Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Vết tích còn lại ở núi Linh Thái

03/01/2016
Vết tích còn lại ở núi Linh Thái

(Dầu tràm Love Baby) - Đường lên núi khá vất vả, cây cối và dây leo chằng chịt, chiều cao từ chân lên đỉnh chỉ 150m. Để lên được tới nơi mất một giờ đồng hồ, vừa đi, vừa phát cây mở đường. Theo thời gian, các dấu tích của núi Linh Thái hiện đã hoang phế.

1(1)

Linh vật Linga được cách điệu (theo người dân là quả khế)

Núi Linh Thái (Vinh Hiền, Phú Lộc) còn có nhiều tên gọi khác là núi Rùa, Cổ Rùa, Quy Kính. Năm 1837, được vua Minh Mạng ban sắc danh là Linh Thái Sơn. Thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), biết ở đây vốn có một ngọn tháp của Chiêm Thành nổi tiếng linh thiêng, chúa đã sai Thủ bạ Trần Đình Ân đốc suất quân lính dựng một ngôi chùa phía đằng sau tháp. Xây xong, Chúa đặt tên chùa là Hoài Vinh và cho mở hội trên núi bảy ngày đêm.

Thời vua Minh Mạng, trong một lần tuần du nhìn thấy quang cảnh hoang tàn, đã cho người tu sửa. “Nay chuẩn cho dựng lên ở núi Thuý Hoa một chùa, một gác, một tháp. Chùa gọi là chùa Thánh Duyên, gác gọi là gác Đại Từ, tháp gọi là tháp Điều Ngự và dựng một chùa, một lầu ở núi Linh Thái, chùa gọi là chùa Trấn Hải, lầu gọi là lầu Vọng Hải để cho tượng Phật có vẻ trang nghiêm cùng với núi cao biển trong, bền vững lâu dài mãi mãi”.

2(1)

Hiện vật nghi là tượng bán thân mất đầu của thần Shiva

Qua khảo sát những công trình đổ nát bằng gạch, cùng một số tảng đá và những gì vương vãi còn sót lại, cùng với những thông tin thu thập được từ người dân sống xung quanh núi Linh Thái, tôi xin đưa ra một số suy luận về những dấu tích thực tế hiện nay còn lại của núi Linh Thái.

Giếng “không đáy”

“Giếng không đáy” được xây bằng gạch Chăm, dù đã bị cây cối che phủ nhưng vẫn nhìn thấy độ sâu hun hút, theo người dân địa phương kể lại ở giếng này, khi thả một quả dừa xuống giếng đã được đánh dấu, ba ngày sau phát hiện nó đã ở ngoài biển!?

Núi Linh Thái hiện còn hai ngôi tháp cũng được xây bằng gạch, với kích thước khoảng chừng 3m x 3m (đã bị sụp đổ nên không rõ chiều cao) và được xây dựng bằng xi măng. Điều lạ là những viên gạch có kích thước lớn giống gạch Chăm, một số viên khá mịn, nhẹ, bền, nhưng cũng có một số viên khá thô, màu không được tươi cho lắm; bên cạnh đó, lại sử dụng xi măng để xây dựng, nên khả năng đầu thế kỷ 20, tháp đã được người Việt tận dụng gạch cũ của người Chăm và cả gạch Chăm đã Việt hoá để xây dựng lại.

banner-16010412424301

Bên trong ngôi tháp, còn có bức tượng bán thân bằng đá. Theo Đại đức Thích Minh Chính - Trưởng Ban đại diện Phật giáo huyện Phú Lộc và nhiều người dân địa phương, đây là bức tượng Phật, song có thể đây là tượng thần Shiva của người Chăm, hoặc là bức tượng của một vị thần người Chăm? Dù tượng đã mất đầu, nhưng vẫn nhìn rõ trên ngực tượng được chạm khắc hoa văn nổi của dải yếm thường thấy ở các tượng thần Shiva, trong khi đó tượng Phật dù của văn hoá Chăm hay Việt đều hoàn toàn không có.

Đối diện tháp là ngôi miếu nhỏ bằng xi măng đã đổ nghiêng, trên còn sót lại dòng chữ Hán, chữ khá mờ nên không còn đọc được. Theo thầy Minh Chính trước và sau giải phóng, người dân địa phương vẫn thường lên núi hương khói, nên khả năng ngôi miếu nhỏ này được xây dựng lại để phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con nhân dân trong vùng. Cách tháp chừng 5m, còn sót lại một toà sen được đục bằng đá nguyên khối, với kết cấu vuông, mỗi mặt chạm nổi ba cánh sen, mỗi cánh dài 30cm, rất có thể cũng từ thời Chăm, bởi hình dáng khá lạ.

“Khế” khổng lồ

Núi Linh Thái còn một “trái khế” lộ thiên bên cạnh hai ngọn tháp, vật mà người dân nhắc đến nhiều nhất khi nói về núi Linh Thái. Qua quan sát, “trái khế” dựng đứng lên trời, có chiều cao 1m, rộng 75 cm, có 8 múi (4 múi to, 4 múi nhỏ), kích thước các múi đều nhau, hai bên có hai lỗ đục lớn khoảng 5cm (do đục để có điểm tựa kẹp vào để cẩu). Tảng đá này có lẽ là cách điệu của linh vật Linga theo truyền thống tín ngưỡng Chămpa và biểu tượng Yoni rất có thể còn ẩn bên dưới lớp đất chưa được khai quật?

Từ những dấu tích còn sót lại hiện nay ở núi Linh Thái, chúng ta nhìn thấy rõ ràng ba dấu tích của ba thời kỳ khác nhau được xây dựng ở vùng đất này, đó là thời kỳ Chămpa (tượng đá không đầu, toà sen, linh vật Linga), thời kỳ hậu Chămpa (những viên gạch kích thước Chăm, được đúc mô phỏng khá thô), thời kỳ hiện đại (tháp và am được xây bằng xi măng). Núi Linh Thái trải qua nhiều triều đại khác nhau với gần ngàn năm lịch sử, chắc chắn sẽ còn nhiều điều bí ẩn đâu đó dưới lòng đất, đang chờ cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu giải đáp.

Tiến Vinh (Báo Thừa Thiên Huế)

http://www.baothuathienhue.vn/DichVu/ThongTin/CapNhat/prints.aspx?NewsID=3-0-46954

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: