Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

TẢN MẠN CON CÚT CÚT

30/11/2021
TẢN MẠN CON CÚT CÚT

“Cút cút cụt đuôi…

Ở bụi ở bờ,

ai nuôi mi lớn,

mi bỏ mi đi”

Tôi vẫn nhớ như in trong trí nhớ, đó là câu hát đã gắn liền với tôi từ khi còn rất nhỏ.

Tuổi thơ của tôi những ngày ở Huế gắn liền với cồn cát trải dài hàng chục km, phóng tầm mắt ra xa mới thấy đôi ba bụi cây còi cọc mọc trên bãi cát vàng rực đỏ giữa trưa nắng hè.

Lạ lắm cái thời ấy, anh em chúng tôi dường như không biết đến ngủ trưa là gì, nên tụm năm tụm ba bày trò, đứa kiếm nhựa, đứa kiếm gỗ, rồi cành cây dàn cảnh đánh nhau như trong các bộ phim kiếm hiệp, tiếng bôm bốp của gỗ xen lẫn trong tiếng la hét, tiếng cười khanh khách, làm cho người lớn đang say giấc bị đánh thức bởi đám nhỏ chúng tôi. Kết quả đứa chậm chân bị tét toe mông, đứa nhanh chân thì bị la mắng.

Nhiều lần bị đánh, rồi bị la, chúng tôi kéo nhau ra xa hơn để được chơi cho thỏa thích. Thời ấy, phía sau lưng nhà tôi là bãi cát trắng, lưa thưa vài cái cây hoang dại, nhìn xuống đất cát thấy có rất nhiều lỗ nhỏ bằng hai ba ngón tay, giữa lỗ nhọn hoắt như đỉnh chóp, bóng loáng giống như hình cái nón bị úp ngược. Chúng tôi đào lên, bỏ vào lòng bàn tay, nhìn kỹ là một con vật nhỏ bằng nửa hạt đậu xanh bị đẹt, có phần đầu hai cái càng như con kiến, cái thân mập ú tròn tròn, cái dáng đi ngược dụi dụi vào lòng bàn tay tạo cảm giác nhột nhột. Chạy về hỏi người lớn mới biết là con Cút Cút.

Mỗi buổi trưa sau giờ tan học, tôi lại chạy ra phía sau nhà để tìm bắt con Cút Cút. Bắt nó thì không khó, chỉ cần dùng tay, hoặc cái thìa cơm nhỏ, đào xuống tâm cái lỗ nó là bắt được, vì con cút ở không sâu, mà lỗ thì bé tí bằng hai ba ngón tay. Thời bé thường thích chơi những trò lạ như chổng đít lên trời, dùng miệng thổi vào tổ của cút, cát bay ngược vào cả mắt, mũi, miệng, môi và lưỡi li ti những hạt cát có tí vị mặn của muối (vì sau lưng nhà là biển).

Lần sau thông minh hơn, tôi đào một con Cút, thả vào một tổ Cút khác, nó thụt lùi đào xuống bên dưới, hai con cút gặp nhau, chúng ngoi lên mặt đất, đánh nhau dữ dội để tranh giành "lãnh địa", xem chúng đánh nhau chán chê thì bắt chúng bỏ vào chai thủy tinh. Để tăng độ hấp dẫn hơn, tôi lấy một sợi tóc, cột vào thân con cút, thả vào tổ để câu bắt những con cút khác, cảm giác giống như mình đang câu cá.

Nghịch ngợm hơn, tôi bắt con kiến bỏ vào tổ cút, nó loay hoay mãi cũng không tài nào leo lên được, vì cái tổ con cút được phủ một lớp cát mịn, độ dốc lại cao. Có những lúc con cút phát hiện con kiến, chúng lao ra đánh nhau với kiến, nhìn vui cực kỳ.

Để nhìn thấy những con cút đánh nhau rõ hơn, chúng tôi phải chổng đít lên trời, cúi sát mặt xuống đất, tư thế này khá mỏi nếu chơi lâu. Hoặc là phải nằm bệt cả người xuống đất, phải để mắt chỉ cách con cút khoảng từ từ 20cm - 25cm. Sau buổi chơi, toàn thân lúc nào cũng bê bết bụi đất, lấm tấm những “hạt mè” trên khuôn mặt, dù có phủi cát sạch trước khi ra về.

Về tới nhà, tôi thả chúng vào một cái chuồng được ghép bằng bốn thanh gỗ nhỏ, bên trong đổ đầy cát khô, rồi bỏ con Cút Cút vào đó, sáng mai thức dậy là hàng tá cái lỗ to nhỏ, mịn giống như những cái nón úp ngược, chi chít đẹp mắt đến lạ kỳ.

Thời ấy không tivi, không game, cũng chẳng có đồ chơi gì ngoài cây kiếm nhựa và khẩu súng bắn nước đã hỏng, được mua vào dịp tết nhờ khoản tiền lì xì. Vì thế tuổi thơ thế hệ 7x, 8x chúng tôi phải tự tìm cho mình những trò chơi “ngốc nghếch”, nhưng đó là cả một bầu trời tuổi thơ, dạt dào ẩn hiện mỗi lúc hồi tưởng.

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: