Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

TIỂU PHÁP SƯ CU RỐT (CHƯƠNG 2)

28/02/2022
TIỂU PHÁP SƯ CU RỐT (CHƯƠNG 2)

Phần 1 - Chương 2

Đúng là cái chữ mà nó đưa ra dễ vẽ thật, vậy là những đứa chưa biết vẽ cái gì, rồi mấy đứa vẽ xấu cũng nhìn theo nó để vẽ theo. Chỉ duy nhất một đứa vốn từ nhỏ bị tự kỷ nên nó không bị chi phối, thích làm theo ý mình. Khi thằng Rốt đến nói nó không nghe, nó đành mặc kệ.

Khoảng một giờ để cả lớp “tự do thả hồn vào nghệ thuật”, cô giáo cũng đã tám chuyện chán chê. Cô đi vào lớp vỗ hai tay bôm bốp rồi lớn tiếng hỏi:

- Nào cả lớp chúng ta làm xong bài tập vẽ chưa nào? Ai xong rồi thì đem lên nộp cho cô xem nào?

Cả lớp đồng thanh đáp:

- Cô ơi cô, em xong rồi ạ!

- Ừ, các em mau đem bài lên nộp cho cô nào?

Các em lần lượt lên nộp bài cho cô giáo, sau khi thu hết bài trên lớp, cô giáo nhìn vào, hai mắt trợn tròn, cô quát:

- Các em đang vẽ cái gì thế này? Ôi… giời ơi, tại sao cả lớp lại vẽ giống nhau như thế này?

Cô giận, cô lớn tiếng hỏi cả lớp:

- Ai, ai trong lớp hướng dẫn cho các em vẽ cái này?

Cả lớp chỉ tay về phía cu Rốt mà đồng thanh nói:

- Dạ thưa cô! là bạn Rốt ạ!

Cô quay mặt sang nhìn về phía cu Rốt, rồi gọi nó đến:

- Rốt lại đây cô hỏi?

- Dạ, cô gọi em ạ!

Cô nhìn chằm chằm vào nó, hỏi:

- Vì sao em lại bảo các bạn vẽ cái này, cái này là cái gì? Giải thích thử xem. 

- Dạ, không phải cái, mà là chữ ạ!

Nó trả lời nhát gừng, đến lúc này thì cô bực mình hét to:

- Vậy đây là chữ gì? Nói nhanh lên.

- Dạ chữ Vạn ạ!

Cả lớp lại nhao nhao nói:

- Dạ đúng rồi cô, là chữ Vạn ạ, bọn em đều vẽ chữ Vạn ạ!

- Tại sao các em biết đây là chữ Vạn?

- Vì bọn em đã đếm đủ mười nghìn dấu gạch ngang rồi ạ!

Đến lúc này thì cái bệnh đau đầu của cô dường như đã tái phát. Dù rằng năm ngoái chủ nhiệm lớp kia, cô chưa hề mắc cái chứng bệnh này. Cô ôm đầu, mơ hồ hiểu được thằng nhóc Rốt đang cố tình đùa cô, bởi cái chữ Tứ khi nãy là do cô nói vui đùa với nó, không ngờ nó biết là cô trả lời sai nên mới đẻ ra cái chuyện này để cà khịa, chơi khăm cô. Như vừa nhớ lại điều gì đó, cô nhìn vào thằng Rớt hỏi:

- Thế bài vẽ của em đâu, đưa cô xem?

- Dạ, em chuẩn bị giấy chưa xong ạ!

Cô cười nhếch mép, nghĩ bụng “phen này có lý do trừng trị nó một phen, cho đứng dựa vách tường một giờ vì cái tội nghịch ngợm”.

- Em vẽ cái gì mà chuẩn bị giấy chưa xong?

- Dạ em vẽ chữ Đại, mà chữ Đại thì rất to, nên cần nhiều giấy để dán ghép lại với nhau, cũng cần nhiều thời gian và giấy hơn cô ạ!

Rồi cô nhìn xuống dưới bàn nó ngồi, nó dùng hồ dán ghép lỡ dở một số tờ giấy A4, trong đó cô thấy mấy tờ giấy quen quen. Cô quay lại sau lưng mình, rồi hỏi:

- Ủa, cuốn giáo án của cô mới đây đâu rồi, có ai thấy đâu không?

Cả lớp chỉ tay về phía bàn học của thằng Rốt, đồng thanh mà nói to:

- Dạ, nó đây ạ!

Cô nhìn xuống thì thấy nó đã quẹt hồ, dán hàng chục tờ mắc lại dính lại với nhau. Cô thốt lên đau đớn, giàn dụa trong nước mắt như vừa mất đi đứa con thân yêu của mình:

- Chết…. chết…, chết tôi rồi. Chiều ni trường kiểm tra giáo án phải làm sao đây? Phải làm sao đây?

Cô giáo thẫn thờ một lúc, lật từng trang giấy vẽ của tụi nhỏ mà như người vô hồn. Rồi cô khựng lại, thấy trên đó có một tờ giấy vẽ khác biệt với những tờ giấy kia, bên trên là hàng trăm nét vẽ nguệch ngoạc không hiểu đang vẽ gì? Như người bị cướp mất hồn, cô cầm lên hỏi:

- Của bạn nào? Vẽ gì đấy?

- Dạ em ạ, vẽ giun ạ!

- Ừ giỏi có sáng tạo, khác biệt với người khác. Cô khen, được một bông hoa đỏ nhé!

Con bé Ái này vốn bị tự kỷ, xưa nay chưa bao giờ được cô khen, nay nghe được cô khen giỏi nó cười vang, nhảy tung tăng, miệng rối rít cảm ơn cô không ngớt.

Còn cô giáo nãy giờ quên mất chuyện phạt thằng cu Rớt cho bỏ ghét, bây giờ nhớ lại định bắt nó vào đứng ở góc lớp, dựa mặt vào tường chịu phạt. Vừa định mở miệng nói, thì cô nhìn ra bên ngoài mẹ nó đã đến đứng bên cửa chờ đón nó. Vậy là bao nhiêu tức tối, ấm ức cô giáo thoát ra kể hết với mẹ nó.

Chở nó về mà trong lòng mẹ nó hậm hực, các cơn lửa giận như đang thoát ra ngoài cơ thể, làm nó ngồi sau mà cảm giác phừng phừng như mình đang sốt. Vừa mới vào tới cửa, mẹ nó vứt cái túi xách lên ghế, đạp cửa cái rầm.

Ba nó nhìn theo điệu bộ kỳ lạ của mẹ nó, không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên hỏi:

- Có việc gì thì em từ từ nói nghe thử, chứ gì mà phải “đá thúng đụng nia” thế kia?

- Anh…, anh tới mà hỏi thằng con quý tử của anh xem, nó lên lớp phá bạn bè trong lớp, lại còn dám chơi khăm luôn cả cô giáo, đã thế thì thôi lại còn xé luôn giáo án của cô giáo nửa. Trời đất ơi là trời…! Kiểu này tôi chết chứ làm sao mà tôi sống nổi đây trời!

- Em cứ từ từ, việc chi còn có đó, để từ từ anh hỏi rõ rồi giải quyết.

Mẹ nó giận dữ, lúc thì ngồi phịch xuống ghế, lúc lại nằm lăn nằm lóc như ăn vạ. Đang lúc này thì có người tới, giọng người phụ nữ bên ngoài hỏi vọng vào:

- Cho hỏi cháu Rốt đã về chưa ạ!

- Đấy đấy, có khách, mẹ hãy bình tĩnh, có gì yên ắng mà tiếp khách cái đã, chút khách về rồi ta nói chuyện sau.

Mẹ nó ngồi lại ngay ngắn, chỉnh lại tóc tai trang phục, bà khách lúc này cũng đi vào tới nơi. Người đàn bà đó là mẹ của Ái, bạn cùng lớp của Rốt, lúc nãy vừa mới được cô khen vì vẽ có sáng tạo. Vừa nhìn thấy Rốt bà ta đã ôm chầm lấy mà reo lên:

- Cám ơn cháu, cám ơn cháu nhiều lắm. Nhờ có cháu hôm nay cháu Ái nhà tôi đã được cô khen.

Thằng Rốt thì như đứng hình, chẳng biết nói gì. Ba mẹ nó thì người này nhìn người kia như muốn hỏi gì đó? Bà khách lúc này mới chậm rãi giải thích:

- Nhờ có cháu Rốt mà lần đầu tiên con tôi được cô giáo khen và tặng hoa hồng đỏ, cháu về vui lắm. Nó nói cười, hào hứng suốt chặng đường đi, cái tính cách khác biệt mà trước đó vốn chưa từng thấy ở con bé. Cháu nó bị tự kỷ nên trước đây lầm lì, ít nói, ít giao tiếp. Vậy mà chiều nay cháu đã thay đổi hoàn toàn. Bác sĩ nói đây là cú kích thích tự nhiên nhất, sẽ là cơ hội lớn để cháu Ái nhà tôi dần bình phục và có hy vọng đuổi kịp bạn bè cùng lứa.

Nghe bà khách nói xong, mẹ nó thì im lặng không nói gì, còn ba nó thì tỏ ra khiêm tốn và cũng rất tự hào:

- Có sao đâu chị, chỉ là việc nên làm. Ở nhà tôi thường giáo dục cháu phải biết làm việc tốt, giúp đỡ bạn bè, vì vậy việc chị vừa nói chỉ là việc nhỏ mà thôi.

- Dạ, cám ơn vợ chồng anh chị rất là nhiều, vì đã giáo dục cháu rất tốt.

Bà khách nói một lúc thì xin phép ra về. Mẹ nó tiễn khách đi rồi, quay vào lúc này trên khuôn mặt xen lẫn một chút giận, một chút vui, một chút hờn, thành ra chẳng giống cái gì. Ba nó thì cười tít mắt, hạnh phúc lắm khi thấy thằng con của ông vừa làm được một việc tốt mà đến Bác sĩ cũng phải bó tay.

Mẹ nó trầm ngâm một lúc rồi lên tiếng:

- Ngày mai cô Út ra Huế, tối nay anh lấy mấy bộ áo quần bỏ vào túi xách, chở nó lên cô Út gửi, mai cô chở nó ra nội ở chơi vài ngày, để em thư giãn một tí. Chứ nhìn thấy mặt nó lúc này em nhức đầu lắm.

Nghe mẹ nó nói thế, ba nó thì im lặng làm theo. Riêng nó thì trong lòng đang mừng thầm, vừa được nghỉ học, được tự do, được rong chơi... Vui như mở cờ trong bụng mà bên ngoài nó không dám thể hiện.

* * * * *

Buổi tối ngày hôm sau nó đã có mặt ở nhà nội, ăn mấy cơm, mệt mỏi quá nó nằm ngủ thiếp đi.

Thời điểm này người dân xóm Cồn Tây, làng Quảng Lại nhà nội nó, mấy hôm nay liên tục phải chịu sự tra tấn của cái giọng bà Liên. Suốt mấy ngày liên tục bà hết đi ra rồi lại đi vào, lúc thì bà ngoảnh mặt về xóm trên, lúc lại quay về xóm dưới, có lúc bà lại xoay lòng vòng bốn phương tám hướng mà chửi đổng.

Mới nghe qua thì bà chửi cha, chửi mẹ cái thằng ăn trộm con gà nhà bà, nhưng chẳng có thằng ăn trộm nào nó chịu đứng ra nhận đích danh là nó trộm, nên thành ra cả xóm đều trở thành đối tượng bị bà chửi. Mà bà chửi đâu phải một mình thằng trộm, mà cả dòng, cả họ nhà nó đều bị bà lôi ra.

Mà nghe bà chửi cũng hay lắm chứ, nếu có thêm cái mỏ làng mà đánh, nghe có vần, có điệu chẳng khác gì khúc hát đồng dao:

“Mã cha mấy đứa trộm gà nhà bà, gà bà nó dữ chẳng chơi, cái lông cái đít nó địt tiên sư ông bố, ông cố nội nhà mày ra thành trăm mảnh mới hả lòng, hả dạ…

Bà rủa cả tổ tiên nhà mày, nếu mà mày ngủ giường: giường nó sập; mày mà ngủ võng, võng nó đứt dây; mày ngủ trên cây, cây gãy nhánh; mày đi gánh phân, phân bay vào mặt; còn nếu mà mày thức, mày cũng mơ thấy ma móc mắt mày ra; mày tắm ở ao mày chết chìm trong chậu; mày đi xe đạp xe đạp đè mày bầm chân; mày đi trên lề đường cây khô rớt xuống gãy cổ; mày uống ngụm nước vào mồm máu đỏ mày phọt ra đằng mũi.

Mày dám đớp thịt con gà của bà hở? Thì ối giời ơi! tóc tai lông lá mày rụng sạch. Bà cuộn lại thành chổi bà quét hố xí í í í í... nhà bà”.

Các cụ nghe chửi thế, thấy cũng động chạm lắm, nhưng cũng tặc lưỡi “Kệ mẹ nó, nó chửi thằng ăn trộm chứ nó đâu có chửi mình”, “nó rủa là rủa thằng ăn trộm chứ đâu có liên quan chi mình”. Thành ra chẳng ai chịu lên tiếng. Mà không nghe thấy ai lên tiếng, tất là không ai chịu nhận mình đã bắt gà của bà, bà lại chửi nhiều hơn, chửi lâu hơn?

Nhà bà Hương, cách nhà bà Liên chỉ đúng năm nhà, nghe bà Liên chửi mà đến ứa ruột ứa gan? Nhà bà cũng mất gà, mà cả cái xóm này, cứ mười nhà thì hết bảy nhà mất gà, mất vịt chứ đâu riêng gì bà Liên? Vậy mà ngày nào bà cũng đưa cái mỏ nhọn như mỏ thằng Xêkô hướng vô nhà bà để chửi.

Không biết lời rủa của bà nó linh nghiệm đến đâu, nhưng thằng Bầu đang đu đưa trên võng, nó cầm theo cái chén với đôi đũa, mỗi lời chửi, lời rủa của bà Liên nó lại gõ theo từng nhịp, rồi cười lên ra vẻ khoái chí. Đột nhiên võng nó đứt dây, nó ngã sóng soài xuống đất, vậy là từ khán giả, fan hâm mộ mà Liên, nó bổng trở thành tên ăn trộm vì ứng với câu bà rủa “mày ngủ võng, võng đứt”.

Từ chỗ lúc nãy bà Liên chửi làng, chửi xóm, chửi thằng ăn trộm dấu mặt dấu tên, bây giờ bà lại chửi đích danh nó. Nó tức, nó nổi quạu, nó lại đứng lên, chống hai tay lên eo chửi tay đôi với bà, người qua, kẻ lại, một tám một mười bất phân thắng bại.

Thằng cu Nô, bạn thằng Bầu đạp chiếc xe đạp đi ngang, nghe thấy một già - một trẻ, một lớn - một bé cãi nhau, nó ngửa cổ lên trời mà cười như nắc nẻ. Nó loạng choạng mất tay lái ngã chỏng vó, chiếc xe đạp đè lên người nó. Vậy là lời rủa của bà Liên lại một lần nữa thành sự thật là “mày mà đi xe đạp, xe đạp đè mày bầm chân”.

Việc thằng Bầu, thằng Nô bị võng đứt, rồi ngã xe ứng đúng với lời rủa của bà Liên. Mà hai thằng này cũng là bạn thân cùng xóm với nhau, cùng thường rủ nhau đi trộm gà thịt. Cũng bởi chúng đang ở cái tuổi “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, mấy cái thứ trộm gà, trộm vịt vặt vãnh không phải bọn chúng thì còn ai vào đây?

Vậy là bà Liên chĩa mũi dùi vào thằng Bầu và thằng Nô mà chửi. Làng xóm nghe thấy bà Liên đã có đối tượng để chửi, ai cũng thở phào nhẹ nhõm, ít ra cũng hết mời ông bà mình lên, dù họ đã chết lâu năm. Dân làng chưa qua cái vạ này, giờ lại gặp cái vạ mới, bởi mới vừa rồi vẫn còn nghe mỗi cái giọng bà Liên, còn bây giờ lại thêm thằng Bầu, thằng Nô, ba cái miệng chụm lại chẳng khác gì cái chợ, tiếng qua tiếng lại liên hồi không dứt. Người nào người nấy đều điếc tai, nhức óc mà chẳng ai dại gì lên tiếng.

Cách nhà bà Liên chừng hơn chục nhà, cu Rốt, cháu nội bà Gái mới từ Đà Nẵng ra chơi từ tối hôm qua. Cu cậu đang mơ màng ngủ ngon giấc, giữa chừng nó bị đánh thức bởi tiếng la, tiếng hét, tiếng chửi rủa. Nó ngồi dậy ngơ ngác hỏi bà nội nó:

- Con nghe như ai đang chửi nhau phải không nội?

- Ái chà, cái bà Liên đầu xóm, bà rủa làng, rủa xóm, rủa cả thiên hạ mấy hôm nay.

- Răng mà cứ chửi mãi thế này thì còn ai ngủ nghỉ đi được? Bực cả mình.

Bà Gái nhìn thằng nhóc non năm tuổi, mà cái giọng nói cứ như ông cụ non, bà phì cười rồi nói với nó:

- Người ta rủa là rủa thằng ăn trộm, có rủa chi mình mà mình xía vô cho rước thêm phiền phức? Một sự nhịn chín sự lành, thêm một chuyện, chi bằng thà bớt đi một chuyện.

- Mà có việc chi mà người ta chửi nhau rứa nội?

- À, bà Liên mất trộm gà liên tục mấy hôm nay, bà nghi ngờ thằng Bầu với thằng Nô bắt tay nhau đi ăn trộm gà của bà, nên bà chửi. Mà cả xóm này ai cũng bị mất trộm gà, chứ có riêng gì bà mất đâu chứ?

- Mà làm thế nào bà biết là do thằng thằng Bầu với thằng Nô trộm?

- Tại bà rủa thằng ăn trộm là “mày ngủ võng, võng đứt”, quả nhiên lát sau thằng Bầu nằm võng bị đứt dây, còn bà rủa thằng ăn trộm “mày đi xe đạp xe đạp đè mày”, lát sau quả nhiên thằng Nô bị xe đạp đè lên người. Mà quả là cái miệng bà Liên linh nghiệm thật, xóm Cồn Tây này thì hai thằng đó thường cùng nhau đi ăn trộm vặt chứ còn ai vô đây nửa.

Nghe thấy bà nội nói, thằng Rốt nằm lăn qua lăn lại trên tấm phản gỗ, rồi ôm bụng cười nắc nẻ. Thấy nó ôm bụng cười giòn tan, bà nội nó thấy lạ nên gặng hỏi:

- Con có chuyện gì mà cười mãi thế, bộ nội nói không đúng à?

Nó nín cười nói:

- Nội nghe kỹ bà rủa kìa? Bà rủa cả buổi sáng, nhiều thế kia thì phải có người trúng chứ?

Đến lúc này thì nội nó mới gật gù:

- Ừ ha, thằng cháu của nội nói đúng ha? Vậy mà nội cứ ngỡ cái miệng bà Liên linh lắm.

- Mà ông ai dám lên tiếng nói bà Liên hả nội? Vậy thì nội để con qua nói cho.

Nội nó nghe nó nói vậy thì bà lên tiếng can gián:

- Thôi thôi! Thằng nhóc con hỉ mũi chưa sạch như mày mà đòi lên tiếng. Coi chừng người ta hắc xì mày bay vô Đà Nẵng giờ đó. Mày ở yên đó nội nấu sáng cho …

Bà nội của nó nói còn chưa hết câu, nhìn lại thì nó đã chạy tọt ra tới ngoài cửa. Nhìn theo thằng cháu nội, bà lắc đầu chỉ biết cười, bởi bà biết dù còn nhỏ nhưng thằng nhóc rất thông minh và cũng có tí phép thuật do ba nó truyền thụ lại. Từ nhỏ tới giờ bà chưa thấy ai bắt nạt được nó, nó không bắt nạt người ta là may mắn lắm rồi, nên dù thấy nó chạy ra bên ngoài một mình nhưng bà cũng chẳng có gì phải lo lắng.

 Chỉ một thoáng nó đã có mặt ngay giữa trận chiến, nó dang tay ra hai bên, ra dấu như yêu cầu hai bên dừng lại. Cả ba người lúc này đang hăng máu, dường như không hề quan tâm đến sự có mặt của thằng oắt con mới năm tuổi. Bực mình nó la lớn:

- Các người im ngay cho tôi.

Cả ba người cãi nhau cả tiếng đồng hồ, hàng xóm không ai dám lên tiếng, tự dưng có thằng nhóc ở đâu chui ra lớn tiếng la lối. Như một lẻ tự nhiên, cả ba người đều dừng lại, lia ánh mắt nhìn về phía nó. Nhưng rồi ai cũng thầm nghĩ “Chỉ là thằng oắt con hỉ mũi chưa sạch, chẳng lẽ mình to đầu lại đi đối khẩu với nó. Nhục!”, rồi cả ba đều xem như nó không tồn lại, tiếp tục chỉ tay về phía nhau mà mắng, mà nhiếc.

Hai bên đang cãi nhau hăng máu, bỗng một tiếng còi dài vang lên, rồi nghe thấy có người la lớn “Công an đang tới, chạy nhanh lên, nhanh, nhanh”. Như một phản xạ tự nhiên, cả ba người nhanh chân người nào người nấy mạnh ai nấy chạy thoát thân. Vừa chạy được mấy bước chân thì lại nghe có tiếng cười khanh khách đằng sau, cả ba nhìn lại thì ra thằng nhóc con khi nảy đang ôm bụng cười lăn, cười bò ra đất.

Cả ba người tức tối lắm, mà thằng nhóc giống như đang đi guốc trong bụng họ, nó dường như biết được thằng Bầu, thằng Nô hay ăn trộm vặt, cũng nhiều lần bị Công an mời lên làm việc, không ít lần chúng bị nhay cho ra bả. Còn bà Liên thì cái máu hay ghi số đề, nên luôn trong tâm thế phòng bị, cứ nghe ai la lên hai tiếng Công an là bà cứ cắm đầu mà chạy, dần dần thành thói quen.

Cả ba người bây giờ mới biết là thằng nhóc đã chơi khăm, tức lắm cả ba người quay trở lại hướng vào nó. Bà Liên tức tối lên tiếng:

- Thằng nhóc con mất nết, mày là con cái nhà ai, lại qua đây mà đùa giỡn với bà, ông tằng ông tổ nhà mày không dạy…ú…ờ…í?

Bà đang lên giọng dạy đời nó thì tự nhiên nghe thấy bà ú a ú ớ, cái miệng bị kéo dài ra như miệng vịt. Nhìn lại thì thấy thằng nhóc một tay bắt ấn, tay còn lại chỉ về hướng bà Liên, miệng liên tục lẩm bẩm cái gì đó. Thằng Bầu với thằng Nô định lao qua dạy cho thằng nhóc một bài học, nhưng thấy thế thì cũng thất kinh hồn vía, thụt lùi lại vài bước chân.

Thấy bà Liên chắp hai tay phía trước tỏ vẻ van xin, nó mới thả tay, miệng cũng thôi niệm chú. Nó chỉ tay về phía thằng Bầu với thằng Nô rồi nói:

- Thế nào hả, các người còn muốn thử cảm giác như bà Liên không?

Thằng Bầu với thằng Nô chắp tay trước ngực, tỏ ra thành khẩn van xin:

- Chú tha cho bọn anh, bọn anh nào dám to gan, lớn mật mà động tới chú. Chú nhóc mà không động tới bọn anh là bọn anh vui lắm rồi. Có chi mong chú rộng lượng mà bỏ qua cho?

Rồi thằng nhóc lại nhìn sang bà Liên lúc này đang ôm miệng, như sợ cái miệng dài ra thêm lần nữa, bà ú ớ:

- Tui, tui rủa hai thằng ăn trộm, chứ đâu… đâu có rủa cậu?

- Thế bà có nhìn thấy hai cậu này ăn trộm gà của bà không?

- Ừ, thì tôi đúng là không nhìn thấy, nhưng mà trời phật linh thiêng, đã để hai cái thằng ni loài cái bản mặt ra, chúng nó gặp xui xẻo đúng vào câu rủa của tôi.

Cậu nhóc lúc này mới cười lớn lên một cách khoan khoái mà hát:

“Nhà tui mới mất bịch sữa, ai mà ăn trộm bịch sữa của tui thì người đó cái lỗ mũi chảy ra sữa”

Nó vừa hát xong, tức thì từ trong lỗ mũi bà Liên những dòng sữa không biết từ đâu tuôn ra thành dòng? Thấy thế thằng Bầu với thằng Nô cười lăn, cười bò. Còn bà Liên một lần nữa lại chắp hai tay trước ngực khóc lóc vang xin nó tha cho cái mạng già của bà, đừng có tiếng tục hành hạ bà nữa.

Hết Chương 2

Xem chương 1:

Xem tiếp Chương 3: sáng 02/3 sẽ up mọi người nhé

 

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: