Giờ làm việc
Giờ làm việc

T2 - CN 24/7

Đi tìm vị Hoàng Đế và địa điểm bắn sóng yêu?

21/01/2016
Đi tìm vị Hoàng Đế và địa điểm bắn sóng yêu?

Phá Tam Giang - Cầu Hai từng xảy ra một huyền thoại, về Bản triều Thái Tông Hoàng đế ra lệnh bắn 2 sóng yêu, nhiều bài báo cũng từng trích dẫn nhưng không nói cụ thể là vị Thái tông Hoàng đế nào?

Sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) có chép rằng “xưa có bài ca cửa biển Tư Hiền có nói phá (Hà Trung) có 3 sóng thần, thường đánh đắm thuyền bè. Bản triều Thái Tông hoàng đế từng đến đây chơi, trông thấy con sóng yêu làm hại thuyền, nổi giận sai đem đại bác ra bắn, trúng được hai sóng, máu phun ra làm đỏ cả dòng nước, còn một sóng chạy ra biển cả trốn mất, từ đấy đi lại không lo gì nữa”.

anh-Tien Vinh (3)

Ba ngọn sóng yêu từng được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí

Cũng đã có nhiều bài báo trong thời gian qua đã viết và trích dẫn nhầm lẫn câu chuyện vua Bản triều Thái Tông hoàng đế bắn sóng yêu ở Phá Tam Giang (thuộc Phong Điền - Quảng Điền). Họ căn cứ theo câu ca dao xưa ở Huế Thương em, anh chẳng dám vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” vì cho rằng nước sông sâu, rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn nên việc xuất hiện 3 con sóng yêu ở phá Tam Giang là điều có thể xảy ra?

Câu chuyện trên chỉ được ghi lại qua câu ca, mang tính truyền miệng, thần thánh hóa; trong sách đã trích dẫn cụ thể “xưa có bài ca cửa biển Tư Hiền”. Chỉ là bài ca do nhân dân địa phương sáng tác với tính chất ca ngợi vị vua có công với đất nước nên câu chuyện không nhất thiết phải xảy ra ở nơi nước sông sâu, rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn như phá Tam Giang mà nhiều bài báo trước đã tự ý suy diễn?

Đại Nam nhất thống chí viết rất rõ nơi diễn ra câu chuyện trên là phá Hà Trung “phá Hà Trung ở phía đông bắc huyện Phú Lộc, nước phá từ các sông Lợi Nông, Sư Lỗ và Cao Đôi tụ lại, rộng lớn không thấy bờ, xã Diêm Trường ở giữa phá (bao gồm 5 xã Khu III của Phú Lộc ngày nay)…(cách vài dòng là nói đến truyền thuyết trên)” và phá Tam Giang có một mục riêng, viết khá chi tiết “Phá Tam Giang thuộc địa phận 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền, trước đây gọi là biển cạn (Hạt Hải), nam bắc dài 30 dặm, Đông - Tây rộng chừng 6 dặm, nước đổ vào từ 3 sông Tả, Trung, Hữu nên vua Minh Mạng đặt tên là Phá Tam Giang”.

Các bài báo được viết trong thời gian qua đã trích dẫn thiếu hai từ “Bản triều” nói đến gốc tích của vị hoàng đế ban lệnh bắn sóng yêu, chỉ trích dẫn vào bốn từ “Thái Tông hoàng đế”, mà Việt Nam ta qua các triều đại có tất cả 4 vị hoàng đế cùng lấy Miếu hiệu là Thái Tông: Lý Thái Tông (1000 - 1054), Trần Thái Tông (1218 - 1277),  Lê Thái Tông (1423 - 1442) và Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) do Triều Nguyễn sau này suy tôn. Cách viết lịch sử bằng việc sao chép, thiếu sự tìm tòi nghiên cứu và viết thiếu từ làm cho nhiều độc giả khi đọc và đi sâu tìm hiểu thấy có sự mâu thuẫn nên thắc mắc, khó hiểu.

Anh Tien Vinh (1)

Vẻ đẹp yên bình của Phá Hà Trung (Cầu Hai) - ảnh: Tiến Vinh

Nhiều độc giả khi đọc bài báo đã thắc mắc vị hoàng đế nào trong 4 vị hoàng đế được kể trên đã ban lệnh bắn sóng yêu trên phá Hà Trung? Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Phát triển Kinh tế Đà Nẵng: “Trong ĐNNCT đã viết Bản triều Thái Tông hoàng đế. “Bản triều” tức chỉ “triều này, triều hiện tại”, ý chỉ Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần. Tích câu chuyện diễn ra ở phá Hà Trung, nếu viết chi tiết theo địa danh xưa thì phá Hà Trung, ngày nay viết rộng là phá Tam Giang - Cầu Hai”. Chúa Nguyễn Phúc Tần nổi tiếng là người giỏi thủy chiến, là một võ tướng có tài đánh thắng nhiều trận trên biển. Như năm Quý Mùi (1643) ông trực tiếp đốc suất các chiến thuyền vây đánh ba chiếc tàu của quân Hà Lan tại cảng Eo (Thuận Hóa) làm một tàu chìm, hai chiếc còn lại bỏ chạy và một chiếc bị va vào đá ngầm chìm. Chính nhờ cái tài về thủy quân nên có lẽ nhân dân ta đã làm bài ca ca tụng, thần thánh hóa ông!?

Nhiều người hiện nay viết về bài nhưng lại trích dẫn thiếu, gây nhầm lẫn địa điểm xảy ra sự kiện thì chẳng khác gì “tung hỏa mù” người đọc. Đặc biệt trong lĩnh vực lịch sử thì càng cần phải thận trọng trước khi viết, nhất là trong tình hình học sinh ngày càng chán học lịch sử như hiện nay.

Tiến Vinh

Slider 3

Không có bình luận nào cho bài viết.

Viết bình luận: