Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Giải mã Linh Thái sơn

10/01/2016
Giải mã Linh Thái sơn

Từ trước tới nay, chúng tôi đã nhiều lần điền dã Linh Thái sơn, phát hiện nhiều bức tượng bằng đá nhưng chưa thể giải mã được. Tiếp tục điền dã, củng cố tài liệu chúng tôi đã may mắn có được những giải mã khá chính xác về các tượng đá đó.

Những ngày đầu tháng 6, đoàn khảo sát liên ngành của chúng tôi gồm Ths.Nguyễn Văn Quảng - Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế cùng Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Huế, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Phú Lộc phối hợp với chính quyền xã Vinh Hiền tiến hành khảo sát phế tích núi Linh Thái. Trong chuyến điền dã chúng tôi đã tìm ra những lời giải cho những bức tượng đá bấy lâu còn nhiều nghi vấn; đồng thời, cũng tìm được một số dấu tích mới mà lâu nay các nhà khảo cổ chưa tìm ra.

1 (1)

Tượng đá Nữ thần bốn tay mất đầu được tìm thấy tại núi Linh Thái.

Giải mã đá sa thạch ở Linh Thái sơn

Bài viết của Tác giả Nguyễn Xuân Hoa có tựa đề “Dấu tích cổ tháp Chăm-pa trên núi Linh Thái” được đăng trên tạp chí Liễu Quán số 4 (1/2015) có trích dẫn ghi chép của H.Parmentier (1871-1948), nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm-pa cổ xưa, có đoạn mô tả các cổ vật bằng đá sa thạch còn xót lại thời điểm đầu thế kỷ XX; tôi chỉ xin dẫn chứng đến những cổ vật hiện đang còn ở phế tích Linh Thái. Về hai trụ đá, tác giả trích “Có hai trụ cửa khắc chữ, chiều cao còn trông được là 1,52m, ba mặt được khắc chữ rộng 0,27m…bi ký gồm mỗi mặt 40 dòng”; như vậy, về hai trụ đá chúng ta đã rõ đó chính là hai trụ cửa của người Chăm-pa xưa hiện vẫn đang còn nguyên.

Về tượng bán thân mất đầu, tác giả trích “Pho tượng ngồi xếp bằng, có 4 tay, hai tay trước duỗi ra trên đùi, hai tay sau đưa lên cao, 4 tay cầm 4 báu vật rất rõ rệt…Mũi tẹt, mồm cười mĩm, mép vễnh lên. Tượng khoác chiếc váy, trang trí vòng hạt chuỗi phủ lên hai lớp quần ngắn trên đầu gối. Trước váy, rũ xuống một lá tọa kép. Đầu đội mũ nhọn, hơi nghiên ra phía trước”. Từ tư liệu đó, kết hợp với tài liệu của Thạc sĩ Nguyễn Văn Quảng, người cùng đồng hành với chúng tôi trong chuyến điền dã hé lộ được bức tượng bán thân Chăm-pa còn lại ở Linh Thái chính là tượng Nữ thần bốn tay của người Chăm-pa, nó giống như bức tượng được tìm thấy ở di tích Tháp Mẫm (Bình Định).

1 (2)

Tượng Nữ thần bốn tay ở Tháp Mẫm (Bình Định).

Cuối cùng là tọa sen vuông 8 cánh và phiến đá nhọn được đẽo 8 búi mà người dân cho rằng đó là quả khế. Theo Ths. Nguyễn Văn Quảng, trong chuyến điền dã trước, đoàn của anh đi đã thử nâng tảng đá “quả khế” ướm thử trên tọa sen thì nó rất vừa khít nhau, nên anh cho rằng hai vật này chính là đỉnh tháp Chăm-pa cách điệu hình búp sen, 4 lỗ nhỏ được đục xung quanh chính là 4 điểm để đặt những viên đá sáng nhằm trang điểm thêm cho đỉnh tháp. Dù lời giải đáp khá hợp lý, nhưng tôi chưa thật sự đồng tình lắm với quan điểm trên, bởi khi ghép lại nó trở thành hình khối trụ, nó giống như Linga - Yoni cách điệu hình hoa sen đã được tìm thấy tại Thánh địa Mỹ Sơn. Để có lời giải đáp, tôi tìm tòi, đối chiếu các di tích Chăm-pa được phát hiện ở Việt Nam và đã tìm ra câu trả lời mà cả hai đều thỏa mãn, đó đích thực là một đỉnh tháp hình hoa sen; đồng thời, cũng là một Linga-Yoni, biểu tượng phồn thực trong văn hóa tín ngưỡng người Chăm; hoa sen là biểu tượng cho yếu tố âm - sinh thực khí nữ, phần chóp tháp là biểu tượng cho yếu tố dương - sinh thực khí nam. (giống biểu tượng chóp của Tháp Nhạn, Phú Yên).

2 (1)_1

Linga-Yoni hình hoa sen được tìm thấy (được lắp ghép trên máy tính) tại Linh Thái.

2 (2)

Linga-Yoni hình hoa sen được tìm thấy tại Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).

 

 

Phát hiện “phế tích dưới lớp đất”

Ths.Nguyễn Văn Quảng cho biết, trên đỉnh ngọn núi thứ hai của Linh Thái sơn cũng có nhiều dấu tích của gạch đá, có lần anh đã cùng các thầy trong Liễu Quán-Huế đi đến đó. Các anh em trong đoàn ít nhất cũng 2 - 3 lần điền dã Linh Thái, ai cũng nghĩ mình đã đi hết phế tích của Linh Thái sơn, nên cứ đến điểm phế tích được phát hiện lâu nay là quay về; nên khi nghe vậy, chúng tôi quyết tâm mở đường đi về phía ngọn đồi thứ hai, trên đoạn đường đi chúng tôi bắt gặp nhiều gạch Chăm-pa nguyên gốc Chăm rãi rác trên tuyến đường đi, còn thấy nhiều khu đất nhỏ bằng phẳng, nhưng không thấy cây cối mọc, quét đi lớp lá khô hiện nguyên hình là lớp nền được sắp xếp bằng gạch Chăm.

Đi xa thêm một đoạn mà trước đó đoàn Thầy Quảng cũng chưa từng tới, chúng tôi phát hiện một cái hố rộng, sâu khoảng 2m2, cây cỏ chưa bao phủ nhiều nên khả năng hố mới được đào gần đây, nhìn lát cắt của hố dày đặt những lớp ngói liệt bị vỡ, trong đó có cả những viên ngói âm dương cho thấy phế tích ở địa điểm này khả năng là của người Việt. Đặc biệt, xung quanh hố có một bãi đất trống, bằng phẳng khoảng hơn 100m2, dù hoang phế lâu năm nhưng những cây lớn không mọc lên được mà chỉ toàn cỏ tranh. Từ đó, chúng tôi suy đoán bên dưới có thể là nền móng của tháp hoặc các lớp gạch ngói nhiều nên cây không thể bén rễ.

Lâu nay, chúng tôi nghĩ phế tích núi Linh Thái chỉ nằm một cụm nhỏ ở (núi 1), nhưng qua điểm phát hiện mới lần này thì nền móng phế tích ở (núi 2) là khá lớn, chúng tôi có cách nhìn thực tế, toàn diện hơn; bởi di tích Linh Thái giờ không còn ở một điểm nhỏ ở một đỉnh núi, mà nó trở thành một quần thể di tích rãi rác ở nhiều điểm khác nhau bao quanh cả ngọn núi. Và, biết đâu được, ở nơi nào đó xung quanh núi Linh Thái, nhiều phế tích khác còn ẩn dấu và đang chờ được phát hiện?

Tiến Vinh

102

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: