-
Giỏ hàng của bạn trống!
Sự kiện “đốt sách chôn học trò” diễn ra như thế nào?
27/05/2021
Sự kiện được diễn ra cụ thể như thế nào, mời quý độc giả đọc phần nội dung.
Năm 213 trước Công Nguyên, một yến tiệc lớn được bày ra ở cung Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng đang cùng quần thần dự tiệc. Quan đại thần Chu Thanh Thần đứng ra chuốc rượu trong bữa tiệc, ông ca ngợi sự nghiệp thống nhất của Tần Thủy Hoàng. Bác sĩ Thuần Vu Việt đứng lên phản đối, rồi dẫn các sách kinh điển, lấy chuyện xưa châm biếm ngày nay, phủ nhận công đức của Tần Thủy Hoàng. Việc này làm Thừa tướng Lý Tư nổi giận, ông kiến nghị người nào lấy chuyện xưa kể xấu chuyện nay, làm rối loạn nhân tâm thì phải có cách nghiêm trị. Chủ trương của Lý Tư đối với việc thống nhất quốc gia, củng cố nền thống trị của triều Tần, là có lợi, nhưng ông không đề ra biện pháp cực đoan, hoang đường. Ông chủ trương tất cả các sách, trừ sách lịch sử nước Tần ra, đều phải đem đốt hết, ai còn dám bàn luận về Thi Thư, phải chém đầu, người nào còn cho ngày xưa đúng, ngày nay sai phải xử chém treo ngoài cửa. Tần Thủy Hoàng chấp nhận kiến nghị của Lý Tư. Thế là bao nhiêu sách vở, điển tích văn hóa đã biến thành một đống tro tàn.
Bao nhiêu sách vở, điển tích văn hóa đã biến thành một đống tro tàn
Sau việc đốt sách, các nho sinh càng thêm bất bình, chỉ tích và công kích Tần Thủy Hoàng. Vụ này dẫn đến sự kiện chôn giết học trò.
Tần Thủy Hoàng cuối đời rất mê tín, lại rất muốn mình được trường sinh bất lão. Ông đã nhiều lần phái người đi nước ngoài tìm thuốc trường sinh nhưng đều không tìm được. Tần Thủy Hoàng không yên lòng, liền phái một đội thuyền lớn chở đầy châu báu, lương thực, công cụ và 3000 đồng nam đồng nữ, do Từ Phúc chỉ huy ra đảo tiên ngoài Đông Hải để tìm thuốc. Tần Thủy Hoàng đã phải tốn phí rất nhiều về việc này, nhưng đội thuyền Từ Phúc đã một đi không trở lại.
Từ Phúc được lệnh chở đầy châu báu, lương thực, công cụ và 3000 đồng nam đồng nữ đi ra Đông hải tìm thuốc trường sinh
Trong cung Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng đã hết hy vọng chờ đợi. Lại tin theo mưu kế đi tìm thuốc của Hầu Sinh và Lư Sinh bày ra. Kết quả là lại trở thành trò cười. Khi Tần Thủy Hoàng tìm được Hầu Sinh và Lư Sinh mới biết rằng các nho sinh ở Hàm Dương đã phỉ báng, chỉ trích ông chuyên dùng bọn ngục lại, không coi trọng nho sinh, hạm chuộng quyền thế, tàn bạo thành thói quen. Việc này làm Tần Thủy Hoàng tức giận điên đầu, liền bắt 460 nho sinh có liên quan đến chuyện này đem chôn sống cùng một lúc.
Đó chính là sự kiện “đốt sách chôn học trò” nổi tiếng trong lịch sử. Ngày nay tại thôn Hồng Khánh, cách huyện thành Lâm Đồng tỉnh Thiểm Tây 10 km về phía Tây nam còn có “Khanh nho cốc”, tương truyền là nơi Tần Thủy Hoàng đã chôn sống các học trò.
Cuộc đấu tranh này xuất hiện sau khi nhà Tần thống nhất đất nước là không thể tránh khỏi. Nhưng những người thống trị nhà Tần lại dùng thủ đoạn bạo lực, lửa và kiếm, để tiến hành cuộc đấu tranh chính trị trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng. Kết quả của việc đốt sách chỉ là tàn phá hủy hoại nghiêm trọng kho tàng sách vở văn hóa cổ đại chứ chưa thể có tác dụng làm thống nhất tư tưởng. Chôn học trò cũng chỉ có thể tiêu diệt về mặt thể xác một bộ phận trí thức có chính kiến bất đồng mà thôi nhưng lại dẫn đến sự chống đối của càng đông nho sĩ, chẳng củng cố được gì thêm cho cơ sở thống trị của vương triều Tần.