ba năm phấn đấu, không bằng cơ cấu một giờ”.

Mời xem các chương:

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: