-
Giỏ hàng của bạn trống!
Trận tập kích Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) tiến hành ra sao?
2021-04-19 15:42:52
Trân Châu Cảng là bến cảng nằm trên đảo Oahu, trong quần đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương đầy sóng gió. Đây là căn cứ hải quân và không quân chủ yếu của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cũng là nơi đặt Tổng hành dinh Bộ tư lệnh hạm đội. Ngày 7/12/1941, Nhật bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng, mở đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Vậy lý do nào khiến Nhật hành động như vậy? Trân Châu Cảng là bến cảng nằm trên đảo Oahu, trong quần đảo Hawaii
Từ lâu Nhật đã có âm mưu tấn công Trân Châu Cảng và đó là kết quả của cuộc chiến tranh giành bá quyền ở Châu Á và khu vực Thái Bình Dương giữa Nhật và Mỹ. Trong thời kỳ đầu của cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai, hoạt động bành trướng xâm lược của Đức ở Châu Âu tạm thời thắng thế đã làm tăng thêm mưu đồ của Nhật ở Châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Nhật cho rằng đó là thời cơ hết sức thuận lợi để Nhật tiến hành chính sách Nam tiến, giành lại phạm vi thế lực của các nước Anh, Pháp, Hà Lan ở Đông Nam Á, cướp về tay mình những nguồn tài nguyên phong phú của khu vực này. Tháng 9/1940, Nhật đem quân xâm chiếm Việt Nam và Lào, sau đó bành trướng thêm một bước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đưa ra khẩu hiệu xây dựng cái gọi là “Đại Đông Á phồn vinh”, âm mưu thiết lập một đế quốc thuộc địa rộng lớn của Nhật Bản bao gồm các nước Đông và Đông Nam Á lấy Trung Quốc làm trung tâm. Hành động bành trướng của Nhật làm mâu thuẩn Mỹ - Nhật sâu sắc thêm vì khu vực nam Thái Bình Dương xưa nay vốn là nguồn quan trọng cung cấp cho Mỹ nguồn nguyên liệu chiến lược. Mỹ quyết không thể nào cho phép Nhật tiếp tục thực hiện dã tâm bành trướng của Nhật ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đầu năm 1941, Mỹ - Nhật bắt đầu cuộc mặc cả, nhưng về thực chất cũng chưa giải quyết được vấn đề gì. Tháng 10, những tên trùm phát xít Nhật Bản đã nắm giữ được nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ như Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ Lục quân, Nội vụ… Chế độ chuyên chế độc tài phát xít đã được thiết lập ở Nhật, việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Thái Bình Dương càng được đẩy nhanh hơn. Nhật Bản nếu muốn thực hiện kế hoạch nam tiến, trước tiên phải đập tan hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng đã được giao cho viên tư lệnh liên hiệp hạm đội Nhật Bản, đô đốc Yamamoto vạch ra.
Ngày 26/11/1941, một hạm đội đặc nhiệm dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Nagumo bí mật tiến về phía Trân Châu Cảng. Sáng ngày chủ nhật 7/12, một hàng không mẫu hạm Nhật, bay thẳng tới không phận Trân Châu Cảng, bất ngờ tập kích trên 100 chiến hạm thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hoàn toàn không có sự canh phòng đang treo đậu trong cảng. Một giờ sau, loạt máy bay thứ hai của Nhật gồm 164 chiếc tiếp tục đến tiến công, trút bom xuống sân bay, căn cứ quân sự… trong cảng. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hầu như tan tác hoàn toàn. 8 chủ lực hạm, 3 tuần dương hạm, 3 khu trục hạm, hơn 40 tàu chiến bị đánh đắm hoặc hư hỏng nặng. Ngoài ra, Mỹ còn bị tổn thất 188 máy bay, thương vong hơn 4500 binh sĩ. Chỉ có 2 chiếc hàng không mẫu hạm do đang làm nhiệm vụ tuần tiễu ngoài khơi nên may mắn thoát nạn. Về phía Nhật chỉ mất hơn 20 chiếc máy bay, 5 tàu ngầm, số tử vong chưa đầy 100 người.
Ngày 26/11/1941, Phát xít Nhật bí mật tiến về phía Trân Châu Cảng
Cuộc tập kích Trân Châu Cảng của Nhật Bản mở màn cho cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Ngay hôm sau, Nhật tuyên chiến với Mỹ. Mỹ, Anh tuyên chiến với Nhật; tiếp đó Đức, Italia tuyên chiến với Mỹ. Cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai mở rộng thêm một bước.