-
Giỏ hàng của bạn trống!
Vì sao đồng tiền tròn có lỗ vuông?
26/05/2021
Trung Quốc là một trong những nước sử dụng tiền tệ sớm nhất trên thế giới. Dựa vào ghi chép thời cổ đại và khảo chứng hàng loạt các di vật đào được từ trong lòng đất, người ta biết được Trung Quốc đã có trên 3000 năm lịch sử sử dụng tiền tệ.
Trong thời kỳ xã hội nguyên thủy, mọi người sống chung thành các bộ lạc. Lúc đó sức sản xuất còn rất thấp kém, của cải thu lượm được chỉ có thể phân phối bình quân cho mọi thành viên. Khi sức sản xuất phát triển, người ta bắt đầu có sản phẩm thừa, từ đấy nảy sinh nhu cầu trao đổi. Cùng với sự ra đời của chế độ tư hữu, việc trao đổi giữa con người đã chiếm ưu thế.
Lúc đầu là vật đổi vật. Chẳng hạn đem một con dê đi có thể đổi được 40 đấu gạo hoặc 4 tấm da thú. Như vậy một tấm da thú chỉ bằng ¼ con dê hoặc 10 đấu gạo. Việc tính toán và so sánh quả là khó khăn, phức tạp. Chưa kể là người mang dê đi để đổi đấu gạo nhưng người có gạo lại muốn đem gạo đổi lấy dao, cuốc… Vỏ sò thành hóa tệ. Chữ Hán, vỏ sò gọi là bối, cho nên gọi là hóa bối. Nó có giá trị như châu báu nên còn gọi là bảo bối. Cũng do đó mà trong chữ Hán, những chữ nào có liên quan đến của cải hầu như đều có một bộ phận là chữ bối ở trong. Như chữ tài (của cải), bần (nghèo), hóa (hàng hóa), tứ (ban thưởng), cống (dâng nộp), tham (ăn của đút), phí (tiêu phí), mại, mãi (bán, mua)… Về sau thứ vật phẩm đặc thù này được thay thế bằng đồng.
Vỏ sò thời ấy được sử dụng để trao đổi như một thứ tiền tệ
Trung Quốc cổ đại sớm có nghề đúc kim loại. Thời kỳ Thương Chu, đồ đồng đã đạt đến trình độ đẹp và tinh xảo. Kim loại so với vỏ sò thì rắn chắc, dễ mang theo, dễ bảo quản, lại có thể cắt ra từng mảnh nhỏ, nhất là dễ dàng tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau. Dần dần đồng được dùng làm tiền tệ.
Ban đầu, tiền đồng có nhiều kiểu khác nhau, có đồng tiền như hình cái nạo, một thứ công cụ. Có tiền hình khuyên như một thứ công cụ dệt, có tiền hình dáng như con dao, còn có tiền giống như những vỏ sò. Thứ tiền bằng kim loại đồng này được dân gian sử dụng rộng rãi khắp nơi.
Năm 221 trước Công nguyên, Tần thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên. Để thống nhất tiền tệ, ông ra lệnh hủy bỏ tất cả các thứ tiền của địa phương và ban hành một loại tiền mới thống nhất đúc bằng đồng và vàng có dáng hình tròn và có lỗ vuông ở giữa. Đơn vị của loại tiền này là đồng tiền bằng nửa lạng. Cho nên mới có tên “bán lạng tiền”, người sau gọi là “Tần bán lạng”.
Tiền đồng được sử dụng thời Tần Thủy Hoàng cho đến Tuyên Thống
Vì sao đồng tiền lại có hình dạng tròn, ở giữa có lỗ vuông? Người ta suy đoán rằng, vũ trụ quan của người xưa cho rằng trời tròn đất vuông, vì vậy mà Tần thủy Hoàng mới cho đúc tiền hình tròn có lỗ vuông. Cũng có thuyết cho rằng, thời đó, đúc đồng phải dùng khuôn bằng đất sét, lúc lấy tiền từ khuôn đúc ra, bên cạnh đồng tiền thường còn bám những vẩy đồng, cần phải dũa bỏ. Nếu lỗ đồng là hình vuông thì khi dũa chỉ cần nắm một que gỗ hình vuông là đồng tiền không xoay tròn được, tiện cho việc gia công tu sửa nhiều. Điều này cũng có lý.
Loại tiền đồng hình tròn lỗ vuông bắt đầu có từ thời Tần và tiếp tục duy trì hơn 2100 năm, cho đến thời vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Tuyên Thống mới chấm dứt.