Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Chế độ đại nghị khởi đầu từ nước Anh như thế nào?

17/03/2021
Chế độ đại nghị khởi đầu từ nước Anh như thế nào?

Cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, nền kinh tế xã hội của nước Anh có những biến đổi quan trọng. Tầng lớp kị sĩ, thị dân lớp trên và nông dân giàu có gần gũi nhau về mặt lợi ích, họ đòi mở rộng thị trường, chống việc đánh thuế nặng, đòi có một vương quyền thống nhất. Trong khi đó, tăng lữ và chúa phong kiến thì lại ra sức bảo vệ những đặc quyền cũ và duy trì hình thức bóc lột nô dịch, chống lại một vương quyền lớn mạnh.

Năm 1215, được sự ủng hộ của kị sĩ và thị dân, các chúa phong kiến lớn dùng vũ lực buộc nhà vua kí bản “Đại hiến chương tự do”. Song bản hiến chương này lại không được thực thi đầy đủ.

Năm 1258 và 1259, các chúa phong kiến rồi tầng lớp kị sĩ lần lượt đưa ra những hiến chương riêng nhằm bảo vệ những quyền lợi của mình. Từ đó, trong nội bộ các chúa phong kiến nảy sinh sự phân biệt. Một phái liên minh với kị sĩ và thị dân, còn một phái thì kiên quyết duy trì nền thống trị độc đoán. Nhà vua Anh đã lợi dụng tình hình đó cự tuyệt yêu cầu của liên minh phong kiến – kị sĩ, dẫn đến cuộc nội chiến diễn ra trong nhiều năm. Năm 1264, liên minh phong kiến – kị sĩ giành được thắng lợi lên nắm quyền thống trị, năm sau triệu tập quốc hội. Tham gia hội nghị, ngoài đại biểu của tăng lữ phong kiến, còn có đại biểu của kị sĩ và thị dân. Đó là mở đầu cho một chế độ, gọi là chế độ Đại nghị. Lúc bấy giờ ở nước Anh, phong trào nông dân đang dấy lên mạnh mẽ. Trước tình thế đó, giai cấp bóc lột phải dừng cuộc đấu tranh nội bộ. Họ bắt đầu thỏa hiệp với nhau, mặt khác cũng thấy cần phải liên kết với kị sĩ và thị dân thì mới củng cố được nền thống trị phong kiến. Bởi thế, thời vua Edouard I trị vì (1272 - 1307) chế độ nghị hội được xác lập. Năm 1295, quốc hội do Edouard triệu tập trở thành mẫu mực cho các quốc hội sau này được sử sách gọi là “quốc hội tiêu biểu”. Đến thế kỷ thứ XIV, quyền lực của quốc hội về cơ bản đã được xác định.

Chế độ đại nghị về sau chia ra Thượng viện và Hạ viện

Quốc hội được quyền phê chuẩn việc thu thuế, ban bố pháp luật và giải quyết các vấn đề chính trị quan trọng… Bắt đầu từ năm 1343, Quốc hội chia thành Thượng viện và Hạ viện. Chế độ hai viện trong Quốc hội bắt đầu từ đây.

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: