Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Gánh cháo rong, nuôi chồng khuyết tật và 3 con ăn học

24/04/2016
Gánh cháo rong, nuôi chồng khuyết tật và 3 con ăn học

Chỉ với gánh cháo rong mỗi buổi sáng với một vài việc lặt vặt, chị Hoàng Thị Hiếu (53 tuổi) ở xã Lộc An (Phú Lộc) đã chăm nuôi chồng gần 30 lần nhập viện mổ cắt tay chân, nuôi ba người con ăn học thành tài

Cứ mỗi buổi sáng với đôi quai gánh trên vai, chị gánh gánh cháo đi bán khắp các  con đường ở trong thôn, tảo tần, góp nhặt từng đồng bạc lẻ, khoảng thu nhập từ gánh cháo cũng khá khiêm tốn, khoảng 50.000đ - 60.000đ/ngày, những ngày mưa gió ít người mua thì chị đem về và coi như cả ngày đó cả nhà ăn cháo thay cơm. Những thời gian còn lại chị nhận thêm làm bánh lọc lá khi có người đặt, hay quanh xóm có ai nhờ chi thì chị làm náy để chạy vạy thêm cho cuộc sống hàng ngày và chạy chữa thuốc thang cho anh.

Chồng chị, anh Trương Mãi (54 tuổi) từ một người đàn ông mạnh khoẻ, hơn 20 năm trước, anh đã mắc phải chứng bệnh viêm tắc động mạch, máu khó lưu thông, gia đình đã nhiều lần chạy chữa thuốc thang, nhưng y học lúc đó còn hạn chế nên không thể chữa trị được, anh đành chấp nhận thực tế là cứ xương thịt bị chết đến đâu…thì cưa đến đó. Đến nay anh đã 29 lần nhập viện cắt tay chân, giờ anh chỉ còn lại 2 ngón ở cánh tay trái, nhờ nó cứu cánh cho anh mọi sinh hoạt như tự đút cơm ăn, tự uống nước hay tự vệ sinh cá nhân. Nhưng nó hiện cũng đang hoại tử, thời gian tới anh phải cắt bỏ và “chính thức” trở thành người tàn phế.

DSC05151 

Một mình chị tảo tần nuôi chồng tàn phế và 3 con ăn học

Trong 29 lần chồng nhập viện, cũng là chừng ấy thời gian chị phải khăn gói lên chăm nuôi chồng. Trước khi anh chưa mắc bệnh, anh chị cũng đã có nhà cửa hẳn hoi, nhưng sau thời gian dài anh nhập viện, chị đành cắn răng bán đi ngôi nhà để chạy chữa cho anh, dù rằng anh chị không muốn. Anh Mãi hài hước nhớ lại những lần nhập viện gian khổ trước đó của hai vợ chồng: “Mỗi lần tôi lên nhập viện là bà ấy bới theo 10 lon gạo, một đầm khoai khô, sắn lát, một bó củi khô, một bì muối tiêu…cứ rứa mà xử lý”. Thấy thương xót cảnh anh chị, một người em đã cho anh chị mượn một mảnh đất ở tạm, với căn nhà được xây tấp lô cũng khá khiêm tốn, tạm bợ.

Gánh nặng nuôi chồng bệnh tật, nuôi con ăn học và cả “cơm áo, gạo tiền” đè nặng lên đôi vai chị. Thấm thía cảnh nghèo đói do thất học, chị vẫn quyết tâm dù khó khăn, cực khổ đến mấy cũng cố gắng nuôi các con ăn học nên người. Đáp lại công lao sinh thành, dưỡng dục và sự cần lao của mẹ, các con của chị đều ra sức học tập và ai cũng siêng năng, ngoan hiền, biết tự lập nên anh chị cũng không phải lo lắng nhiều.

Hiện ba người con đã học xong ra trường, trong đó hai người con đã có việc làm ổn định, người con đầu học Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, hiện đang làm ở Cảng Chân Mây, người con thứ hai học Cao đẳng Y hiện đang làm ở Bệnh viện huyện Phong Điền, người con út học Sư phạm Tin vừa mới ra trường. “Mấy đứa con của vợ chồng con Hiếu giỏi lắm, biết lo cho ba mẹ, biết phụ giúp gia đình những lúc nghỉ học, mà đứa mô học hành cũng giỏi giang”, mệ Tám cùng xóm với gia đình chị Hiếu cho biết.

Bà Hoàng Thị Lệ Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc An nhận xét: “Chị Hiếu là một người phụ nữ mạnh mẽ, vượt qua được những khó khăn nhất trong cuộc sống, nuôi dạy 3 con ăn học thành tài. Đây là một tấm gương tiêu biểu cho các chị em khác noi theo”.

Tiến Vinh

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: