-
Giỏ hàng của bạn trống!
Đề nghị xây dựng cây đa Đá Bạc thành biểu tượng sinh thái - văn hóa - du lịch.
2016-04-24 12:02:42
Đó là lời phát biểu của PGS.TS Lê Văn Thăng, UVTV Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Huế tại buổi lễ công nhận cây đa Đá Bạc là Cây Di sản Việt Nam sáng ngày 23/4/2016.
Cây đa Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) có tên khoa học là Ficus bengalensis, đến nay được 300 năm tuổi, chu vi thân cây 18m, tán lá rộng gần 40m, cao khoảng 25m, rễ chính và rễ phụ cây đa ôm vào 06 hòn đá hoa cương kết thành khối có chu vi khoảng 27m, chiều cao tảng đá chừng 3m. Nhìn từ xa cây đa giống như một cây bonsai tuyệt đẹp do chính bàn tay, khối óc của con người nhào nặn.
Toàn cảnh cây đa Đá Bạc - Cây Di sản Việt Nam |
Chính vì lẽ đó, PGS.TS Lê Văn Thăng tại buổi lễ công nhận đã đề nghị lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc nên xây dựng hình ảnh cây đa Đá Bạc thành một biểu tượng sinh thái - văn hóa - du lịch của địa phương “Tôi thấy cây đa Đá Bạc có một hình dáng hết sức độc đáo, cây sống trên đá nhưng với một hình thế hết sức vững chãi, cân đối về mặt tổng thể tạo sự hài hòa với thiên nhiên xung quanh, tôi đề nghị lãnh đạo huyện nên chụp ảnh tổng thể hình dáng cây, tôn vinh hình ảnh cây đa Đá Bạc thành một biểu tượng sinh thái - văn hóa - du lịch của địa phương.”
Cây đa Đá Bạc không chỉ là biểu tượng trong văn hóa của người Việt (cây đa, bến nước, con đò), mà trong thật tế, thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, cây đa Đá Bạc đã chứng kiến nhiều trận đánh của Việt Minh tiêu diệt quân Pháp, chứng kiến sự thất thủ của Việt Nam cộng hòa, là một biểu tượng “không khuất phục” của người Việt Nam ta khi Pháp ba lần muốn dịch chuyển cây đa để mở đường quốc lộ nhưng bất thành.
Ngay dưới gốc cây đa hiện có một miếu thờ Bà Thủy của ngư dân làng Đá Bạc, được xây dựng cách đây 120 năm, để cầu cho người dân địa phương gặp mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền mỗi lúc ra khơi. Năm 2013, miếu đã được người dân đóng góp, tu sửa mới, là nơi hương khói tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách khi viếng thăm cây đa Đá Bạc.
Mở bia giới thiệu Cây Di sản Việt Nam |
Theo PGS.TS Lê Văn Thăng, hiện cả nước có 2.225 Cây Di sản, nhưng cây đa Đá Bạc rất đẹp so với những cây mà ông được biết, cây đa Đá Bạc có cả “thiên thời - địa lợi”, cây nằm ở trước đường quốc lộ QL1, phía sau giáp với đầm phá nên không gian khá thoáng, là địa điểm chụp ảnh khá đẹp, việc tôn vinh cây đa Đá Bạc vừa có thể phát huy được giá trị sinh thái, văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử và cả du lịch của địa phương.
Tiến Vinh