Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Xóm Cách mạng, Vinh Giang.

03/01/2016
Xóm Cách mạng, Vinh Giang.

Một xóm nhỏ, chỉ với 25 hộ nhưng trong khoảng thời gian 53 năm (1942 - 1995), có đến 9 đồng chí là Tỉnh uỷ viên, trong đó có 8 đồng chí UVTV Tỉnh uỷ. Đặc biệt, trong một gia đình có tới ba anh em ruột đều là UVTV Tỉnh ủy và trong đó có tới 2 đồng chí là Bí thư Tỉnh uỷ.

2

Cách mạng xóm Phường (thôn Nghi Giang, Vinh Giang, Phú Lộc) chính thức được khởi phát bắt đầu khoảng năm 1925 - 1929, thời điểm đồng chí Nguyễn Đình Sản được đồng chí Lê Bá Dị giác ngộ cách mạng, giao phụ trách tổ chức hội đọc báo ở Nghi Giang, Đơn Chế. Tiếp đó, nhiều đồng chí Lê Tư Minh, Phan Tiến, Trần Phùng, Lê Cương, Lê Hải, Phan Duệ lần lượt được đồng chí Lê Bá Dị, Nguyễn Đình Sản giác ngộ. Năm 1937, ở Vinh Giang ra đời nhiều tổ chức hội như: Hội Ái hữu, Hội Đi cấy, Hội Đá bóng và Hội Một số thanh niên yêu nước được thành lập; nhiều sách báo, tài liệu tuyên truyền của Đảng thông qua các tổ chức hội đến được tay nhân dân làm cho phong trào cách mạng ở Vinh Giang phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng yêu cầu cách mạng, năm 1939, Chi bộ ghép giữa 2 thôn Nghi Giang - Đơn Chế đầu tiên của Vinh Giang được thành lập ở xóm Phường, đánh dấu một bước ngoặt mới của phong trào cách mạng Khu 3 và Phú Lộc.

1(1) (1)

Cán bộ lão thành cách mạng xóm phường ôn lại một thời kỳ hào hùng

Theo ông Phan Mịch (con đồng chí Phan Duệ), xóm Phường tính từ trước năm 1975 thì có tất cả 25 hộ gia đình, nằm dọc trên trục đường nhỏ từ đầu đến cuối xóm dài khoảng 800m, trong đó có tới 24 gia đình là cơ sở hoạt động cách mạng, nổi bật như gia đình ông Phan Duệ, Phạm Oanh, Phạm Mới, Phan Nam, Phan Tiến…và có tới 21 gia đình có người trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng, nổi bật như gia đình đồng chí Lê Tư Minh (8/8 người), ông Phan Duệ (8/8 người), Mệ Mai (9/11 người)…

Trước năm 1975, xóm có 127 người (không kể trẻ em), thì có tới 70 người tham gia hoạt động cách mạng; nếu tính cả những người làm công tác giao liên, tiếp tế lương thực, nấu cơm, giặt quần áo… hỗ trợ cho cách mạng thì cũng gần 120 người, một con số mà chính cụ Dĩnh và ông Mịch cũng khá bất ngờ. Hiện nay, xóm Phường có 17 liệt sĩ, 3 bà mẹ VNAH.

Xóm Phường có Miếu Mệ Môn, nơi có căn hầm ẩn náu bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong thời kỳ hoạt động tại Vinh Giang, Phú Lộc. Xóm Phường còn tự hào có cơ quan Tỉnh uỷ lâm thời Thừa Thiên (1942 - 1945) đóng trụ sở tại nhà đồng chí Lê Tư Minh, cũng là cơ quan ấn loát, phát hành các tài liệu, chỉ thị của Tỉnh uỷ. Năm 1942, để bảo vệ cơ quan đầu não của Huyện ủy và Tỉnh uỷ, đội tự vệ Việt Minh được thành lập ở xóm Phường.

Sau ngày giải phóng, người dân xóm Phường còn tự hào vì có con cháu thành đạt trong công tác các cơ quan Đảng, Nhà nước như nguyên Vụ phó vụ công nghiệp UBKH Nhà nước Lê Tư (con trai đồng chí Lê Tư Minh) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Chỉ - nguyên Tham tán quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Bên cạnh đó nhiều con cháu trong xóm đi làm ăn xa, rất nhiều người thành đạt.

Ông Hoàng Văn Giải, TUV, Bí thư Huyện uỷ huyện Phú Lộc chia sẻ “Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thì xóm Phường là địa bàn tiêu biểu xuất sắc, trong khoảng thời gian 53 năm (1942 - 1995), xóm Phường có 9 đồng chí là Tỉnh Uỷ viên, trong đó có 8 đồng chí UVTV Tỉnh uỷ. Đặc biệt trong một gia đình có tới ba anh em ruột đều là UVTV Tỉnh ủy là Lê Tư Minh, Lê Cương, Lê Hải và trong đó có tới hai đồng chí là Bí thư Tỉnh uỷ. Xóm phường xứng đáng là ngọn cờ đầu trong phong trào cách mạng, là niềm tự hào của xã Vinh Giang và huyện Phú Lộc”.

Tiến Vinh (Báo Thừa Thiên Huế)

http://www.baothuathienhue.vn/DichVu/ThongTin/CapNhat/prints.aspx?NewsID=1-0-43518

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: