-
Giỏ hàng của bạn trống!
Thanh niên Lê Ó với Biệt động nội thành Huế
2016-01-11 13:25:57
Những con người bề ngoài tưởng chừng như vô hại như trẻ chăn trâu, người bán rau, bán rượu… nhưng bên trong họ là những Biệt động nội thành cực kỳ thông minh, mưu trí, đã vận chuyển nhiều vũ khí, tài liệu quan trọng cho tổ chức, từ đó đưa ra nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn, làm thực dân Pháp phải nhiều phen mất ăn, mất ngủ.
Cậu bé Lê Đình Thông, sinh năm 1935 (gốc Điền Hòa, Phong Điền), dù mới 14 tuổi nhưng đã chững chạc, lanh lẹ. Người em cô cậu (lớn hơn 20 tuổi) đang hoạt động cách mạng trong một lần về thăm, nhìn thấy cậu mạnh mẽ, cá tính nên rất ưng ý, xin gia đình cho cậu đi theo cách mạng. Mặc dù là con một trong nhà, bố mẹ không nở rời xa, nhưng vì gia đình vốn có truyền thống giàu lòng yêu nước, nên hết sức ủng hộ. Sau ba tháng huấn luyện, cậu được tổ chức phân công vào Biệt động nội thành Huế, hoạt động bí mật với biệt danh Lê Ó.
Cụ Lê Đình Thông chăm sóc cho vườn cây cảnh
Cậu bé Lê Ó đóng vai đi giữ trâu thuê, ngày ngày cùng bọn trẻ chăn trâu lân la trên các ngọn đồi. Ngoài công việc đưa nhận thư, vận chuyển vũ khí từ bên ngoài vào, Lê Ó còn do thám tình hình của địch trong các đồn bốt, vẽ lại địa hình và chuyển về cho tổ chức.
Lê Ó còn có trách nhiệm đảm bảo thông tin liên lạc, vận chuyển thư từ các cơ sở An Phú, Thủy Tú, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Nam, Bao Vinh vào nội thành Huế, cậu phụ trách một hòm thư chết là ngôi miếu hoang phía đông làng An Phú. Khi người của mình ở bên ngoài có thông tin thì để vào hòm thư, cậu bé Lê Ó ngày ngày đi chăn trâu ghé lấy, chuyển cho tổ chức ở bên trong nội thành và ngược lại. Nói thì nghe đơn giản, nhưng để một tài liệu từ bên ngoài vào tới nội thành, cần qua rất nhiều hòm thư, những hòm thư kia có người khác tiếp nhận và đưa đi, mà những người đưa thư ấy hoàn toàn không biết mặt nhau. Cách giữ thư như thế nào cũng cần đòi hỏi sự khôn khéo, để khi địch phát hiện cũng cần phải tiêu hủy ngay mà không để lại bằng chứng sẽ ảnh hưởng đến cá nhân và tổ chức.
"Biệt động thành Huế" Lê Ó chăm sóc vườn cây do chính mình tạo nên
Chuyển thư đã khó nhưng vận chuyển vũ khí càng cần sự thông minh, khôn khéo hơn. Nhưng với Biệt động nội thành Huế, thì việc vận chuyển vũ khí, đạn dược trở nên dễ dàng nhờ biết tận dụng các ngành nghề truyền thống của người dân quanh vùng để dễ dàng ra vào thành phố: Làng An Thành bấy giờ nổi tiếng về nấu rượu, còn làng Vân Cù thì có tiếng về nghề làm bún; hàng ngày, người dân thường gánh vào thành phố bán, ngay cả bọn lính Pháp cũng thường mua rượu làng An Thành để uống. Chúng ta đổ đạn vào bên trong thùng, đỗ rượu phủ lên, súng thì bỏ vào gánh bún, đậy lá chuối lên; với cách thức ngụy trang như thế chúng ta vừa đi vừa bán, ung dung đi vào thành phố ngay giữa ban ngày mà bọn chúng không hề nghi ngờ.
Biệt động nội thành còn có nhiệm vụ nắm bắt địa hình, vẽ lại cụ thể việc bố trí hầm hào, đồn bốt của Pháp. Với vai trò là cậu bé giữ trâu, đó là công việc khá dễ để tiếp cận, nhưng cái khó nhất là để nắm bắt được quân số của Pháp, bởi cậu không thể vào được bên trong, mà đây mà yếu tố quan trọng để quyết định có những trận đánh lớn vào đồn địch. Có những đồn cậu bé Lê Ó thả trâu loanh quanh cả tháng cũng không thể đếm được quân số của chúng, ngay cả việc chào cờ buổi sáng chúng cũng chỉ cắt cử một Trung đội. Cậu bàn với một chị trong tổ, giả làm người bán rau, nhiều lần tiếp cận được đồn, nhưng cũng chỉ được phép vào bên trong bếp, cứ đến giờ ăn đều bị chúng đuổi ra.“Cái khó, ló cái khôn”, những lần sau vào chị đếm số lượng chậu cơm, nồi canh, để ý một bàn để bao nhiêu cái ghế. Vào đếm khoảng 2-3 lần như thế thấy số lượng giống nhau, sau đó nhân lên, số quân gần như đúng 100%.
Nhờ những tài liệu của Lê Ó cung cấp, tổ chức ta đã nắm rõ cách bố trí phòng thủ, quân số của địch nên chỉ trong thời gian ngắn, quân ta liên tục tổ chức tiêu diệt nhiều đồn bốt của địch. Chúng tức điên, cho quân đi do thám và biết được thông tin người cung cấp tin có tên là Lê Ó. Chúng cho quân truy lùng gắt gao nhưng cái tên Lê Ó vẫn bí ẩn, chúng treo thưởng 2000 đồng Đông Dương cho người cung cấp tin (thời điểm đó cắt đầu tóc chưa tới 2 xu). Một điều chúng không ngờ cậu bé 15 - 16 tuổi mà ngày ngày chúng nhìn thấy bên đàn trâu loanh quanh đồn bốt chúng lại là người chúng đang truy tìm.
Pháp từng trả thưởng 2000 đồng Đông Dương cho người cung cấp tin về Lê Ó
Tháng 2/1952, trong một lần Biệt động nội thành phối hợp với lực lượng vũ trang của Thành phố đánh vào dinh thự của Hà Văn Đông (Nguyên Trung Hiến - Trung Phần thời Nguyễn, sau đi theo Pháp), cậu Lê Ó được phân công nhiệm vụ tập hợp những người buôn bán trong thành phố, kẻ thúng rổ, người giỏ xách, giả vờ như đang xảy ra một cuộc xô xát, tranh giành gần điểm cầu Ga Huế, nhằm cản đường, cản trở sự chi viện của Pháp từ Văn Thánh - Võ Thánh về. Trong đợt này, Lê Ó bị chỉ điểm, bọn Xen Đầm (cảnh sát vũ trang Pháp) nhắm vào vây bắt cậu, nhưng cậu nhanh chân chạy vào đám đông trốn thoát.
Sau khi bị lộ, Lê Ó báo cáo ra tổ chức và được bổ sung vào Đại đội Thân Trọng Một. Hai năm sau, tổ chức đưa ra Bắc công tác. Đến năm 1980 ông về lại Huế, công tác và sinh sống ở Phú Lộc, đến năm 1995 thì nghỉ hưu cho đến nay. Trong thời gian công tác ở miền Bắc, cậu thanh niên Lê Ó may mắn được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Tôn Đức Thắng... Đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất, vẫn còn lưu mãi trong ký ức của ông cho đến lúc này.
Tiến Vinh