Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Người lính già tiên phong trồng rừng

07/04/2016
Người lính già tiên phong trồng rừng

Là thương binh ¼, nhưng không để hoàn cảnh khuất phục, vượt qua mọi khó khăn ông là người đầu tiên đi tiên phong trong việc trồng rừng phủ xanh đồi trọc.

30 năm làm một người lính

Đó chính là người lính già Nguyễn Văn Phán, 72 tuổi (Lộc Bổn, Phú Lộc), ông tham gia làm cơ sở hoạt động của cách mạng từ năm 1958 ở Lộc Bổn, chính thức hoạt động cách mạng từ 1968. Ông thuộc đơn vị Quân đoàn 2, đóng quân từ tỉnh Quảng Trị đến đèo Hải Vân.

Năm 1974, trong một lần hành quân vào căn cứ địa, trên đường đi ông đã dẫm phải mìn, làm ông bị cụt hết nửa chân trái, may mắn trong lần đó có hai đồng chí đi cùng nên ông được cấp cứu điều trị kịp thời.

“Tuy tôi bị cụt một chân trước ngày giải phóng, theo quy định là được xuất ngũ an dưỡng, nhưng tổ chức thấy tôi nhanh nhẹn nên vẫn giữ tôi ở lại quân ngũ, làm thư ký riêng cho đồng chí chỉ huy Quân đoàn 2” - Ông Phán cho biết.

Năm 1979, ông tiếp tục được tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, ông xung phong xin tổ chức cho đi theo để phụ trách công tác hậu cần. Sau đó ông tiếp tục công tác trong quân đội cho đến tận năm 1986 ông mới giải ngũ. Gần 30 năm làm một người lính, những khó khăn nào ông cũng từng trải qua, nên đối với ông dù công việc có khó đến đâu, chỉ cần cố gắng đều có thể vượt qua được.

Giải ngũ về chính thức trở thành một người dân, ông có nhiều thời gian hơn cho việc phát triển kinh tế, công việc mà hơn 10 năm qua ông dành hết sự đam mê với tư cách là một người lính.

Nguoi thuong binh (3) copy

Ông là thương binh 1/4

Tiên phong trong việc trồng rừng

Năm 1976, để có nguyên liệu đốt cho quân đội trên địa bàn tỉnh, Chỉ huy Quân đoàn 2 phát động anh em trong quân ngũ xung phong đảm nhận. Lúc đó cuộc sống còn khó khăn, đường xá, phương tiện đi lại chưa có nên mọi người không ai dám nghĩ đến; bản thân ông cũng không nghĩ vài chục năm sau rừng sẽ có giá trị như ngày hôm nay. Nhưng là một người lính, ông tin vào lời dạy, lời khẳng định của Bác “rừng vàng, biển bạc”, cộng với sự nhạy bén trong làm ăn kinh tế ông tiên phong phát núi, mở đường, nhận nhiệm vụ mà cấp trên giao.

Ông kể về những khó khăn ban đầu trong việc tiên phong trồng rừng, cũng là giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời người lính của ông. Tổ chức giao cho ông 120 hecta trên chính quê hương ông, nhưng chủ yếu là vùng sát núi, để vào được rừng của ông phải đi xa hàng chục km, để đến nơi phải vượt núi cả nửa ngày trời.

Vì thời gian đi và về quá khó khăn ông phải tính phương án làm lán trại ở lại, công nhân hàng tháng mới về nhà một lần, lương thực nhu yếu phẩm do ông và vợ luân phiên gánh bộ lên tiếp tế.

Sau hai năm nhọc nhằn, đứng nhìn những cánh đồi rừng nhỏ xanh, đều khắp, ông vui mừng vì công lao mình bỏ ra bước đầu cũng đã nhìn thấy được thành quả, ông càng vui mừng hơn vì làm tròn trách nhiệm của một người lính, làm tốt sự phát động của Quân đoàn “một người lính là một người dân” để phù hợp với tình hình lúc bấy giờ.

Năm 1998, đồng chí Vũ Thắng, Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ về thăm, nhìn thấy những cánh đồng xanh bát ngát, thẳng hàng thẳng lối, đồng chí vui mừng và giao đất rừng chính thức cho ông là 120 hecta, ông trở thành chủ sở hữu mãnh đất đó cho đến ngày hôm nay.

Trên mãnh đất ấy được ông trồng đủ các loại cây như bạch đàn, keo, keo lai, sao đen, tràm năm gân, tràm trà…Thu nhập hằng năm đã trừ đi các khoản chi phí ông kiếm được chừng 500 triệu đồng, một khoản thu nhập khá lớn mà 40 năm trước ông không bao giờ dám nghĩ tới.

Nguoi thuong binh (4) copy

Ông Phán đi thăm rừng của mình

Ông Hoàng Thanh Long - Chủ tịch Hội Người Khuyết tật huyện Phú Lộc, một trong những tổ chức mà ông tham gia sinh hoạt cho biết “Ông là một người lính gương mẫu, chỉ cần còn đủ sức khoẻ, ông sẽ không ngừng cố gắng làm việc, ông không chỉ là người lính cụ Hồ trong thời chiến, mà còn là người chiến sỹ trên lĩnh vực phát triển kinh tế trong thời bình, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: