Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Ý nghĩa cột mốc “Đảo Trường Sa” tại Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh

26/12/2022
Ý nghĩa cột mốc “Đảo Trường Sa” tại Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh

Khi đến Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh (Lộc An, Phú Lộc), vừa qua cổng bạn sẽ nhìn thấy ngay cột mốc hình lớn, bốn mặt khắc chữ nổi “Đảo Trường Sa”, phía trên đỉnh có lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn tung bay hiên ngang trước gió. Nhưng nguyên nhân sự xuất hiện của nó thì không phải ai cũng biết  rõ.

Sự xuất hiện cột mốc “Đảo Trường Sa” tại Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử về một thời căng thẳng trong đấu tranh bảo vệ biên giới, biển đảo của đất nước ta; bắt đầu từ những năm Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh khi còn làm Bộ trưởng Quốc phòng (1987-1991).

Cột mốc đảo Trường Sa hiện nay ở Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh

Thời gian đó là cả một quá trình diễn biến lịch sử đầy cam go, biến động diễn ra khu vực quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa lúc đó, có 6 nước tuyên bố chủ quyền, trong đó 5 nước đưa quân ra đóng giữ gồm: Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan. Riêng Brunei tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa nhưng không có quân đội đóng tại đây.

Từ cuối năm 1986, Trung Quốc gia tăng các hoạt động tại khu vực Trường Sa. Trung Quốc liên tục tăng số tàu chiến, tàu vận tải trinh sát, thăm dò tại Trường Sa. Không chịu thua kém, ngày 31/12/1986 Malaysia đưa quân đến đóng giữ bãi Kỳ Vân và uy hiếp các đảo khác gần đảo Thuyền Chài.

Trước tình hình căng thẳng ở biển Đông, ngay sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1987), Đại tướng Lê Đức Anh, đã hai lần trực tiếp xuống làm việc với Bộ tư lệnh Hải quân, vùng 4 Hải quân để giao nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, đóng giữ các đảo chìm. Ngày 5/3/1987, chúng ta đã đưa quân ra đóng giữ đảo Thuyền Chài.

Tiếp đó, ngày 06/11/1987, Đại tướng Lê Đức Anh đã ký Mệnh lệnh số 1679/ML-QP với quyết tâm cao “đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi cạn chưa có người ở, không chờ xin chỉ thị cấp trên, trước mắt đưa ngay các lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lớn, Tiên Nữ. Khai thác và phát huy khả năng của các lực lượng vũ trang, các ngành, các địa phương để chi viện từ bờ ra đảo xa. Nếu đối phương xâm phạm đảo hoặc dùng vũ lực uy hiếp thì đánh trả và luôn cảnh giác, tỉnh táo, không mắc mưu địch khiêu khích”.

Thực hiện mệnh lệnh trên, từ đầu năm 1988 đến 15/3/1988 ta đóng giữ thêm 11 đảo: Đá Tây (15/1), Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3), Cô Lin (14/3), Len Đao (14/3), Đá Nam (15/3) và Đá Thị (15/3), nâng tổng số đảo do ta đóng giữ lên con số 21 đảo (33 điểm đảo), gấp hai lần giai đoạn trước năm 1987.

Chỉ trong thời gian hai năm (1987-1988), Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam chúng ta đã liên tục gia tăng các điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Các bên đóng giữ các đảo phần lớn là không tiếng súng. Chỉ duy nhất có nổ súng khi tranh chấp đóng giữ tại Gạc Ma và Cô Lin. Trên tinh thần vừa kiên quyết đưa quân bảo vệ quần đảo; đồng thời phải mềm dẻo nhằm tránh gây xung đột không đáng có, chúng ta đã ra sức kiềm chế, tránh không mắc mưu khiêu khích của đối phương.

Tuy chúng ta đã hết sức kiềm chế, tránh xung đột trực tiếp, nhưng ngày 14/3/1988 Trung Quốc đã dùng vũ lực bất ngờ đánh chiếm đảo đá chìm Gạc Ma. Trong một cuộc chiến không cân sức để bảo vệ đảo đá Gạc Ma, 64 chiến sĩ thuộc lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh. Bộ đội Việt Nam giữ vững Cô Lin và Len Đao.

Ngay sau sự kiện Gạc Ma, Việt Nam đã đóng giữ thêm hai đảo Đá Nam và Đá Thị mà không xảy ra xung đột nào.

Khẳng định sự quyết tâm bảo vệ từng tất đất, từng hòn đảo với tinh thần quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 7/5/1988, ngay trên đảo chính quần đảo Trường Sa lớn, có mặt đông đủ đại diện các Tổng cục, các quân chủng Hải quân, đứng ngay dưới chân cột mốc của Trường Sa lớn, Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc lời thề bảo vệ biển đảo của Tổ quốc “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.

Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc lời thề bảo vệ biển đảo của Tổ quốc tại đảo Trường Sa Lớn ngày 7/5/1988

Theo ông Lê Mạnh Hà, con trai của Đại trướng Lê Đức Anh cho biết: Để đánh dấu kỷ niệm sự kiện trên, năm 2020, tại Nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh, một cột mốc “Đảo Trường Sa” đã được dựng lên theo nguyên mẫu cột mốc của Trường Sa lớn, nơi mà Đại tướng Lê Đức Anh đã từng đọc lời thề vang vọng non sông.

Hiện tại hình ảnh cột mốc “Đảo Trường Sa” và bài phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh năm nào đã được tái hiện và được trưng bày một cách trang trọng ngay trên chính quê hương Đại tướng.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: