Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Ký ức về những cái Tết

11/01/2016
Ký ức về những cái Tết

Ghé thăm người chiến sĩ cách mạng, lúc ông đang chăm sóc cho hàng chuối sau nhà, tôi được nghe kể lại nhiều cái Tết Nguyên đán vui, buồn, đầy kỷ niệm trong những năm kháng chiến mà thế hệ các ông từng trải qua.

Gặp người chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Khanh, 73 tuổi, quê gốc xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc (nay về sống ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc). Ông thoát ly tham gia cách mạng từ 1964, được tổ chức đưa lên núi đào tạo tại Trường A1 (Nam Đông). Sau đó, kinh qua nhiều chức vụ gắn liền với cơ sở như là cán bộ Binh địch vận, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó ban Tổ chức Huyện ủy... Vì công tác binh địch vận (vận động người của địch theo giúp đỡ ta) nên địa điểm công tác của ông chủ yếu là ở căn cứ và thường xuyên về cơ sở để làm công tác.

Công việc của ông là bí mật xây dựng cơ sở cách mạng, từ đó tận dụng các mối quan hệ để làm công tác binh địch vận. Hỏi về những cái Tết Nguyên đán của người chiến sĩ cách mạng khi ở căn cứ trong những năm chiến tranh. Ông mở đầu câu chuyện “Tôi có gần 10 cái tết trong thời gian hoạt động, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất cũng là thời điểm khó khăn nhất. Thời ở trên núi (căn cứ) cực khổ lắm chú! cấp trên cũng tổ chức cho anh em ăn tết, gọi là ăn tết cho có không khí vậy thôi, chứ thiếu thốn đủ bề, thiếu muối, bánh trái, lương thực…nhưng cũng có nhiều ký ức đầy nước mắt và những cái tết hạnh phúc không thể nào quên”. Vừa nói ông vừa từ từ lục lại ký ức và bắt đầu kể theo mạch cảm xúc của mình.

Những năm 1966 - 1969, ông ở căn cứ Lộc Thủy (Phú Lộc) là những năm vô cùng khó khăn, bởi trong lực lượng ta có một người bị địch chiêu hồi, nó dẫn đường cho địch phá rất nhiều cơ sở của ta, những con đường chúng ta thường đi về cơ sở bị địch cài mìn, nhiều chiến sĩ hy sinh, việc đi lại tiếp tế lương thực trở nên vô cùng khó khăn. Trong khi đó, muối rất cần thiết cho ta thì bị địch quản lý hết sức gắt gao, chúng đưa quân ra chợ lùng sục, bắt bớ, tra khảo tất cả những người nào mua nhiều muối, từ đó tra lần ra mối quan hệ với ta. Vì thế, chúng ta thường xuyên bị khủng hoảng muối và lương thực.

20151219_155028

 

Cụ Lê Hồng Khanh kể về những cái Tết thời chống Mỹ - Ngụy

Tết năm 1967, để có lương thực đảm bảo đầy đủ nhất cho các anh em ăn tết, cấp trên họp phân công mọi người tỏa đi săn bắn, tìm kiếm thêm trái cây rừng, nhằm có thêm lương thực đáp ứng đầy đủ cho anh em. Sau một ngày, các anh em đưa về rất nhiều thú rừng như vượn, dột, khỉ…nướng lên một mùi vị thơm phưng phức, mặc dù thiếu muối nhưng các anh em cũ vẫn ăn ngấu nghiến rất ngon lành. Với ông thì đó là một bửa “đại tiệc” của đơn vị, một ngày Tết no căng chẳng thể nào quên được.

Lần khác có ba chị đảng viên nữ ở cơ sở tự làm gửi lên tặng một thùng bánh xoài, mục đích để dành tặng các anh em ăn tết, nhưng vì điều kiện vận chuyển khá khó khăn nên các chị làm gửi lên trước đó một tháng, cấp trên giao cho một anh lính mới phụ trách hậu cần quản lý. Ngày mồng Một tết, các anh trong Thường vụ qua thăm, chỉ huy yêu cầu anh lính vào lấy bánh ra mời lãnh đạo Huyện ủy. Nhận được lệnh, nhưng anh cứ ậm ờ…chân không nhấc nổi…chỉ huy thấy lạ…tưởng anh không nghe, nhắc thêm lần nữa nhưng to hơn - Chú vào dọn bánh ra mời các anh! Anh lính run rẩy…- Dạ…! dạ…!, em thưa anh, mấy ngày trước đói quá em lỡ ăn hết rồi ạ! Chỉ huy nghe thế rất tức giận nhưng cũng không nhịn được cười, các anh trong Thường vụ nghe thấy thế cũng cười theo. Vì anh lính này vừa mới thoát ly từ cơ sở lên nên chưa quen với cuộc sống thường xuyên thiếu muối, đường, lương thực nên khi được giao quản lý cả thùng bánh xoài ngon ngọt anh đã không thể kiềm chế được.

Đôi mắt hơi buồn, ông tiếp tục kể về kỷ niệm buồn nhất của cả đơn vị về cái tết năm 1969. Tổ chức điều hai đồng chí Xã đội trưởng hai xã Thế Lộc và Mỹ Lộc về địa phương nắm tình hình địch, đồng thời tiếp nhận lương thực từ bà con cơ sở gửi lên, không may sau khi về đến cơ sở của ta thì hai đồng chí bị lộ, nhận được tin báo, các anh chọn phương án rút lui sớm về căn cứ, nhưng trên đường đi các anh đã hy sinh. Khi nhận được tin, các anh em đơn vị ai cũng đau buồn; đó cũng là một cái tết bi thương nhất mà đến nay ông và đồng đội vẫn còn nhớ mãi.

Hạnh phúc nhất với ông có lẽ là Tết năm 1968, để chuẩn bị lực lượng tấn công trong đợt Tết Mậu Thân, tất cả quân lực trên địa bàn huyện của ta đều tập trung về Khu 3 để chuẩn bị tấn công toàn cục chiến trường Khu 3 giành lại chính quyền. Để dễ dàng ém quân chúng ta chia nhỏ từng tốp ẩn giấu trong các gia đình là cơ sở cách mạng của ta. Anh em mỗi người một nơi, riêng ông về cơ sở ở thôn Nghi Giang (Vinh Giang). Ngày tết, ông nằm dưới hầm, gia đình cơ sở chuyển xuống cho ông một chiếc bánh chưng và một chiếc bánh xoài, nhìn thấy bánh chưng, mà cảm giác ông lúc ấy thật sự quá hạnh phúc, ông chỉ muốn la lên thật to vì sung sướng, bởi sau nhiều năm giờ mới thấy được hương vị tết cổ truyền đúng nghĩa tại mảnh đất quê nhà…

Đến bây giờ, dù trãi qua bao nhiêu năm được sống trong thời bình, trãi qua biết bao nhiêu cái Tết đầy đủ cùng người thân, cùng đồng đội, nhưng ký ức về thời gian khó, “hương vị Tết” vui, buồn về những ngày hoạt động cách mạng vẫn còn mãi trong ông. “Với tôi, nhớ về những thời gian khó, giúp cho bản thân mình biết trân trọng cuộc sống này hơn” - Ông tâm sự, như một lời răn dạy với thế hệ trẻ.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: