-
Giỏ hàng của bạn trống!
Hy vọng thêm một Cây Di sản
2016-01-10 13:03:27
Cây đa Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc), có tuổi đời từ 200 - 300 năm, nằm trên trục đường QL1A, thuộc khu vực Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Ngã ba Ràng Bò - Bến cây đa Đá Bạc, đang được người dân và chính quyền địa phương hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây đa Đá Bạc nhìn từ bên kia đường Quốc lộ 1
Cây đa to lớn với chu vi 18m, tán lá rộng khoảng 35m, rễ chính và rễ phụ cây đa ôm gọn vào 06 hòn đá hoa cương kết thành khối có chu vi khoảng 27m, chiều cao các tảng đá chừng 3m. Dưới gốc cây đa hiện có một miếu thờ Bà Thủy của ngư dân làng Đá Bạc góp công, góp của xây dựng cách đây 120 năm, để cầu cho ngư dân địa phương mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá. Năm 2013, miếu đã được người dân đóng góp, tu sửa mới, là nơi hương khói tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách khi viếng thăm cây đa Đá Bạc.
Gốc cây sần sùi, nhiều rể phụ lớn
Theo lịch sử làng Đá Bạc lưu lại thì làng được thành lập khoảng thế kỷ XV, vào thời Nhà Lê (1470), làng thành lập lấy tên là làng Bạch Thạch, có nghĩa là “đá bạc”; hiện nay, phía ngoài đầm phá Cầu Hai có một hòn đảo nhỏ vẫn còn nguyên 05 hòn đá trắng, lấy ý nghĩa đó đặt tên cho làng, hiện được người dân lập miếu hương khói. Khoảng thế kỷ XVII - XVIII, dân làng Đá Bạc ngày càng đông và đi vào ổn định, để cắm mốc ranh giới giữa làng này với làng khác, các cụ trong làng đã chọn cách cho trồng 3 cổ thụ: đầu làng trồng cây Thụ, giữa làng cây Gõ và cuối làng trồng cây Đa; và bến cây đa Đá Bạc là điểm cuối làng được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 866-QĐ/VH ngày 20/5/ 1991.
Khi tìm hiểu về lịch sử cây đa Đá Bạc, chúng tôi nghe nhiều người dân kể lại: năm 1906, thời thực dân Pháp, để có đường vận chuyển hàng hoá do chúng cướp bóc, vơ vét, khai thác được ở nước ta, chúng tiến hành xây dựng hai tuyến đường giao thông huyết mạch là đường sắt và đường bộ liên thông đầu tiên trong cả nước, địa điểm cây đa Đá Bạc là khoảng đất hẹp nên cũng nằm trên trục đường chúng chọn. Cây đa Đá Bạc to lớn, ngăn ngay giữa tuyến đường đi nên chúng đưa xe cẩu đến cẩu cây đa nhằm giải phóng mặt bằng để xây dựng đường. Nhưng không biết vì lý do gì, liên tục trong ba lần Pháp sử dụng nhiều xích sắt kích thước khác nhau để di dời nhưng cây đa Đá Bạc vẫn “kiên cường” bám đất, xích sắt thì liên tục đứt. Có lẽ vì lo sợ cây đa linh thiêng, thực dân Pháp đã giữ nguyên cây đa và cho xây dựng đường bộ nằm về hướng Đông, đường sắt về hướng Tây, cây đa Đá Bạc nằm ngay giữa hai tuyến đường. Năm 1966, chính quyền Mỹ khi xây dựng lại tuyến đường QL1A, cũng xác định cây đa lâu năm, có miếu thờ linh thiêng nên cũng chỉ cho xé núi để làm đường phía sau am và tránh cây đa như hiện nay.
Am thờ Bà Thủy của ngư dân dưới chân cây đa, nơi nổi tiếng linh thiêng một thời
Bến cây đa Đá Bạc có tiếng linh thiêng, lau sậy um tùm, ban đêm người dân sợ nên ít đi lại, nằm gần núi là địa điểm lý tưởng để Việt Minh quan sát, mặt giáp biển là bến đò nên cũng dễ dàng giấu mình mai phục; các cụ cao niên kể lại trong khoảng thời gian (1910 - 1930) đã nhiều lần nhìn thấyViệt Minh mai phục ném pháo, nổ tan xe giặc và rất nhiều lính Pháp bị tiêu diệt tại địa điểm bến cây đa.
Bến cây đa Đá Bạc còn là bến đò luân chuyển cách mạng qua về hoạt động giữa khu 1, khu 3 và nhiều vùng lân cận như Con Quan, Phú Thứ (Phú Đa) trong khoảng những năm 1946 - 1970. Theo lời kể của cụ Lê Vụ, cụ làm nghề chài lưới nên quanh năm ở dưới nốt, điểm neo đậu nốt của cụ ngay bến cây đa Đá Bạc hiện nay. Vì công việc đánh cá nên cụ thường xuyên đi lại các vùng mà quân Pháp, sau này là Mỹ - Nguỵ không nghi ngờ, nhờ đó mà hơn 20 năm nghề chài lưới, cụ đã nhiều lần luân chuyển các đồng chí cách mạng qua về đầm phá để hoạt động. Mỗi lần sắp đi các đồng chí cách mạng đứng dưới gốc cây đa và ra mật hiệu riêng để cụ biết mà chèo vô. Khi cách mạng có trên nốt thì cụ và các đồng chí phải nguỵ trang bằng nhiều cách như mặc áo dài giả như đi ăn kỵ, giỗ, đám cưới nhằm đánh lừa quân địch.
Nhìn thấy Bến cây đa Đá Bạc là điểm trọng yếu của tuyến đường Bắc - Nam, nơi có nhiều cây cối lau sậy dễ ẩn nấp, là địa điểm lý tưởng để cách mạng hoạt động nên Pháp cho xây dựng một đồn bốt về phía núi (cách cây đa Đá Bạc chừng 500m) thường xuyên có một đội quân canh gác để theo dõi, đàn áp cách mạng. Nhiều đồng chí cách mạng trong quá trình hoạt động bị phát hiện, chúng bắt về ngay dưới gốc cây đa và sát hại; chúng còn dã man hơn là sau khi sát hại còn treo cổ họ lên trên cây đa, nhằm thị chúng, răn đe người dân; có những lúc quân Pháp dùng cây đa Đá Bạc treo cổ hàng chục chiến sĩ cách mạng và dân thường sau khi bị chúng giết hại.
Ngày 22/3/1975, do nắm được địa thế và vị trí quan trọng về quân sự của bến cây đa Đá Bạc nên quân Nguỵ chọn bến cây đa Đá Bạc là điểm ém quân, chốt giữ nhằm ngăn chặn sự tiến công của quân ta nhưng đã bị Sư đoàn 324 (Quân đoàn 2) của ta tiêu diệt, cắt đứt cánh quân của địch trên đoạn đường Quốc lộ 1A từ Ngã ba Ràng Bò đến bến cây đa Đá Bạc.
Ngày 25-26/3/1975, bến cây đa Đá Bạc còn là nơi chứng kiến hàng trăm lính Việt Nam Cộng hoà thất thủ, được luân chuyển từ các xã khu 3 qua bến cây đa Đá Bạc để về trung tâm huyện để giải giáp sau ngày giải phóng.
Ông Đào Duy Thanh - Tổ trưởng Tổ dân phố Đá Bạc chia sẻ: “Cây đa Đá Bạc không chỉ là một chứng tích lịch sử, nó còn tạo nên giá trị kiến trúc, mỹ quan và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của bà con dân làng Đá Bạc. Là điểm dừng chân, nghỉ ngơi lý tưởng của du khách khi đi qua tuyến đường QL1A ”.
Nếu được công nhận thì đây là cây thứ ba được công nhận là Cây Di sản Việt Nam ở Thừa Thiên Huế; sau cây Thị họ Thân Văn ở Thủy Xuân (TP. Huế) và cây Thị ở Làng cổ Phước Tích.
Tiến Vinh