Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Định kiến xã hội nhìn từ một gia đình sinh con một bề

10/04/2016
Định kiến xã hội nhìn từ một gia đình sinh con một bề

Quyết tâm sinh hai con gái thì dừng, được nội, ngoại hai bên đồng tình ủng hộ, nhưng anh chị vẫn gặp khó khăn vì bị hàng xóm, bạn bè trêu chọc vì sinh ra toàn “vịt giời”.

“Vợ chồng bây còn trẻ cố mà kiếm thằng con trai”

Đó chính là một trong những câu nói mà hằng ngày anh Phan Trọng Cường, 44 tuổi và chị Trương Thị Chất, 42 tuổi (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, TT.Huế) vẫn thường xuyên phải nghe. Lấy nhau năm 1994, đến năm 1999, anh chị liên tiếp sinh hai cô con gái. Vì kinh tế gia đình khá khó khăn, được cán bộ dân số xã động viên, lại được ông bà hai bên nội, ngoại nhiệt tình ủng hộ nên hai vợ chồng quyết tâm không sinh tiếp, để có điều kiện chăm sóc hai con được tốt hơn.

Với những gia đình hiếm con, thì vợ chồng anh chị là một gia đình rất lý tưởng, đáng để mơ ước. Nhưng với một số người lớn tuổi và bạn bè có đủ con trai, con gái thì vợ chồng anh chị trở thành đề tài để mọi người trêu chọc. “Nếu vợ chú không chịu sinh thì chú phải lo ra ngoài kiếm mụn con trai đi, kẻo sau này không có người thờ tự mô”, hay “Thím phải coi chừng, tui nghe phong thanh chú đi ra ngoài “lập phòng nhì” để kiếm con trai đó”, đó là những câu nói anh chị “bị buộc” phải nghe mỗi lúc có việc có kỵ, giỗ dòng họ. Đối với bạn bè cùng trang lứa thì những lời nói càng “cay độc” và “khiêu khích” hơn trong các buổi trà, rượu “mi nuôi vịt giời mai mốt đủ lông, đủ cánh nó cũng bay đi, chỉ trốn công làm nhà tình nghĩa”, những lúc như vậy anh chỉ còn biết cười cho qua chuyện.

Trong suy nghĩ của mọi người, anh chị không phải là cán bộ nhà nước nên không bị ràng buộc chính sách dân số, việc chi không sinh thêm để kiếm đứa con trai, sau này còn nối dõi tông đường. “Nghe mọi người nói ra, nói vào, nhiều khi tui cũng muốn sinh thêm một đứa nữa, nhưng anh một mực không đồng ý nên tui cũng thôi”, chị Chất tâm sự.

Không sinh thêm để lo cho hai con được đầy đủ

Gia đình anh chị cũng như bao gia đình ở thôn quê khác, do không có nghề nghiệp ổn định nên anh phải bôn ba nhiều việc, tuỳ theo từng mùa vụ khác nhau để làm ruộng, phụ thợ nề hay bán kẹo kéo…Còn chị, nhờ nhà gần đường quốc lộ, nên mở một quán nhỏ để buôn bán lặt vặt. Trong suy nghĩ của anh, đã sinh con ra là phải lo cho con được đầy đủ, “nhiều nhà có kinh tế vững mà chỉ sinh một hai đứa, huống chi là gia đình khó khăn như tui, chỉ mong hai con học đến nơi đến chốn có công việc ngon lành là vui rồi”, anh Cường tâm sự.

Cũng may cho anh chị nhờ hai bên nội, ngoại thấu hiểu cuộc sống khó khăn của hai vợ chồng nên cũng không nặng nề, ngược lại còn động viên, an ủi. May mắn hơn, hai cô con gái càng lớn càng xinh đẹp, học giỏi. Con gái lớn năm nay học năm nhất ngành mầm non trường CĐSP Huế, con thứ hai học lớp 10 ở trường gần nhà. Ngoài giờ đi học, những lúc rảnh rỗi hai chị em giúp mẹ buôn bán, đỡ đần công việc trong gia đình, lại không có tính ham chơi, đua đòi như những đứa trẻ khác nên anh chị càng yên tâm, không để ý đến những lời bàn tán của mọi người.

Nhờ chịu khó làm ăn, anh chị cũng chắt chiu, dành dụm xây dựng được ngôi nhà kiên cố, dù không được rộng lớn, khang trang như người ta, nhưng với anh chị là một niềm tự hào, bởi sự cố gắng không mệt mỏi của cả hai vợ chồng, để vượt qua những cái nhìn định kiến “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” mà xã hội đang áp đặt, mà trong đó gia đình anh chị là một nạn nhân của cái định kiến đó.

Sinh con mot be (2)

Gia đình anh Cường, chị Chất

Cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng

Qua gia đình anh Cường, chị Chất cho chúng ta thấy, dù đến thời điểm hiện nay, nhưng quan điểm về việc sinh con trai, con gái vẫn đang còn ăn sâu vào tư tưởng một bộ phận người dân. Trong khi đó, sự chênh lệch giới tính của nước ta ngày càng kéo dãn khoảng cách, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố: tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh năm 2013 là 113,8 bé trai/100 bé gái, tăng so với mức 112,3 bé trai/100 bé gái của năm 2012.

Vì vậy, qua đây tôi xin kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm có các giải pháp tuyên truyền, khuyến khích, khen thưởng, hỗ trợ đối với các gia đình sinh con gái một bề, để họ được động viên, được thấy rằng chính sách của Nhà nước rất khuyến khích các gia đình sinh con gái, nhằm xoá bỏ định kiến của xã hội về việc sinh con một bề là gái. Đồng thời, qua đó giúp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động ở nước ta hiện nay.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: