Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Người chiến sĩ cách mạng góp phần viết nên lịch sử nhà tù Phú Quốc (Phần 1)

2016-01-17 02:33:10
Người chiến sĩ cách mạng góp phần viết nên lịch sử nhà tù Phú Quốc (Phần 1)

Có lẽ cụ là người duy nhất hai lần đào hầm vượt ngục ở hai nhà giam khác nhau. Cuộc vượt ngục đầu tiên ở nhà lao Đà Nẵng thất bại. Rút kinh nghiệm đó, cụ tiếp tục tổ chức cuộc vượt ngục “huyền thoại” bằng hầm đầu tiên ở Phú Quốc, cuộc vượt ngục ngày 21/1/1969 đã góp phần làm nên lịch sử cuộc chiến đấu không khuất phục ở nhà tù Phú Quốc.

Cụ Hồ Quốc Phú, sinh năm 1927 ở làng Bàn Môn (Lộc An, Phú Lộc), trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở vùng nông thôn của tỉnh Thừa Thiên Huế (4/1930). Chính lẽ đó, nên gia đình cụ sớm giác ngộ cách mạng. Cha cụ tham gia hoạt động trước năm 1945, từng là Trung đội trưởng cảnh vệ huyện Phú Lộc, mẹ là cơ sở cách mạng suốt những năm chiến tranh.

Năm 1948 cụ cũng gia nhập bộ đội địa phương. Năm 1954, cụ được tổ chức cho ra Bắc, học ở trường lục quân Sơn Tây. Năm 1959 được điều trở lại miền Nam giữ chức Đại đội trưởng Đại đội vũ trang tuyên truyền của ba huyện phía Nam (Phú Vang, Hương Thuỷ, Phú Lộc), gọi là Đại đội nhưng thật ra lúc đó chiến tranh nên biên chế cán bộ khá ít, chỉ khoảng 12 - 14 người.

Cu Ho Quoc Phu (2)

 Cụ Hồ Quốc Phú kể chuyện với phóng viên

Cụ Phú còn nhớ năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm bắt ép thanh niên Khu I tập hợp nhằm tuyên truyền chính sách mị dân của chúng. Biết trước thời gian chúng tổ chức, cụ chỉ đạo các chiến sĩ trong đại đội chuẩn bị cờ, vũ khí đứng xen lẫn trong lớp thanh niên. Chờ đến lúc thanh niên tập trung đông đủ, tên chỉ huy thân pháp bước lên bục, cụ Phú ra hiệu các chiến sĩ của ta đồng loạt lao ra khống chế, bắt trói người của chúng. Chúng ta giương cờ cách mạng, tuyên bố chế độ của Diệm là bất hợp pháp, tuyên truyền nhân dân không nên nghe những lời xuyên tạc và kêu gọi thanh niên cùng theo cách mạng, giải phóng áp bức khỏi chế độ của Pháp - Mỹ. Trong trận đó có hơn 30 thanh niên địa phương tự nguyện theo chúng ta.

Năm 1959 - 1961, cụ được Tỉnh uỷ cử qua Lào làm công tác huấn luyện bắn súng, cung, nỏ, cách vót chông, đặt chông, đặt mìn….và cách thức bố trí trận địa, chiến đấu du kích cho bộ đội địa phương nước bạn Lào.

Năm 1962, được phân về lại Phú Lộc làm Huyện đội trưởng Phú Lộc, đến năm 1966 quân ta đánh nhau với địch, cụ nhận được tin đưa thêm hai đồng chí lên tiếp viện, nửa đường bị địch phục kích, một đồng chí của ta hy sinh, cụ và một đồng chí khác bị thương và bị bắt ở Thôn Nam (Phú Lộc).

Chúng chuyển vào giam ở nhà lao Đà Nẵng 5 tháng, trong thời gian này cụ cùng một số đồng chí tổ chức đào hầm vượt ngục lần thứ nhất, do chưa có kinh nghiệm nên mở miệng hầm ngay dưới chòi canh của địch. Chúng phát hiện, cụ bị “biệt giam đặc biệt” 3 tháng. Sau chúng đày ra đảo Phú Quốc. Tại đây cụ đã cùng với 20 đồng chí cách mạng khác, tổ chức một cuộc vượt ngục “huyền thoại” bằng hầm đầu tiên ở Phú Quốc vào ngày 21/1/1969. Đường hầm vượt ngục đầu tiên của nhóm cụ Phú cũng chính là chiến công thần kỳ, của các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại Nhà tù Phú Quốc, đồng thời trở thành nỗi ám ảnh của địch ở trại giam này, mở đường cho hằng trăm chiến sĩ cách mạng khác sau này tiếp bước vượt ngục thành công bằng hầm.

Sau khi vượt ngục ra được bên ngoài, cụ liên lạc với tổ chức cách mạng ở Phú Quốc, cụ được phân công làm Tham mưu trưởng huyện đảo Phú Quốc. Cụ vẫn còn nhớ một kỷ niệm vui ở Phú Quốc, đó là lúc mới ra khỏi tù và nhận nhiệm vụ, cụ tổ chức anh em chiến sĩ đánh vào đồn Nguỵ ở Phú Quốc, bắt được tên Thiếu uý Nguỵ, lấy được khẩu súng cối M72, người dân Phú Quốc thấy cụ mới ra tù nhưng lại quá “máu lửa” nên đặt cho cái biệt danh là “ông già mạnh mẽ”.

Cu Ho Quoc Phu (5)

Cụ Hồ Quốc Phú (X) trong đợt trao trả tù binh năm 1973 tại Quảng Trị

Năm 1972, cụ tiếp tục đưa quân âm thầm đánh chiếm vào đồi Cây Thông, nơi địch đóng quân và cất dấu vũ khí, do bị tấn công bất ngờ bọn địch phải bỏ chạy thoát thân, chúng ta thu được một số lượng chiến lợi phẩm là 1 súng phóng rocket và 2 thùng vũ khí.

Ba năm công tác ở Phú Quốc, cụ đã nhiều lần chủ động đưa quân đánh Nguỵ, đem lại lợi thế chiến trường để cách mạng ở Phú Quốc phát triển mạnh, nên ở Phú Quốc trong thời điểm đó bên trong trại giam thì địch làm chủ, nhưng bên ngoài chúng ta đã làm chủ được tình hình.

 Nhờ có nhiều chiến công, trong năm đó cụ được tổ chức tin tưởng phân công qua Miên (Campuchia) chỉ đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Long Châu Hà mới thành lập (nay là một phần của An Giang và Kiên Giang). Đến năm 1974, được phân công về làm Huyện đội trưởng Phú Lộc cho đến lúc nghỉ hưu. (còn tiếp)

Tiến Vinh

 

Cuộc vượt ngục huyền thoại ở Phú Quốc (Phần 2)

 

 

 

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: