Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Nữ Trung đội trưởng quả cảm

14/03/2016
Nữ Trung đội trưởng quả cảm

Cô là một Trung Đội trưởng gan dạ, quả cảm, là người luôn đi đầu, xông pha trên mặt trận khó khăn từ công binh, dân vận, binh vận, địch vận…và đặc biệt trực tiếp cầm súng chiến đấu trong cả hai chiến dịch lớn là chiến dịch Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng quê hương 1975.

Những ngày đầu tháng Giêng, chúng tôi có dịp về thăm gia đình bà Trần Thị Hiếu, 72 tuổi (thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) mà trước đó đã được nhiều đồng chí, đồng đội thời kề vai, sát cánh tự hào khi nhắc đến nữ Trung Đội trưởng Đội Du kích huyện (thuộc biên chế của lực lượng vũ trang), Đội trưởng của một Trung đội “đặc biệt” với hơn 30 người toàn là nữ với tuổi xuân xanh mười tám, đôi mươi…và được nghe câu chuyện bà cùng đồng đội làm công tác binh vận, địch vận năm xưa. Giờ đây, tuy đã ở cái tuổi thất thập, bước chân đã có phần khó khăn, trí nhớ một phần suy giảm, nhưng khi được khơi gợi lại câu chuyện “Đội du kích nữ” thì dường như những kỷ niệm một thời theo Đảng, theo kháng chiến vẫn còn nguyên vẹn, tươi mới trong bà.

Bà sinh ra trong một gia đình bần ngư, tài sản duy nhất của gia đình bà là một chiếc thuyền nhỏ với một tay lưới. Chiếc thuyền ngoài việc nuôi sống gia đình, cha và anh trai bà còn dùng để bí mật vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ cách mạng. Đầu năm 1966, cha và anh trai bị địch phát hiện nên bị chúng bắt bỏ tù, chúng còn cho quân lính phá thuyền, đốt lưới, tài sản quý giá nhất của gia đình bà.

Là con gái độc nhất trong gia đình, dù trước đó bà đã nhiều lần vận chuyển thư từ cho cách mạng, nhưng cha mẹ bà không đồng ý cho con tham gia cách mạng vì sợ con chịu khổ, nhưng với lòng căm thù đế quốc Mỹ sâu sắc, sẵn gia đình có truyền thống cách mạng, giữa năm 1966, bà đã giấu cha mẹ, bí mật đăng ký nhập ngũ. Thời điểm này, nhằm tăng khí thế cách mạng, nêu cao vai trò của nữ giới trong lực lượng vũ trang huyện, đồng thời cũng làm giảm nhuệ khí của địch, cấp trên chủ trương thành lập Trung đội Du kích nữ huyện Phú Lộc, bà được phân vào Trung đội nữ mới thành lập này.

Nu Trung Doi truong1

 Bà Trần Thị Hiếu lúc còn trẻ

Năm 1970, được cấp trên đánh giá là người lanh lẹ, quyết đoán, có tố chất lãnh đạo, bà được cân nhắc làm Trung đội phó, rồi Trung đội trưởng Trung đội Du kích nữ. Trung đội nữ của bà ngoài việc cầm súng chiến đấu như các anh, họ còn phụ trách thêm nhiều nhiệm vụ khác như công tác công binh, dân vận, binh vận, địch vận. Vừa kể, bà vừa cất cao giọng hát đầy khí thế cách mạng mà cũng rất ấm lòng người, chính giọng ca ấy một thời đã làm cho biết bao tên địch lung lạc tinh thần, buông súng về với cách mạng “Về quê hương, anh nay về quê hương mến yêu. Xây cánh đồng vàng thêm lúa reo. Bước lên đường xã hội ngày mai yêu dấu sẽ về với ta. Mẹ chờ anh, em vẫn đợi chờ anh tháng năm. Mong đến ngày nhạc vui ái ân. Sống bên bờ mái chèo, cùng chung Nam - Bắc hai miền ấm no”.

Ngoài những nhiệm vụ được tổ chức phân công, khi về địa phương, bà còn có nhiệm vụ kết nối cơ sở, nghe ngóng tình hình địch và bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo, đồng thời làm trinh sát, chỉ đạo “đội quân tóc dài” chia tốp, hoạt động bí mật ở nhiều xã trên địa bàn toàn huyện. Nhiều lần nhóm bà đi công tác bị địch bao vây, bà quyết định mở đường máu cùng chị em thoát hiểm trong đêm tối, quân địch đến lúc siết chặt vòng vây mới ngẩn ngơ vì không biết bằng cách nào nhóm bà có thể thoát ra được.

Quan điểm trong chiến đấu của bà là “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, chính vì thế, dù ở trong thời điểm khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, bà cũng luôn tiên phong đi đầu, làm gương cho các chị em khác. Có những lúc địch đánh phá ác liệt, bà cùng các chị em phải ăn bờ, ngủ bụi suốt một thời gian dài, nhưng nhờ có một Nữ Trung đội trưởng quả cảm, gan dạ, với một tinh thần thép, ý chí thép, là chỗ dựa tinh thần giúp các chị em vững tâm bám trụ đến giây phút cuối cùng.

Nhìn lại những năm tháng hoạt động cách mạng trên mãnh đất quê hương Phú Lộc cho đến ngày giải phóng, bà tự nhận là một người may mắn vì được tham gia, trãi nghiệm trên tất cả các mặt trận từ công binh, dân vận, binh vận, địch vận…và đặc biệt được trực tiếp cầm súng chiến đấu trong cả hai trận chiến lớn như chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch giải phóng quê hương Phú Lộc và Thừa Thiên Huế 3/1975.

Trung đội nữ du kích của bà dù không được nổi tiếng như nhiều Trung đội nữ khác, nhưng trong tiềm thức các đồng chí, đồng đội từng một thời kề vai chiến đấu, vẫn luôn nhắc đến với niềm tự hào về những “hoa hồng thép” của Trung đội du kích nữ luôn sẵn sàng có mặt, xông pha trên các mặt trận, ở mọi thời điểm khó khăn nhất.

Nu Trung doi truong

 Nữ Trung đội trưởng hiện tại với cuộc sống đời thường

Sau giải phóng, bà trở về sinh sống trên mãnh đất quê hương Phú Hải (Lộc Vĩnh), dù cuộc sống hiện tại cũng gặp không ít khó khăn, các con phải chạy cơm từng ngày, bản thân bà mắc bệnh tuổi già, nhưng với bản chất của một người cách mạng, bà vẫn thường xuyên tham gia các tổ chức xã hội và nhắc nhở con cháu cần phải biết chung tay góp sức cùng cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: